Phóng to |
Khu đất trống 41ha của VNPT trên đường Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Những thông tin mới đây về hàng triệu mét vuông đất công được giao cho các tập đoàn nhà nước tại TP.HCM bị doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích và lãng phí không làm ai ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là vì sao tình trạng nắm giữ để rồi sử dụng lãng phí, sai mục đích vì lợi ích cục bộ của các đơn vị được giao đất, thuê đất đã kéo dài quá lâu mà không được giải quyết rốt ráo trong khi nhu cầu về mặt bằng của các thành phần kinh tế khác và nhu cầu mặt bằng cho các công trình dân sinh, phúc lợi công cộng luôn nóng bỏng, bức bách.
Cần phải xem đó là một thách thức đối với hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc phân bổ một trong những nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế.Và để giải quyết vấn đề này, cần phải tìm ra nguyên nhân nền tảng của nó.
Đó trước hết là một nguyên nhân về tư duy, nhận thức: sự ưu ái quá mức đối với các doanh nghiệp nhà nước với kỳ vọng là các doanh nghiệp này sẽ đóng góp tương xứng trở lại cho nền kinh tế, xứng với vai trò mà các doanh nghiệp này được giao.
Thực tế cho thấy nhìn chung hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này còn lâu mới đáp ứng được sự kỳ vọng nếu tính đúng, tính đủ theo giá thị trường khối tài sản khổng lồ mà họ được giao.
Nguyên nhân thứ hai và là hệ lụy của nguyên nhân đầu, là đất đai, tài sản được giao, cho thuê theo giá bao cấp, thấp xa so với giá thị trường. Chính điều này vô hình trung đã “khuyến khích” các doanh nghiệp được giao, thuê đất và các tài sản công khác bám giữ dù khai thác không hiệu quả. Nếu các doanh nghiệp này phải trả tiền giao đất, thuê đất theo giá thị trường, tình hình hẳn sẽ khác.
Chính vì vậy, những biện pháp hành chính đơn thuần đối với các đơn vị sử dụng sai mục đích, lãng phí đất và các tài sản công khác là không đủ để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Cần nghĩ đến một chính sách tổng thể về phân bổ các nguồn lực chung của quốc gia, từ đất đai, công sản đến nguồn vốn tín dụng… sao cho việc phân bổ này mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế.
Chính sách đó phải giải quyết được hai nguyên nhân nền tảng của sự lãng phí đất công, tài sản công, đó là xác định cho đúng vai trò của doanh nghiệp nhà nước và mọi sự phân bổ nguồn lực phải theo giá thị trường. Đó cần được coi là một nội dung không thể thiếu của kế hoạch cấu trúc lại nền kinh tế mà các cơ quan chức năng đang soạn thảo.
Chỉ khi nào làm được điều đó chúng ta mới có thể hy vọng chấm dứt được sự lãng phí đã kéo dài quá lâu và hy vọng vào một sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế do các nguồn lực thiết yếu của đất nước được phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất.
*Tin bài liên quan:
Nhiều kho bãi, nhà xưởng bỏ trốngNhững “đại gia” ôm nhà, đất công - Kỳ cuối: Tất cả đều do quản lý lỏng lẻoNhững “đại gia” ôm nhà, đất công - Kỳ 3: Nâng giá để “trị” lãng phí Những “đại gia” ôm nhà, đất công - Kỳ 2: Xót xa “của chùa”Những “đại gia” ôm nhà, đất công - Kỳ 1: "Chùm khế ngọt...”Nhà đất: Nắm giữ hay lưu thông?Đất công: hơn 60% sử dụng không đúng mục đích?Bỏ phí tiền tỉ từ nguồn lực đất đaiNhà đất công: Kinh doanh, thu lợi bất chínhBỏ phí nhiều diện tích nhà, đất khổng lồNhà đất công: bao giờ hết lãng phí?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận