Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với giáo viên môn tiếng Anh, ngữ văn và lịch sử về đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Môn tiếng Anh: Kiếm điểm 7 chỉ cần học kỹ sách giáo khoa và thêm chút vận dụng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy Trần Ngọc Hữu Phước, tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết:
Đề minh họa môn tiếng Anh về độ khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ vững so với năm ngoái, không biến động nhiều. Cấu trúc của đề thi vẫn giữ như năm ngoái về độ phân hóa và cũng phù hợp với năm cuối học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình phổ thông 2006.
Với cấu trúc đề này, chỉ cần học trong sách giáo khoa và một chút vận dụng, học sinh TP.HCM có thể dễ dàng lấy được điểm 7, điểm 8.
Với đề minh họa này, phần khó trong đề tiếng Anh sẽ rơi vào bài đọc hiểu và một số câu về thành ngữ, từ vựng. Bài đọc hiểu sẽ thử thách học sinh.
Còn phần từ vựng, thành ngữ là những câu đòi hỏi học sinh phải đọc nhiều, nghiên cứu nhiều, làm những bài tập nâng cao mới làm được những phần này. Đây là phần để học sinh kiếm điểm 9, điểm 10.
Những câu ngữ pháp, dấu nhấn, tìm lỗi sai trong đề minh họa môn tiếng Anh cũng đều nằm trong chương trình 12. Học sinh học kỹ chương trình 12 đều có thể làm được hết, không khó.
Môn lịch sử: Chỉ 10% đề thi nằm trong kiến thức học kỳ 2 lớp 11
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, nhận định đề minh họa môn lịch sử về cấu trúc không có gì thay đổi so với mọi năm.
Đề có 40 câu với nội dung nằm trải dài trong kiến thức của học kỳ 2 lớp 11 và toàn bộ nội dung chương trình lớp 12. Nội dung lớp 11 có 4 câu (chiếm 10%) đề thi.
Đề có 32 câu thuộc dạng kiểm tra kiến thức nhận biết, thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm khái quát những kiến thức quan trọng của chương trình là có thể làm đúng.
Đề có 8 câu vận dụng từ thấp đến cao. Trong đó, có 4 câu cuối đề thi học sinh phải có kiến thức tổng quát hoặc thậm chí chuyên sâu mới có thể chọn được đáp án đúng khi các câu hỏi buộc học sinh phải so sánh và nhận ra những điểm mới, điểm khác của các sự kiện thuộc các khung thời gian khác nhau.
Vì thế, theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, đề minh họa đáp ứng được hai tiêu chí là xét tốt nghiệp và xét đại học nhưng không hay.
Với đề này, thầy Du khuyên học sinh nên học tập theo hướng hệ thống hóa kiến thức theo chuyên đề để có thể nắm được khái quát toàn bộ chương trình.
Sau khi hệ thống hóa kiến thức mới rèn các kỹ năng so sánh, vận dụng kiến thức.
Môn ngữ văn: Học sinh nắm kiến thức và rèn kỹ năng làm bài
Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Trưng Vương, nhận xét đề minh họa môn ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm nay giữ nguyên cấu trúc cơ bản như những năm trước.
Đề vẫn như năm 2023 với phần đọc hiểu và làm văn với cấu trúc điểm như trước đó và cũng đạt được độ phân hóa và có chiều sâu mang tính giáo dục.
Về phần đọc hiểu, ngữ liệu trong câu đọc hiểu mới mẻ, buộc học sinh phải "đọc và suy ngẫm" để có thể đưa ra những câu trả lời chính xác.
Không chỉ vậy, trong phần đọc hiểu có phần từ suy ngẫm của tác giả về Những đám mây cuối trời để học sinh liên hệ đến bản thân, các em rút ra bài học về lẽ sống. Phần này cũng rất logic với phần làm văn ở sau.
Thực sự có sự gắn kết trong đề thi này trong cả nội dung đề thi.
Ở phần làm văn, câu 1 là phần yêu cầu học sinh viết đoạn văn 200 chữ trình bày về suy nghĩ và ý nghĩa của thái độ sống tích cực.
Yêu cầu này không đánh đố học sinh mà vẫn liên kết được với phần đọc hiểu ở trên, lại có tính giáo dục và rất phù hợp với học sinh trong điều kiện sống nhiều áp lực của các em hiện nay, hướng học sinh đến lối sống lạc quan, tích cực.
Câu 2 trong phần làm văn yêu cầu học sinh phân tích trích đoạn "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đề văn này có thêm sự phân hóa khi yêu cầu học sinh nhận xét về tình cảm của nhà văn đối với sông Hương.
Đề minh họa ngữ văn hợp lý với chương trình 2006
Với đề văn như thế này, học sinh học theo chương trình 2006 sẽ không bỡ ngỡ. Vì hiện nay, đề văn này đã được các giáo viên dạy trong trường và thực hành, làm bài thi và các nội dung thi cũng gần gũi như thế này.
Vì thế, học sinh chỉ cần nắm kiến thức, có kỹ năng làm bài và đọc thêm các trích đoạn để tăng khả năng đọc hiểu là các em có thể làm được bài với mức điểm khá.
Tôi hy vọng đề thi chính thức cũng sẽ có cấu trúc chặt chẽ, hợp lý với chương trình đang học như đề minh họa.
Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận