Cà phê "bẩn" từ vỏ, phế phẩm cà phê được nhuộm đen bằng pin - Ảnh: NHẬT LỆ
Câu chuyện cà phê trộn pin, thuốc ung thư làm từ than tre gần đây làm dấy lên nỗi lo của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Một đất nước có đầy đủ các bộ ngành, cục vụ được giao nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân, cùng với quyền lực là các loại trang thiết bị hiện đại, mà không hiểu sao người dân lại bị bao vây tứ phía bởi các loại thực phẩm bẩn?
Thực thi luật pháp nghiêm minh, kiên quyết xử lý đầu ra trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là cách mà nước ngoài sử dụng thành công, chúng ta nên học tập. Nếu cứ kéo dài tình trạng người Việt tự hãm hại nhau như thế này thì hậu quả sẽ là những thế hệ ốm yếu, què quặt
Phạt nặng với thực phẩm bẩn
Ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, chất lượng thực phẩm được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Đặc biệt là ở Nhật Bản, một đất nước có truyền thống ăn đồ sống, từ thịt, cá, tôm, hàu đến các loại rau, trái.
Chính phủ Nhật Bản đã từng có nhận định rằng nếu đất nước này lơi lỏng về kiểm soát thực phẩm thì tai họa xảy ra với 127 triệu dân còn nặng nề hơn hai quả bom nguyên tử giáng xuống năm 1945.
Những ai đã từng sống ở Nhật Bản mới thấy cách kiểm soát thực phẩm của họ hoàn toàn khác với Việt Nam. Nhật Bản xây dựng luật về an toàn thực phẩm từ rất sớm, ngay từ năm 1947 họ đã xây dựng bộ "luật vệ sinh thực phẩm", đến năm 2003 bộ luật này được nâng cấp thành "luật an toàn thực phẩm".
Trong luật này có quy định nếu người chủ cửa hàng bán thực phẩm làm cho khách hàng bị ngộ độc thì bị phạt 2 triệu yen và chịu án 2 năm tù.
Và điều rất quan trọng là chỉ cần một lần vi phạm thì sẽ vĩnh viễn bị mất quyền sản xuất và kinh doanh bất cứ mặt hàng gì liên quan đến thực phẩm trên toàn quốc (không thể có chuyện như ở Việt Nam, không cho kinh doanh ở quận này thì chạy sang quận khác, bị tước giấy phép này thì xin giấy phép mang tên mới là xong).
Trong trường hợp người bán hàng biết rõ hệ quả xấu sẽ mang lại cho người tiêu dùng của thứ thực phẩm mà mình đang sở hữu mà vẫn cố tình đưa ra thị trường thì tội danh sẽ không còn giới hạn trong hành vi buôn bán thực phẩm nữa, mà sẽ bị truy tố vào tội cố tình giết người hàng loạt, khi đó thời gian "bóc lịch" sẽ rất lâu.
Món mì Nhật - Ảnh: tư liệu
Kiểm soát chặt đầu ra
Trong khi Việt Nam đang ra sức kiểm soát thực phẩm ở đầu vào, cử cán bộ xuống tận ruộng trồng rau, lội xuống ao nuôi cá, 2h sáng lọ mọ đến lò mổ heo, đi đến xưởng chế biến tôm cua... thì người Nhật lại tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát đầu ra, tức là thành phẩm cuối cùng mà người dân sử dụng, với bộ máy quản lý khá gọn nhẹ.
Ở các thành phố và làng quê tại Nhật Bản đều có thanh tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, bộ phận thanh tra này không đi xem xét, soi mói thị trường mà khi nào có xuất hiện các ca ngộ độc thực phẩm hay có dư luận phản ảnh thì họ mới hành động.
Với họ, việc sản xuất, chế biến là của riêng nhà đầu tư, còn thành phẩm mang ra thị trường là của xã hội. Đó là cách quản lý đầu ra trong "nguyên tắc hộp đen".
Việc kiểm soát đầu ra khiến cho những người bán thực phẩm, bán hàng ăn từ khách sạn 5 sao đến cửa hàng nhỏ đường phố luôn phải tự ý thức được việc mình mua thực phẩm, phụ gia từ đâu, từ ai, để đảm bảo loại thực phẩm đó an toàn.
Những khách sạn, nhà hàng lớn phải tự lập ra bộ phận chuyên trách kiểm tra chất lượng đầu vào, còn những cửa hàng nhỏ phải liên kết lại trong các tổ chức hợp tác xã để hỗ trợ nhau thông tin xuất xứ của hàng hóa đầu vào.
Đã đến lúc các cơ quan công quyền của Việt Nam cần xem lại cách kiểm soát thực phẩm như đang làm liệu có ổn không? Như TP.HCM, quá rộng lớn, lấy đâu ra đủ người chốt chặn 24/24 giờ ở các cửa ngõ thành phố để kiểm soát thịt heo, gà, vịt, trứng...?
Hơn nữa, mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe tải xuôi ngược Bắc - Nam, làm sao mà kiểm soát hết được?
Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm về sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn chưa nghiêm khắc với nhiều vụ chỉ phạt hành chính.
Chính vì vậy, bộ máy chúng ta cồng kềnh, hằng năm tiêu tốn không biết bao nhiêu là ngân sách của Nhà nước nhưng bức tranh thực phẩm không sáng lên được bao nhiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận