19/03/2013 13:49 GMT+7

T.Ư Đảng và Nhà nước sẽ có trụ sở tiếp dân

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đây là một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật tiếp công dân vừa được tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (19-3).

fcW1XJp6.jpgPhóng to

Theo tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, việc tiếp công dân hiện nay còn hình thức, chưa hiệu quả, có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm

Tiếp công dân ở nhiều cấp, ngành

Theo đó, sẽ thành lập trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước; trụ sở tiếp công dân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trụ sở tiếp công dân của quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Các trụ sở tiếp công dân này tương đối độc lập, có con dấu riêng, với sự tham gia của nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, trụ sở tiếp công dân không phải là cơ quan thay mặt các cơ quan, đơn vị chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. “Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công tác giải quyết khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân. Còn đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có liên quan đến giải quyết công việc của công dân thì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động, có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân cho phù hợp” - ông Tranh giải thích.

Tổng thanh tra nói tiếp: “Đối với các bộ, ngành, không nhất thiết thành lập trụ sở tiếp công dân ở tất cả các bộ. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công tác giải quyết khiếu nại, có thể thành lập đơn vị tiếp công dân hoặc bố trí công chức thuộc thanh tra bộ làm công tác tiếp công dân”.

Ở cấp tỉnh, việc tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh do giám đốc sở bố trí công chức thuộc thanh tra sở làm công tác tiếp công dân. Việc tiếp công dân của xã, phường, thị trấn do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách, có công chức kiêm nhiệm đảm nhận.

“Còn hình thức”

“Việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng; có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra” - ông Tranh nêu thực trạng.

Vẫn theo tổng thanh tra, trong hoạt động tiếp công dân chưa phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ảnh; chưa quy định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với việc tiếp công dân của công chức, giữa việc tiếp công dân thường xuyên với việc tiếp công dân theo yêu cầu khẩn thiết đối với vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia.

Thảo luận nội dung dự luật, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, bộ phận trong việc tiếp và giải quyết đơn thư của công dân. “Vấn đề cần đặt ra là sau khi có luật này thì công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có bước chuyển biến mới, đạt hiệu quả, kết quả cao hơn không? Tôi đọc cả dự án luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật thì chưa thấy rõ điều này” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên