* Bà VŨ KIM HẠNH (giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA):
Một doanh nhân trung niên kinh doanh lúa gạo ở một tỉnh cực Nam kể với tôi: Sau 4 ngày chầu chực để lấy kết quả kiểm định mẫu hàng ở trung tâm của bộ X, anh được người nhân viên thường "giúp" mình cho biết "đã trình rồi, chắc ký rồi, chờ đưa ra thôi".
Kèm theo đó là lời rủ rê: "Mà này, sẵn cuối tuần, tối nay anh em đi thư giãn rồi tôi lo tiếp cho". Doanh nhân kia tươi cười hẹn gặp rồi lén ra ngoài nhờ người bạn nhắn tin vào máy mình: "Con mày cấp cứu, vợ mày khóc quá, mày về ngay!".
Anh đưa tin nhắn này cho người nhân viên vừa hẹn hò, làm ra vẻ mếu máo xin về với vợ con. Đó là một câu chuyện "tẩu thoát" thành công.
"Em có kinh nghiệm rồi chị ơi, tối nay nhậu một chầu, mai hai trận, ngày mốt đi hầu mấy ổng đánh golf. Có lần như vậy em bị dính rồi, tổng cộng không dưới 100 triệu. Chịu trời không thấu, thôi thà em bay về rồi đầu tuần bay ra. Chị coi có khổ không?", doanh nhân kia nói với tôi.
Lần khác, giám đốc của hai công ty lớn mạnh nổi tiếng thông báo với tôi "tin vui" với giọng ráo hoảnh: "Tụi tôi vừa nói với nhau chuyện lắp gần xong dàn robot, thay tất cả khoảng 2.000 công nhân, chớ tình hình này chịu không thấu. Chăm lo đời sống cho công nhân không đủ cũng tội, nhưng tiền bảo hiểm sắp tăng mạnh, thuế tăng, phí tăng, giá cả đầu vào mọi thứ đều vù vù nữa".
Tôi tính nhẩm, hơn 2.000 gia đình có người mất việc.
Vậy là tính già hóa non, người có quyền muốn thu nhiều, doanh nghiệp cũng phải tính đường sống, hoặc họ "tẩu thoát" tạm thời, hoặc họ thay thế thợ, và tiếp tục xoay xở mọi bề, cả phương án... ra đi.
* LS TRƯƠNG THANH ĐỨC (chủ tịch Công ty luật BASICO):
Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy năm 2016, tỉ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức là 66%, cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Có 11% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức. Với doanh nghiệp lớn như ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty thì 10% doanh thu là rất khủng khiếp.
Nhưng con số trong thực tế chắc chắn cao hơn, vì không phải ai cũng muốn nói, dám nói về việc lót tay trả những chi phí "gầm bàn". Tệ nạn hối lộ, tham nhũng ngày càng kinh khủng, như một thứ luật bất thành văn, khiến doanh nghiệp sống dở chết dở.
Pháp luật còn không ít kẽ hở, tạo điều kiện cho sự biếu xén: để có được dự án, để được giảm tiền thuế...
Để ngăn chặn được những "chi phí đen" này, phải thực hiện thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng thay vì bằng tiền mặt. Việc này các nước châu Âu và các nước xung quanh ta đã làm từ lâu để kiểm soát dòng tiền, nguồn tiền.
* Ông TRẦN HỮU HUỲNH (chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC):
Người ta không ngạc nhiên về việc bôi trơn ở OceanBank, mà bất ngờ về con số 200-300 tỉ như lời khai. Số vụ bôi trơn và số ngành được bôi trơn cũng ngày càng mở rộng đáng lo ngại.
Chúng tôi luôn kêu gọi doanh nghiệp mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế, đổi mới công nghệ nhưng một số doanh nghiệp cười mà rằng: thị trường là quan hệ, công nghệ là phong bì. Thực tế, thể chế nào doanh nhân ấy. Nếu tránh không được thì phải tìm cách thích nghi.
Gốc của vấn đề là gì? Nhà nước cần dứt khoát giã từ kinh doanh, bởi nếu Nhà nước cứ lăn vào thị trường thì vừa không chính danh vừa làm cho thị trường méo mó. Vai trò của Nhà nước là thiết chế, kiến tạo, kiểm soát và thúc đẩy thị trường.
Còn như các bộ, các tỉnh vừa kinh doanh vừa quản lý thì tất yếu dẫn đến phải bôi trơn.
Tổng bí thư đã nêu hình ảnh "đốt lò" rất phù hợp cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng - trong đó có bôi trơn - làm cho tính liêm chính của Nhà nước tăng lên. Mong muốn của người dân, doanh nghiệp là Nhà nước tổ chức tốt để họ "trồng cây hái quả" trong môi trường an toàn, thuận lợi.
Nhà nước phải hành động quyết liệt, liên tục, có trách nhiệm giải trình và dân chủ để huy động được sức dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiến tạo và liêm chính này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận