Trước đó, có không ít nghệ sĩ "tự hủy hoại" hình ảnh của họ vì xì căng đan đời tư, nhất là những xì căng đan liên quan đến phạm trù đạo đức.
Chuyện không mới nhưng lâu lâu lại khiến dư luận sôi lên, làm cho bức tranh văn hóa - giải trí "thừa bê bối, thiếu niềm tin".
Khi công chúng chán ghét
Admin của một diễn đàn nhạc trên Facebook nói với Tuổi Trẻ, như trường hợp Thắng Ngọt, "xét cho cùng, Thắng sẽ không bị ghét đến thế nếu thành viên Bi Trố của ban nhạc Cát Lún không "khui" việc nghệ sĩ này sống tệ bạc với vợ con, bạn bè".
Nhiều khán giả "thoát fan", gọi Thắng là "tài năng sa ngã".
Với những hành vi trước đó, có thể mắt nhắm mắt mở cho qua vì nghệ sĩ thường lắm tài nhiều tật.
Nhưng khi động tới phạm trù đạo đức, ở đây là chuyện tệ bạc với vợ con, thì câu chuyện lại khác.
"Nhiều người hâm mộ cho đó là giới hạn đạo đức mà thần tượng của họ không nên/được phép vượt qua", admin này nói.
Đồng thời, việc đề cập chất cấm trên trang Facebook cá nhân của Thắng cũng không nhận được ủng hộ khi nghệ sĩ sở hữu lượng fan hùng hậu, lại toàn fan trẻ tuổi.
Trước Thắng, không thiếu những nghệ sĩ vướng bê bối đời tư một đi khó trở lại showbiz hoặc trở lại nhưng bị khán giả "gim", không dễ gì để nguôi quên, không nhận được nhiều ủng hộ.
Thậm chí, có một số trường hợp, như Jack dính lùm xùm tình ái, cấp 5 triệu đồng/tháng nuôi con hằng tháng, dân mạng đặt hẳn cho Jack biệt danh "Jack 5 củ" như một cách mỉa mai.
Hay Hiền Hồ sau bê bối đời tư, cụm từ "anh em nương tựa" được gắn với tên cô như một hot trend, tới giờ Hiền Hồ vẫn chưa thể đường hoàng quay trở lại showbiz hoặc được chào đón ở những sân khấu lớn. Ai mà bênh Hiền Hồ cũng bị vạ lây bởi sự chán ghét của công chúng.
Diễn viên Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sau lùm xùm khi đi du lịch nước ngoài, tới giờ vẫn... mịt mù.
Nếu Hồng Đăng mất hút khỏi phim giờ vàng, Hồ Hoài Anh vẫn có thể đứng phía sau một số sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ khác nhưng đó vẫn là một vết ố khó gột rửa.
Một trường hợp mới đây nhất là Ngọc Trinh bị tuyên 1 năm tù treo về tội gây rối trật tự công cộng. Khi được trả về với cộng đồng, người đẹp đăng một tâm thư dài cảm ơn và xin lỗi, cho biết mình trưởng thành sau vấp ngã.
Đừng tiêu chuẩn kép
Từng có thời gian làm quản lý, hỗ trợ truyền thông cho một số nghệ sĩ như hoa hậu Diễm Hương, Jennifer Phạm, Ái Phương, Suboi..., ông Lê Bá Hải Siêu chia sẻ về hai mặt của sự nổi tiếng.
Sự nổi tiếng mang lại danh vọng, tiền tài, hợp đồng quảng cáo, đi show... cho nghệ sĩ, đồng thời cũng khiến nghệ sĩ nằm trong tầm ngắm giám sát "vô hình" của công chúng.
Đó là hai mặt phải và trái của cùng một chiếc áo, có mối quan hệ khăng khít với nhau.
Theo ông Siêu, đây là thời của truyền thông xã hội. Mỗi nghệ sĩ sở hữu, đại diện cho cả một nhóm người, một cộng đồng fan yêu thích họ.
Nếu nghệ sĩ không "quản trị hình ảnh cá nhân tốt" thì những phát ngôn, hành vi lệch chuẩn, chưa phù hợp... dễ gây ra những ảnh hưởng lớn.
"Nếu làm người nổi tiếng khổ quá, nghiệt ngã quá, anh có thể chọn lui về làm một người bình thường", "đây là một cuộc chơi hết sức sòng phẳng" - ông nói.
Khi bê bối của Thắng nổ ra, bên cạnh nhiều ý kiến đòi tẩy chay thì cũng có một số fan chủ trương "nghe nhạc không xem đời tư". Có người nói "hãy cho Thắng thời gian", "đừng dồn người khác vào con đường cùng".
Vậy nghệ sĩ vướng bê bối, công chúng giận dữ bao nhiêu mới vừa, mới phải?
Ông Lê Bá Hải Siêu cho rằng điều này còn tùy vào từng trường hợp.
Hơn nữa, công chúng cũng không phải là quan tòa để định tội bất cứ ai, nhưng công chúng vẫn có những "quyền lực mềm" để có thể góp phần điều hướng hành vi chưa phù hợp/ thiếu chuẩn mực/ chưa đẹp... của nghệ sĩ để họ tốt hơn.
Admin trên nêu vấn đề nghệ sĩ cũng đừng nghĩ công chúng, truyền thông thái quá khi lên án nghĩa là dồn mình vào chân tường.
"Có những hiện thực buộc nghệ sĩ phải tự mình cứu mình, vượt qua, không ai giúp được", "cũng không thiếu những người sai thì sửa, quay lại vẫn được đón nhận" - người này nói.
Trước đây, công chúng Việt hồn nhiên, nhanh nhớ nhanh quên, thậm chí dễ dãi với xì căng đan của nghệ sĩ, vì thế có những nghệ sĩ sống lỗi... vẫn thảnh thơi.
Song vài năm trở lại đây, gió có vẻ đổi chiều khi công chúng càng ngày càng quan tâm tới đạo đức của nghệ sĩ.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh kể, ê kíp của ông từng thực hiện những cuộc khảo sát tâm lý và đánh giá của khán giả đại chúng các lứa tuổi đối với bê bối của nghệ sĩ.
"Nếu như khán giả trên 40 tuổi họ không quá quan tâm trực tiếp tới scandal, thì đối tượng gen Z, một phần U40, lại thể hiện lập trường và quan điểm rõ ràng hơn", ông Minh chia sẻ.
Theo ông, điều này xuất phát từ việc gen Z có lịch sử hành vi quan tâm tới các sự kiện giải trí, người nổi tiếng trong thời gian đủ dài. Kết quả là họ có đủ dữ kiện và tư duy để đưa ra quyết định, quan điểm.
Chuyên gia này nói với Tuổi Trẻ, cơ chế yêu mến, thần tượng và cơ chế giám sát là hai cơ chế song hành khi khán giả đại chúng nhìn về một nghệ sĩ.
"Một nghệ sĩ nhận được nhiều hơn giá trị về nghệ thuật mà họ mang lại, giá trị đó còn thể hiện ở hình tượng đại diện họ mang tới cho khán giả. Vì thế, nhiều nghệ sĩ không chuyên nghiệp, họ chưa có nhận thức toàn diện, tổng thể, dẫn đến tư duy chưa phù hợp".
Theo ông Siêu, khi bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành vẫn chưa thực sự được thực tiễn hóa trong giới nghệ sĩ, quyền lực của công chúng vẫn là một điều gì đó cần và đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận