TTCT - Tình trạng ngập lụt xảy ra ở những nơi rất thuận lợi về tiêu thoát nước như Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng) có nguyên nhân từ mưa lớn cực đoan, nhưng cốt lõi vẫn là bất cập trong quy hoạch, thiết kế xây dựng không còn phù hợp trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Phú Quốc dày đặc khách sạn, resort… ở khu vực ven biển. Ảnh: NGỌC KHẢI GS.TS Đào Xuân Học - nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chủ tịch Hội Thủy lợi VN - chia sẻ với TTCT: - Có ba vấn đề chính liên quan chuyện ngập vừa qua. Thứ nhất, ai cũng thấy tác động của BĐKH làm gia tăng các loại hình thiên tai theo chiều hướng cực đoan, dị thường. Trong đó, có gia tăng những trận mưa cường độ lớn, xảy ra trong thời gian ngắn, vượt quá thiết kế tiêu thoát nước ở Phú Quốc hay nhiều đô thị lớn khác như khu vực ĐBSCL, Hà Nội, TP.HCM. Khi nghiên cứu về ĐBSCL, chúng tôi đã tính những trận mưa lớn ở đây đã tăng từ 9-17,5%. Còn ở Châu Đốc, nơi tăng ít nhất những trận mưa lớn, cũng đã tăng 9%. Tương tự ở TP.HCM, những năm 1950, không có trận mưa nào trên 100mm/giờ. Đến thập kỷ 1960 mới có một trận mưa 100mm/giờ, thập kỷ 1970 có thêm một trận mưa trên 100mm/giờ. Nhưng thập kỷ 1980, những trận mưa lớn tăng dần và bây giờ thì một năm có tới hơn mười trận mưa lớn trên 100mm/giờ. Thậm chí có trận mưa lớn 135mm kéo dài chỉ 1-1,5 giờ. Cần lưu ý một điểm: TP.HCM trước đây thiết kế thoát nước chỉ hơn 90mm/giờ. Với những trận mưa lớn nhất đã đo được, lượng mưa đã tăng tới 40% so với năng lực tiêu thoát, nhiều trận khác thường làm tăng 20-30%, như vậy năng lực hệ thống tiêu thoát không đảm bảo. Hà Nội cũng vậy, trong khi nguyên tắc tiêu thoát ở đô thị là mưa giờ nào tiêu thoát hết giờ đó, khi mưa vượt quá khả năng tiêu thoát thì ắt dẫn tới ngập. Thứ hai, các quy hoạch ngành đã không còn phù hợp; các thiết kế xây dựng, trong đó có thiết kế về hệ thống cống tiêu thoát nước, phải được rà soát, xem xét lại. Từ thực tế ngập lụt ở Phú Quốc, một nơi vốn rất thuận lợi trong tiêu thoát nước ra biển, hay như Đà Lạt, một vùng cao cũng thuận lợi trong tiêu thoát nước, khi xảy ra ngập úng đều cho thấy các thiết kế của hệ thống tiêu thoát nước trước đây đã không còn phù hợp, hoặc khâu duy tu, bảo dưỡng, nạo vét bùn đất vệ sinh hố ga... đã không được thực hiện thường xuyên. Thứ ba, ở một số đô thị, thành phố lớn, tình trạng úng ngập còn có nguyên nhân từ chính việc quy hoạch xây dựng sai lầm theo kiểu “vết dầu loang”, tức là khi đô thị được mở rộng, dân số tăng nhưng hệ thống thoát nước chỉ kéo dài thêm. Rồi chuyện thoát nước theo kiểu đưa hết về vùng trũng cũng khiến cho nhiều khu vực bị ngập theo kiểu “rốn” chứa nước. Ông Đào Xuân Học. Ảnh: X.L. * Những sai lầm trong xây dựng kiểu “vết dầu loang” như ông nói có phổ biến ở các địa phương và điều này ảnh hưởng thế nào đến năng lực tiêu thoát nước ở các đô thị, thành phố lớn? - Việc quy hoạch xây dựng theo kiểu “vết dầu loang” rõ ràng là bất cập lớn về năng lực tiêu thoát nước. Cứ hình dung thế này: đường ống đó được thiết kế cho vùng tiêu thoát có diện tích khoảng 10ha, nhưng đến khi vùng đó mở rộng lên 20ha, tức là diện tích tăng gấp đôi nhưng cống thoát nước vẫn như cũ, chỉ kéo dài hơn mà không thay đổi bằng hệ thống cống to hơn. Đó chính là gốc của vấn đề thiết kế xây dựng hệ thống thoát nước không đúng với thực tế. Ngoài ra còn có chuyện vận hành hệ thống thoát nước. Như hệ thống thoát nước giao thông thường được thiết kế nối thông với nhau, điều này sẽ tốt khi mưa không đồng đều thì có thể hỗ trợ nhau tiêu thoát nước. Nhưng khi đó, nước sẽ dồn hết về vùng trũng, trong khi thủy lợi yêu cầu phải theo nguyên tắc “cao tiêu cao, thấp tiêu thấp”. Thực tế này thấy rất rõ ở khu vực Keangnam đường Phạm Hùng (Hà Nội), mưa lớn là ngập cả khu vực rộng lớn, vì những nơi khác dồn nước về, nước thoát rất chậm. Nếu nói kiểu phát triển “vết dầu loang” phổ biến thì không chính xác, nhưng đang có ở nhiều khu đô thị. * Tình trạng ngập úng đã trở thành vấn đề nóng ở nhiều thành phố lớn, vậy cần có những công trình, giải pháp nào để giảm tình trạng úng ngập? - Ngay bây giờ phải rà soát, tính toán lại hết bài toán tiêu thoát nước ở các tỉnh, thành phố. Việc này là bắt buộc khi tác động từ BĐKH, mưa lớn cực đoan đã khiến cho những nơi chưa bao giờ ngập thì nay cũng đã ngập, còn những nơi đã bị ngập thì nay có nguy cơ ngập sâu, ngập nặng hơn. Vì thế, quá trình tính toán cần làm rõ thiết kế về thoát nước trước đây đáp ứng được đến đâu, vùng nào không còn đáp ứng được. Với đô thị hiện hữu, hệ thống thoát nước đã có từ trước, việc mở rộng hệ thống tiêu thoát gần như là bất khả thi khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, cần có giải pháp trữ lại một phần lượng nước khi mưa lớn để giảm áp lực tiêu thoát ngay lập tức. Đó là bổ sung các hồ chứa nhỏ có sự hỗ trợ từ Nhà nước, tích trữ nước từ hộ gia đình. Chúng tôi đã tính toán, khi có mưa lớn trong diện tích 100m2 mà trữ lại 2m3 nước để tiêu thoát chậm sẽ không ngập úng. Với các đô thị mới, cần có quy định dành 10% diện tích làm hồ chứa sinh học đa mục tiêu. Khu vực kế sông Dương Đông vốn được quy hoạch công viên cây xanh nay đã trở thành những công trình thuộc Chợ đêm Phú Quốc. Ảnh: SƠN LÂM * Ngoài mục đích chứa nước, hồ sinh học có thể sử dụng cho mục đích nào khác? Theo ông, liệu các nhà đầu tư có sẵn sàng dành 10% diện tích dự án để làm hồ không khi nhiều nơi giá đất không thấp? - Tôi đã nói nhiều lần về giải pháp này, mới đây đã kiến nghị với Thủ tướng. Việc dành 10% diện tích khu đô thị làm hồ chứa không khiến các nhà đầu tư thiệt hại về kinh tế, thậm chí còn được lợi khi môi trường, cảnh quan trong khu đô thị đẹp hơn. Đây là giải pháp rất quan trọng với Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Nó có nhiều lợi ích: Với mỗi hồ sinh thái có diện tích 10% tổng quỹ đất, nếu hồ được đào sâu 5-6m sẽ tạo ra khối lượng đất cát san nền, giúp nâng độ cao nền lên khoảng 60-70cm. Với khu đô thị có chiều cao khoảng 5-6 tầng, diện tích xây dựng 30-40%, lượng cát khai thác ở sông chiếm từ 70-80%, tùy theo chiều cao san nền. Nếu dùng đất, cát từ đào hồ sinh học để san nền sẽ giảm áp lực về nhu cầu cát, giảm khai thác cát sông, giảm tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Chỉ cần có diện tích hồ ở mức 5% diện tích khu đô thị để chứa lượng mưa gia tăng là phù hợp hạ tầng hiện có, đảm bảo chống ngập úng. Còn diện tích hồ chứa 10% thì rất an toàn về ngập úng. Hồ chứa diện tích này có thể sử dụng cho sản xuất nước sinh hoạt ở khu đô thị. Ở một số nơi thuộc ĐBSCL và TP.HCM, đây còn là giải pháp nhằm giảm khai thác nước ngầm, giảm tình trạng sụt lún đất. Ngoài ra có thể sử dụng toàn bộ diện tích mặt hồ để làm dự án điện mặt trời, cung cấp cho các khu đô thị...Vì thế cần có quy định khung mang tính bắt buộc trong xây dựng các khu đô thị. Có nơi ở TP.HCM đã dành tới 22% diện tích để làm hồ sinh thái đa mục tiêu. Với Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL rất cần phải quy định bắt buộc thực hiện vì đây là những vùng thấp, trũng, nhất là với ĐBSCL vì khu vực này thường xuyên có mưa lớn với thời đoạn ngắn, nguy cơ ngập úng rất cao. ■Khu quy hoạch Mạc Đĩnh Chi, thuộc phường 4, TP Đà Lạt ngập rạng sáng ngày 8-8-2019. Ảnh: K.L.Đà Lạt có mật độ xây dựng quá caoĐà Lạt, đô thị được định hướng phát triển "thành phố trong rừng - rừng trong thành phố". Qua nhiều quy hoạch, tôn chỉ phát triển đô thị này vẫn không thay đổi. Nhưng trong một trao đổi mới đây liên quan đến hiện trạng đô thị Đà Lạt, ông Lê Quang Trung, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Mật độ xây dựng ở Đà Lạt là 70%, đây là mật độ xây dựng gộp".Tỉ lệ diện tích xây dựng trên đất này mới chỉ tính dựa trên số liệu những công trình có phép. Mật độ xây dựng gộp tức là mật độ xây dựng trung bình của công trình xây dựng, công viên cây xanh, rừng nội ô và tính luôn cả không gian có mật độ xây dựng cực thấp là vùng ngoại ô thành phố... Và theo cách tính này, đô thị Đà Lạt có những nơi mật độ xây dựng đạt 100%, đồng nghĩa với nhiều khu vực không tồn tại mảng xanh.Theo ông Trung, đối với đô thị mật độ xây dựng 70% không cao nhưng đối với một đô thị đặc thù, có định hướng phát triển xanh thì đây là mật độ xây dựng lớn. Do đó, trong tương lai, các công trình mới phải được điều chỉnh mật độ xây dựng cho phù hợp.TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, người có nhiều nghiên cứu về quy hoạch đô thị Đà Lạt, nhận định rằng Đà Lạt đang bị dồn nén đô thị. Tất cả các công trình quan trọng có khối tích lớn nhỏ đều dồn vào trung tâm thành phố. Điều này khiến vùng nội ô Đà Lạt gặp phải những rủi ro trong quá trình phát triển chung như kẹt xe, cấp thoát nước.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: "Đà Lạt phải giãn dân, giãn các công trình dân sinh quan trọng để ngừng tình trạng dồn nén đô thị, biểu hiện của nó là mật độ xây dựng quá cao ở vùng nội ô".MAI VINH Tags: Đà LạtPhú QuốcBất cập quy hoạchĐào Xuân HọcHội Thủy lợi VNMật độ xây dựng cao
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.