28/10/2011 20:40 GMT+7

Từ Cô láng giềng đến Cô hàng xóm

TRịNH THANH MIÊNG
TRịNH THANH MIÊNG

AT - Năm 1943, tại Hải Phòng, nhạc sĩ Hoàng Quí (1920 - 1946) đã sáng tác ca khúc Cô láng giềng vào năm ông 23 tuổi. Ðây là một ca khúc thuộc dòng nhạc tiền chiến đến nay vẫn được nhiều người yêu thích.

Lxs7E5Al.jpgPhóng to
Minh họa: NGUYỄN THANH

Một chàng trai làng quê đi lập nghiệp phương xa. Một ngày đầu xuân khi hoa đào nở, chàng "dừng gót phiêu linh về thăm nhà". Chàng không báo trước cho người yêu là cô láng giềng biết ngày trở về, vì muốn dành cho nàng niềm vui bất ngờ. Ca khúc kết thúc trong niềm tin lạc quan của chàng trai: Cô láng giềng ơi / Nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi / Chân bước vui bên bờ đường quê / Em có hay chăng giờ tôi về?

Nhạc sĩ Tô Vũ (Hoàng Phú), em trai nhạc sĩ Hoàng Quí, cho biết ca khúc Cô láng giềng lúc đầu chỉ có lời 1, ông đã viết thêm lời 2 cho thêm phần "bi kịch" và anh ông đã đồng ý. Ðúng ngày chàng trai trở về thì "trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo". Nhà cô láng giềng đang làm đám cưới và chàng trai đã âm thầm ra đi: Cô láng giềng ơi / Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi / Chân bước xa xa dần miền quê / Ai biết cho bao giờ tôi về?

Hơn 25 năm sau, tại Sài Gòn. Ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng cùng ký chung bút danh Lê Minh Bằng. Họ đã sáng tác ca khúc Cô hàng xóm theo dòng nhạc bolero.

Vùng ngoại ô có một chàng nhạc sĩ nghèo sống bên nhà một cô gái giàu sang. Chàng tự nhận xét: Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở / Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều / Làm tôi thấy trong tâm tư xôn xao/ Như lời âu yếm mặn nồng / Của đôi lứa yêu nhau.

Nhưng chàng nhạc sĩ đã sớm nhận ra "thân mình là bọt bèo" nên quyết định bỏ đi thật xa để quên hình bóng cô hàng xóm. Cho đến ngày: Hôm nay đón cánh thiệp hồng / Em báo tin mừng lấy chồng giàu sang /Ðời em nhiều may mắn / Có nhớ anh chàng nhạc sĩ nghèo này không?

Cả hai ca khúc đều kết thúc bằng đám cưới của cô hàng xóm với người đàn ông thứ ba xa lạ, thay vì với chàng trai láng giềng thân quen. Tại sao vậy? Có người cho tại "duyên số" nhưng tôi nghĩ còn có những nguyên do khác nữa.

Chàng trai và cô gái hàng xóm đã sống gần nhau từ thời ấu thơ đến khi trưởng thành. Tình cảm giữa hai người từ tình bạn, tình anh em rồi từ từ chuyển sang tình yêu, khiến họ ngỡ ngàng không dám thốt lên lời yêu thương. Còn người thứ ba xa lạ mạnh dạn nói lên lời yêu thương và đã chiến thắng. Những mối tình câm lặng thường tan biến vì người nữ chỉ tin vào lời nói (lời cầu hôn), chứ ít tin vào "ánh mắt yêu thương".

Sống cùng xóm nên có khi "chuyện nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay". Lý lịch, tính tình, sức khỏe của chàng và nàng, hai gia đình đều biết rõ. Hai người làm bạn thì được nhưng đi đến hôn nhân, hai gia đình phải xét lại kỹ càng. Còn với người thứ ba, gia đình nàng chưa biết rõ lý lịch nhưng dễ dàng đồng ý, vì sự giao tiếp lịch thiệp của người đó.

"Trong xứ mù thằng chột làm vua". Trong xóm nhỏ, dưới mắt chàng và nàng họ là số một. Khi trưởng thành, đi làm việc nơi xa, họ mới thấy trong xã hội còn có rất nhiều người "hai mắt". Và chàng hoặc nàng của họ mới chỉ là số một… nửa!

Trong tình yêu còn có sự chinh phục. Chàng và nàng là hàng xóm thân thiết, cứ tưởng người đó là của mình rồi nên không cần phải chinh phục (ga lăng, chiều chuộng). Người thứ ba tuy xa lạ nhưng biết miệt mài chinh phục nên đã chiến thắng.

Ðấy là một vài nguyên do khiến những đôi trai gái hàng xóm sống bên nhau từ thuở nhỏ, đến lớn tưởng sẽ kết hôn nhưng lại chia tay nhau. Còn nếu cô hàng xóm mới chuyển đến ở trọ bên nhà bạn, bạn nên nhớ câu "Thứ nhất cận lân, thứ nhì tốc độ". Bạn đã có ưu thế "cận lân", nếu bạn còn chần chừ ngỏ lời yêu thương thì người thứ ba sẽ dùng "tốc độ" để chinh phục cô hàng xóm của bạn.

yY6Gn3s9.jpgPhóng to

Áo Trắng số 19(số 105 bộ mới) ra ngày 15/10/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRịNH THANH MIÊNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên