TTCT - 3°C có thể mang lại tác động thế nào cho sức khỏe hành tinh? Trước khi đến được bàn ăn của mỗi gia đình, thực phẩm đông lạnh đã được vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, giúp giữ nhiệt độ thấp nhất quán ở mức -18°C. Con số này đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp toàn cầu về đông lạnh thực phẩm.Cuối năm 2023, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy -18°C có thể là mức "lạnh không cần thiết" và tiêu tốn năng lượng. Chỉ cần con số này thêm 3 độ có thể cắt giảm 17,7 triệu tấn CO2 mỗi năm. Nhưng "đường tới âm 15 độ" - như tên một liên minh thành lập để thúc đẩy phong trào - có dễ dàng?3 độ đổi thayThree Degrees of Change (3 độ đổi thay) là tên báo cáo do nhóm các chuyên gia Đại học Birmingham, Đại học London South Bank và International Institute of Refrigeration (IIR, Pháp) cùng nhiều tổ chức khác công bố ngày 29-11-2023, nhân hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP28.Theo đó, tăng nhiệt độ các hệ thống trữ đông thực phẩm từ -18°C lên -15°C có thể cắt giảm lượng phát thải tương đương với lượng khí thải của 3,8 triệu ô tô mỗi năm, tiết kiệm 5-7% năng lượng trên toàn bộ chuỗi thực phẩm đông lạnh mà không ảnh hưởng đến độ an toàn hoặc chất lượng của thực phẩm.Theo Yosr Allounche - tổng giám đốc IIR, mức đông lạnh -18°C hiện nay trên toàn cầu là con số "chọn ngẫu hứng" từ giữa thế kỷ trước: con số này tương đương với 0oF, vì vậy nó "có lẽ là một con số tròn trịa, dễ nhớ". Mặt khác, -18°C cũng được chứng minh là nhiệt độ an toàn để bảo quản và cung cấp thực phẩm chất lượng, bà Allounche nói với trang Anthropocine.Tuy vậy, nhóm nghiên cứu đã đặt vấn đề: liệu chúng ta có thực sự cần chuỗi trữ lạnh đến mức này hay không; nếu duy trì mức -18°C thì phải trả giá gì về mặt khí hậu và ngược lại, làm mức trữ đông "ấm hơn" sẽ được lợi gì?Cũng để trả lời câu hỏi đó, một nghiên cứu khác - do hãng nghiên cứu Campden BRI thực hiện cùng công ty thực phẩm đông lạnh Nomad Foods - cho thấy tăng nhiệt độ trữ đông thêm 3°C sẽ giúp giảm tiêu thụ năng lượng trên 10% mà không ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, cũng không cần tính toán lại công thức thành phần sản phẩm.Trong thông cáo cuối tháng 2-2024, Nomad cho biết nghiên cứu kéo dài 12 tháng được thực hiện với chín sản phẩm đông lạnh phổ biến - gồm gia cầm, cá muối, cá tự nhiên, rau, pizza và thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chúng được trữ ở nhiệt độ từ -18°C đến -9°C, sau đó các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá dựa trên 8 tiêu chí, từ tính an toàn, dinh dưỡng, cấu trúc (texture) tới mức tiêu thụ năng lượng và tác động của bao bì.Kết quả của nghiên cứu này củng cố thêm nhận định trước đó rằng trữ đông ở nhiệt độ -15°C thay vì -18°C có thể giảm tiêu thụ năng lượng mà không để lại tác động đáng chú ý nào về tính an toàn, cấu trúc, hương vị và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.Nomad Foods, trụ sở ở Vương quốc Anh, là hãng thực phẩm đông lạnh lớn nhất châu Âu. Việc gã khổng lồ này chủ động thực hiện nghiên cứu cho thấy ngành thực phẩm đông lạnh và vận chuyển rất nghiêm túc trước đề xuất "3 độ đổi thay" của giới khoa học.Báo cáo "3 độ đổi thay" cũng do một ông lớn trong ngành logistic toàn cầu hỗ trợ: DP World, một đối tác lớn của COP28. Cùng với việc công bố báo cáo, DP World cũng thành lập liên minh Join the Move to -15°C để tiếp tục nghiên cứu tiềm năng thực thi mục tiêu "làm ấm ngành đông lạnh" này."Tiêu chuẩn thực phẩm đông lạnh chưa được cập nhật trong gần một thế kỷ qua, quá hạn phải sửa đổi rất xa rồi. Việc chuyển sang -15°C sẽ gắn kết ngành công nghiệp lưu trữ và vận chuyển lại với nhau để khám phá các tiêu chuẩn mới, xanh hơn nhằm giúp khử carbon trong lĩnh vực này trên quy mô toàn cầu" - Maha AlQattan, giám đốc phát triển bền vững của DP World, tuyên bố.Dấu chân carbon của thực phẩm đông lạnhTheo The New York Times, thực phẩm có thể được bảo quản đông lạnh trong tối đa một năm - không phải vì thức ăn sẽ hỏng mà vì nó sẽ có mùi vị khó chịu. Tuy nhiên, chất lượng thực phẩm đông lạnh chỉ tốt nhất trong vòng 2 - 6 tháng.Tuy nhiên, đông lạnh thực phẩm có thể ảnh hưởng tới môi trường theo hai cách ngược nhau. Một mặt, cách này ngăn chặn lượng lớn khí thải từ sản phẩm tươi bị hỏng và lãng phí. Mặt khác, đông lạnh thực phẩm tiêu tốn lượng lớn năng lượng và góp phần tạo ra khí thải toàn cầu.Theo nhóm tác giả Đại học Birmingham, việc tăng nhiệt độ của thực phẩm đông lạnh lên 3°C sẽ khiến thực phẩm đông lạnh ít gây hại cho môi trường hơn nhiều. Cụ thể, trữ thực phẩm ở -18°C có nghĩa là các chuỗi đông lạnh trên toàn thế giới tiêu thụ 484 terawatt giờ (TWh) mỗi năm. Để dễ hình dung, một terawatt giờ tương đương mức tiêu thụ điện hằng năm của 150.000 người sống ở châu Âu. Khi dân số toàn cầu đang tăng và chuỗi cung ứng lạnh được mở rộng đến nhiều nơi trên thế giới, mức tiêu thụ năng lượng này dự kiến tăng đáng kể.Năng lượng này sẽ thay đổi như thế nào nếu nhiệt độ được giảm xuống -15°C? Báo cáo tính toán ngành công nghiệp có thể giảm 25 TWh mức tiêu thụ năng lượng mỗi năm. Con số này gần gấp đôi mức tiêu thụ điện của Kenya, hoặc khoảng một nửa lượng điện tiêu thụ hằng năm của Singapore. Sự thay đổi này giúp giảm được 17 triệu tấn khí nhà kính, tương đương lượng khí thải do gần 4 triệu ô tô tạo ra.Allouche cho biết việc tăng nhiệt độ thực phẩm đông lạnh lên 3 độ cũng có nghĩa về mặt năng lượng - cụ thể là giảm 11,4 gigawatt nhu cầu sản xuất điện gió mới, trị giá 15 tỉ USD, vốn được dùng để cung cấp năng lượng cho các chuỗi lạnh đang mở rộng. Hơn nữa, theo bà, nhiệt độ -15°C không gây nguy hiểm cho thực phẩm."An toàn thực phẩm không còn là vấn đề kể từ thời điểm thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ dưới -12°C, vì lúc đó các vi sinh vật đều bị bất hoạt", bà giải thích. Trong khi đó, cứ mỗi độ giảm xuống dưới -12°C, mức tiêu thụ năng lượng sẽ tăng 2-3%.Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cần nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là về chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ mới, trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào, dù việc tăng nhiệt độ chuỗi lạnh toàn cầu nghe có vẻ hữu ích tới mức nào đi nữa.Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sản phẩm như rau bina có thể duy trì chất lượng dinh dưỡng ở -15°C trong tối đa ba tháng, nhưng cần nhiều dữ liệu hơn cho các loại sản phẩm khác nhau. Nghiên cứu hiện tại cũng chỉ ra cách xử lý thực phẩm trước khi đông lạnh có thể làm thay đổi chất lượng của sản phẩm ở nhiệt độ dưới 0.Vì vậy, Allouche lưu ý cần nghiên cứu thêm về phương pháp giúp đảm bảo sản phẩm tốt nhất có thể ở nhiệt độ đông lạnh -15°C. Bên cạnh đó, với quy chuẩn -18°C đang được áp dụng cho chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, việc thay đổi nhiệt độ cũng đòi hỏi phải thay đổi tư duy và các chính sách. Trữ kem ở nhiệt độ ấm hơnHãng Unilever đã thử cải tiến các sản phẩm kem để cất chúng trong tủ đông với nhiệt độ ấm hơn mức hiện nay, nhằm giảm tác động đến môi trường và giảm chi phí tiền điện của các nhà bán lẻ.Thánh 5-2022, Uniliver thực hiện hai thử nghiệm bảo quản kem ở nhiệt độ ấm hơn ở Đức, với mục tiêu giảm tiêu thụ điện và phát thải khí nhà kính từ20-30% trên mỗi tủ đông, mà không ảnh hưởng tới chất lượng kem và trải nghiệm khách hàng.Sang tháng 11-2023, công ty tuyên bố kết quả cho thấy trữ kem ở nhiệt độ -12°C, thay vì tiêu chuẩn của ngành là -18°C, thực sự giúp giảm tiêu thụ điện khoảng 25%, nghĩa là vừa tốt cho môi trường vừa giảm chi phí vận hành tủ đông.Từ thành công này, Unilever thông báo sẽ cấp miễn phí quyền sử dụng không độc quyền (non-exclusive license) liên quan tới 12 bằng sáng chế điều chỉnh công thức cho ngành kem. "Chúng tôi kỳ vọng các công ty và đối tác trong khắp ngành kem sẽ hưởng lợi (từ thử nghiệm của Unilever) và cùng hành động để giải quyết nạn phát thải của ngành" - Andy Sztehlo, giám đốc bộ phận R&D về kem của Unilever, nói.Doanh số bán kem ngoài trời của Unilever giảm nhẹ trong quý 4-2022 vì một số cửa hàng đã rút phích cắm tủ đông của họ sớm hơn bình thường. Giám đốc điều hành Alan Jope cho biết các chủ cửa hàng ở một số thị trường đã lo ngại về chi phí năng lượng tăng cao và phản ứng bằng cách tắt tủ đông.Hầu hết trong số 3 triệu tủ đông dạng tủ đựng kem và đồ ăn ở các cửa hàng nhỏ và góc phố trên toàn thế giới thuộc sở hữu của Unilever, theo tuyên bố của công ty này. Năng lượng được sử dụng để cung cấp cho tủ đông chiếm khoảng 10% lượng khí thải nhà kính của Unilever. Công ty kỳ vọng hành động này giúp công ty chạm đến nhóm người tiêu dùng quan tâm đến sự bền vững và thậm chí kéo dài mùa bán kem của các cửa hàng. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Sức khỏe hành tinhBiến đổi khí hậuTrữ đôngĐông lạnh
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.