07/12/2016 14:47 GMT+7

Từ chuyện 'cướp hit' của Lê Thiện Hiếu nghĩ về bản quyền

THÁNG SÁU
THÁNG SÁU

TTO - Mấy ngày nay dư luận đang dậy sóng về sự việc một ca khúc đã được mua độc quyền lại xuất hiện tràn lan trên mạng với phiên bản được hát bởi Lê Thiện Hiếu - thí sinh nổi lên với ca khúc Ông bà anh trong cuộc thi Sing My Song.

Lê Thiện Hiếu - Ảnh: T.L

Sự thật đằng sau việc phát tán hay sự thật đằng sau hợp đồng độc quyền ca khúc này không có gì khó hiểu, điều còn mập mờ là ở vấn đề hiểu thế nào về luật bản quyền của các đương sự liên quan.

Lê Thiện Hiếu có “cướp hit” không?

Lê Thiện Hiếu đang bị Thái Quang - một thí sinh từng thi The Voice 2013 -  tố cáo trên Facebook là “có hành vi chơi không đẹp” khi phát tán bản thu âm ca khúc Nếu ta còn yêu với giọng hát của Hiếu trên khắp các kênh nghe nhạc trực tuyến và cả đài phát thanh để trục lợi.

Theo Thái Quang, ca khúc này đã được anh ký hợp đồng mua độc quyền với người sáng tác là Quốc Tuấn từ 25-8-2016. Hiện Thái Quang đang trong quá trình ghi âm ca khúc này để chính thức phát hành. Tuy nhiên, Nếu ta còn yêu đang “ngang nhiên” xuất hiện với tần suất dày đặc và lại gắn liền với cái tên Lê Thiện Hiếu là gây thiệt hại cho Quang.

Nói về sự việc này, người đại diện của Lê Thiện Hiếu cho biết: Từ trước khi dự thi Sing My Song, Hiếu được tác giả Nếu ta còn yêu nhờ hát demo để thu âm. Sau đó chính Quốc Tuấn đã đăng bản thu âm này lên SoundCloud - một trang chia sẻ file nhạc dưới dịnh dạng MP3.

Khi Lê Thiện Hiếu bất ngờ trở thành cái tên hot, các trang nghe nhạc trực tuyến lục tìm tất cả những sản phẩm âm nhạc liên quan đến anh để tranh thủ có thêm lượng truy cập. Và bản thu demo Nếu ta còn yêu nằm trong diện “được khai quật”.

Người đại diện của Lê Thiện Hiếu cũng cho biết Hiếu không liên quan đến bản hợp đồng độc quyền mà Thái Quang và Quốc Tuấn ký với nhau. Hiếu cũng không chủ động phát tán ca khúc này với phần trình bày của anh. Khi sự việc xảy ra, ekip của Hiếu đã liên lạc và gửi cả công văn đề nghị các trang nghe nhạc trực tuyến gỡ bỏ ca khúc.

Người đại diện này nói: “Chúng tôi đã gọi hơn 100 cuộc điện thoại cho Thái Quang nhưng anh không nghe máy. Sau đó có nói chuyện được với vợ của Thái Quang nhưng cô cũng có thái độ không hợp tác. Sự việc đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của Hiếu trong lúc anh cần tập trung để thi các vòng tiếp theo của Sing My Song”.

Quốc Tuấn, tác giả ca khúc này, cũng thừa nhận trên Facebook rằng anh đã có lỗi vì sau khi ký hợp đồng bán độc quyền ca khúc này cho Thái Quang đã không xóa bản demo trên SoundCloud.

Quốc Tuấn lên tiếng trên FB

Đường cong, Bồ câu... không phải chuyện hiếm

“Cướp hit” không phải chuyện mới trong showbiz Việt non trẻ. Còn nhớ, cũng liên quan đến một cuộc thi trên truyền hình, Vietnam Idol 2010 cũng dậy sóng khi để Uyên Linh sử dụng ca khúc Đường cong (gồm cả bản phối) đã được Thu Minh mua độc quyền của Nguyễn Hải Phong và đang trong giai đoạn thực hiện album.

Uyên Linh cũng từng gây xôn xao với Đường cong - Ảnh: tư liệu TT

Sự việc đáng lẽ không ồn ào đến thế nếu Uyên Linh chỉ hát Đường cong trong khuôn khổ Vietnam Idol 2010. Nhưng Uyên Linh đã vô tư mang ca khúc này biểu diễn khắp nơi nên Thu Minh phải lên tiếng. Uyên Linh cũng dừng ngay việc biểu diễn ca khúc này lại kèm lời xin lỗi gửi đến Thu Minh.

Sau đó, khi album của Thu Minh hoàn thành, bản phối đó đã phải thay bằng version khác để tránh việc phủ bóng của Uyên Linh lên Đường cong. Nhưng cũng khó mà tránh được, và thẳng thắn mà nói Đường cong cho đến lúc này vẫn là hit “thuộc về” quán quân Vietnam Idol 2010.

Một sự việc khác có vẻ rắc rối hơn là chuyện của bài hát Bồ câu và hạt thóc Nguyễn Tuấn sáng tác, Thái Thùy Linh trình bày. Nguyễn Tuấn khi thực hiện ca khúc này để đưa vào album Hà Nội M6 phố vẫn là một cái tên chỉ thuộc giới underground.

Anh đã mời Thái Thùy Linh thể hiện ca khúc, và Thái Thúy Linh tình nguyện hát không cát-sê. Tất cả đều là trao đổi bằng lời nói, không có giao kèo nào bằng văn bản.

Chuyện trở nên ầm ĩ khi giữa Nguyễn Tuấn và Thái Thùy Linh có những khúc mắc riêng trong đời sống, Thái Thùy Linh thỉnh thoảng vẫn sử dụng bản thu này hoặc biểu diễn ca khúc.

Nhưng có lần Thái Thùy Linh được một đơn vị đề nghị thực hiện một loạt phim ngắn về cá nhân cô, ekip làm phim sau khi chọn Bồ câu và hạt thóc làm nhạc nền cho phim đã phải gỡ bỏ vì vợ của Nguyễn Tuấn phản ứng trên Facebook và Thái Thùy Linh cũng đề nghị ekip gỡ bỏ để tránh phiền phức.

Vấn đề đặt ra trong câu chuyện của họ là ai được hưởng lợi tức từ bản thu âm hoặc việc biểu diễn Bồ câu và hạt thóc? Nếu như thuộc về quy định bản quyền, tác giả của album có ca khúc này sẽ được hưởng tác quyền.

Việc sử dụng nó để biểu diễn có thù lao cũng phải trả tác quyền cho tác giả. Nhưng Thái Thùy Linh cũng có lý của cô khi sử dụng bản thu ca khúc này vào việc riêng, bởi giọng hát trong bản thu là của cô.

Tính đến nay, những vụ lùm xùm về bản quyền ca khúc, độc quyền hay không độc quyền vẫn luôn chỉ diễn biến trên truyền thông, trước đây là báo chí, nay là Facebook. Dường như chưa thể có những sự phân định rõ ràng quyền, nghĩa vụ, chế tài ở những trường hợp tương tự dù chúng ta cũng có luật bản quyền.

Trở lại câu chuyện của Lê Thiện Hiếu, giữa tác giả ca khúc Nếu ta còn yêu, các trang nghe nhạc trực tuyến và đài phát thanh đã phát đi phát lại rất nhiều lần ca khúc này với tiếng hát của Lê Thiện Hiếu, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc phát tán bản thu demo gây thiệt hai cho Thái Quang khi anh này đã có bản hợp đồng độc quyền với tác giả ca khúc? 

Mặt khác, Lê Thiện Hiếu có quyền lợi, nghĩa vụ gì với bản thu âm giọng hát của anh khi Hiếu hát không cát-sê cho tác giả ca khúc và giữa họ cũng không có giao kèo bằng văn bản về việc này?

THÁNG SÁU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên