21/08/2016 12:51 GMT+7

​“Tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm”

Q.TRUNG
Q.TRUNG

TTO - Đó là một trong những ý kiến được Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 tại Hà Nội sáng 21-8.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Phó thủ tướng, công tác đối ngoại địa phương trong những năm qua dù đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu nhưng tiến trình hội nhập quốc tế ở cả cấp trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế cũng như tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm.

Phó thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác ngoại vụ chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường từ hội nhập quốc tế sâu rộng. Năng suất, trình độ công nghệ và quản trị còn thấp, chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.

Phó thủ tướng đưa ra bốn định hướng, đề nghị hội nghị tập trung thảo luận.

Thứ nhất, cần quyết liệt trong việc đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, xác định đây là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; cần triển khai mạnh định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của địa phương, coi đây là nhiệm vụ chung của các tất cả các sở, ban, ngành.

Các địa phương cần gắn hội nhập quốc tế với chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể của địa phương mình.

Thứ hai, các địa phương cần tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch.

Thứ ba, đề nghị các địa phương cùng phối hợp với các bộ, ngành trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại thường xuyên, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, FDI, tăng cường công tác quản lý biên giới lãnh thổ (đối với các địa phương có biên giới trên bộ, biển, đảo), thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác phi chính phủ nước ngoài.

Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ biên - phiên dịch để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của cơ quan ngoại vụ địa phương.

Đối với các tỉnh chưa thành lập sở Ngoại vụ, đề nghị căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương chủ động thúc đẩy việc thành lập sở để có bộ máy chuyên trách, tham mưu giúp việc hiệu quả cho lãnh đạo tỉnh trong công tác đối ngoại.

 

 

Q.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên