Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Ngày 31-5, mạng xã hội lan truyền video một phụ nữ và hai nam thanh niên đốt vàng mã ngay tại chiếu nghỉ cầu thang bộ khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội).
Câu chuyện này khơi lên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đây là hủ tục cần loại bỏ, tuy nhiên cũng có ý kiến bảo đây là chuyện tâm linh, ai muốn thì làm miễn đừng ảnh hưởng đến người khác.
Đốt vàng mã không đúng chỗ, ảnh hưởng đến người khác
"Đốt vàng mã nơi cầu thang dân cư là một hủ tục cần phải loại bỏ!" - bạn đọc Trần Đăng Hiến đề nghị.
Còn theo bạn đọc Trung thì đây là hành vi quá vô ý thức. "Đề nghị tăng nặng mức phạt để răn đe hành vi này. Cực kỳ nguy hiểm và ảnh hưởng rất lớn đến an toàn cháy nổ" - bạn đọc này viết.
Tuy chưa gây ra hậu quả, nhưng theo tài khoản A Long: "Đốt như vậy nóng thì hỏng hết cầu thang bởi bê tông cốt thép nóng là sắt sẽ bị nổ, như vậy là phá hủy công trình công cộng".
Cùng ý này, bạn đọc nick name SP bổ sung: "Cho dù không cháy, xi măng cầu thang sẽ yếu đi vì nhiệt độ cao".
"Vừa gây ô nhiễm môi trường vừa gây nguy cơ hỏa hoạn. Đúng ra thì người dân phải báo ngay cho tổ trưởng tổ dân phố, quản lý chung cư. Khi nhận được tin báo, tổ trưởng tổ dân phố, quản lý chung cư phải can thiệp ngay những chuyện như thế này" - bạn đọc Lê Kiên Pho ý kiến.
Cho rằng việc bất chấp sức khỏe và an nguy của cộng đồng là không nên, bạn đọc Huu Tam bổ sung: "Dù chưa xảy ra cháy nhưng thấy lửa và khói nhiều trong không gian hẹp như vậy cũng tạo ra rất nhiều CO2 bốc lên cầu thang, ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân".
Bạn đọc này gợi ý: "Hãy nhìn người Nhật sống thế nào cho cộng đồng và đó là nguyên nhân họ được đánh giá rất cao trên thế giới".
Cách nào vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa an toàn?
Bên cạnh việc phê phán, mong phải mạnh tay xử phạt để không tái diễn tình trạng tương tự, một số bạn đọc cho rằng công tác tuyên truyền cũng nên đặt ra để người dân hiểu, không được chủ quan.
Về ý này, bạn đọc Longo viết: "Thật ra bất kỳ ai, kể cả người phụ nữ đốt vàng mã, cũng biết hành vi của mình là nguy hiểm. Tuy nhiên, vì sao họ vẫn làm?
Theo tôi, nguyên nhân bắt nguồn từ việc chủ quan. Nếu được tuyên truyền, giải thích, chị này sẽ hiểu vấn đề và ý thức được như vậy là nguy hiểm, đồng thời sẽ không đốt vàng mã dưới chân cầu thang".
Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Nhụy Nguyên đề xuất: "Mỗi chung cư, cư xá nên bố trí lò đốt vàng mã tập trung tại sân, công viên và dùng chung giống như các chung cư cao cấp. Việc này vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa an toàn".
Cùng quan điểm, bạn đọc Trà viết: "Chung cư tôi ở đây, ban đầu không có nhưng sau một thời gian, cư dân kiến nghị nhiều nên ban quản trị đã bố trí một khu vực riêng biệt ở sân sau làm nơi đốt vàng mã".
Theo bạn đọc này: Chỉ cần thông báo rộng rãi đến cư dân, để ai có nhu cầu thì đến đúng nơi quy định, tránh báo cháy gây rối loạn chung cư và tránh nguy cơ cháy nổ.
Đốt vàng mã không đúng nơi quy định, bị phạt sao?
Hiện nay dù luật chưa có quy định nào về việc xử phạt đốt vàng mã ở khu tập thể, tuy nhiên dựa vào quy định tại điều 6 nghị định 110/2018/NĐ-CP, thực hiện các hoạt động như thắp hương và đốt vàng mã đúng nơi quy định là một trong những trách nhiệm quan trọng mà người tham gia lễ hội cần chấp hành.
Theo đó, việc đốt tiền vàng mã trong lễ hội không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân và từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có thể áp dụng khác để phạt hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những nơi có quy định cấm.
Cụ thể, như trường hợp bà H. đốt vàng mã ở cầu thang bộ khu tập thể D1 Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội), lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt 4 triệu đồng về hành vi: Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những nơi có quy định cấm theo quy định tại khoản 3 điều 35 nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Luật sư Dương Phúc Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận