Phóng to |
Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao giải thưởng Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu - Ảnh: Hoài Linh - Tuổi Trẻ |
Trí tuệ Việt Nam đã có người đạt đến đỉnh cao nhân loại. Trong niềm sung sướng và tự hào dân tộc, ta hãy cùng nhau nghĩ suy từ đỉnh cao này.
Đỉnh đó đã được trông vời từ buổi học đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam mới thuở khai sinh nền dân chủ cộng hòa: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các em".
Lời thư của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày khai trường năm 1946 đã vạch đường mở lối, đã thúc giục vẫy gọi.
Đỉnh đó đã được nhìn đến từ trong những ngày khói lửa chiến tranh, khi thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định cho lập ra các lớp chuyên toán, khi các giáo sư toán học tài giỏi Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng một hệ thống toán học của Việt Nam. Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, giữa những ngày B52 ném bom Hà Nội.
Nhà toán học xuất sắc bây giờ đã đi những bước đầu tiên vào con đường toán học chính trên con đường đã được những người lãnh đạo, những nhà chuyên môn có tầm nhìn xa mở lối.
Đỉnh đó đã được nhắm tới từ khi có những nhà toán học hàng đầu, lừng danh thế giới đến Việt Nam truyền đạt kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, khơi dậy khát vọng và niềm tin cho thầy trò học toán.
Có đồng đẳng mới bình đẳng - sự xuất hiện của những tên tuổi các nhà toán học sáng giá đã tiếp thêm sức mạnh học toán, làm toán và ước mơ chinh phục những đỉnh cao toán học của các nhà toán học Việt Nam.
Việt Nam đã là một nước dân chủ cộng hòa 65 năm, đã ra khỏi cuộc chiến tranh 35 năm, đã là một thành viên đang ngày càng chứng tỏ vai trò của mình trên trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Giải thưởng Fields cho Ngô Bảo Châu lại càng chứng minh trí tuệ, tài năng của người Việt Nam. Lên đến đỉnh cao tầm nhìn xa hơn, rộng hơn. Nhìn ra trước. Và cả nhìn lại sau.
Ngô Bảo Châu, cũng như Đặng Thái Sơn trước đây, là kết quả của cả sự đào tạo cơ bản trong nước và sự đào tạo nâng cao, nâng tầm ngoài nước. Ở một hệ thống giáo dục chưa phải hoàn toàn tiên tiến như của nước ta, kết quả này là một sự nỗ lực phi thường. Nhưng để từ đỉnh cao Fields có thêm nhiều Ngô Bảo Châu và phát huy được hết năng lực của Ngô Bảo Châu thì phải cải tạo môi trường giáo dục và đào tạo, phải thay đổi môi trường sử dụng nhân tài, phải có chiến lược cơ bản lâu dài và phải có kế hoạch đồng bộ, cụ thể.
Những Ngô Bảo Châu tương lai có thể đang manh nha bây giờ, đừng để họ nguội tàn ước mơ và ý chí chinh phục đỉnh cao, khi đỉnh Fields đã có một người Việt Nam đạt tới.
Tin bài liên quan:
Xem phỏng vấn độc quyền của Tuổi Trẻ với GS Ngô Bảo ChâuXem phóng sự đặc biệt của Tuổi Trẻ về cuộc đời khoa học của GS Ngô Bảo ChâuKỳ 1:Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận