02/08/2019 14:56 GMT+7

Tự chủ và hậu kiểm

PHÚC NGUYÊN
PHÚC NGUYÊN

TTO - Chưa đến một tuần nữa, thí sinh sẽ nhận được kết quả về ước mơ đại học của mình, nghĩa là kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ 2019 xem như về đích.

Tuy vậy, những ngày này, dư luận vẫn băn khoăn về điểm sàn xét tuyển (ngưỡng đảm bảo chất lượng) của một số trường ĐH, bởi theo nhận định của dư luận là "kỳ cục": thấp hơn cả năm 2018 khi điểm thi năm nay cao hơn.

Ngoài ra, có trường xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức với điểm chuẩn chỉ ở mức 400 (điểm trung bình của kỳ thi này sau hai đợt là 692 điểm), cùng nhiều phương thức xét tuyển khác tùy theo sự "sáng tạo" của các trường.

Trước hết, phải khẳng định việc các trường đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn trong tuyển sinh là thể hiện tính tự chủ ĐH, được xã hội ủng hộ, tôn trọng và đúng về mặt pháp lý. Hơn nữa, điểm sàn có thể không phải là điểm chuẩn, tức điểm chuẩn sẽ cao hơn điểm sàn. Vậy còn băn khoăn gì?

Đó là khâu hậu kiểm!

Đứng trước mức điểm sàn "kỳ cục" này - và rất có khả năng trở thành điểm chuẩn của một số trường có nguồn tuyển quá thấp, một bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã bình luận: "Hậu quả là chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đồng đều, giá trị sức lao động của toàn xã hội giảm, các doanh nghiệp nước ngoài trả lương rẻ bèo và hàng loạt người tốt nghiệp ĐH, tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", kỹ sư chạy xe ôm gây lãng phí nguồn lực xã hội..." hẳn là có lý.

Nhận định trên càng có vẻ hợp lý hơn khi trước đó, chính đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận khâu hậu kiểm tuyển sinh của các trường đang là một mắt xích yếu nhất trong tự chủ tuyển sinh.

Gặp gỡ báo chí gần đây, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận hiện nay nhân lực của bộ không đủ để hậu kiểm tất cả các trường, mỗi năm chỉ kiểm tra khoảng 20/400 cơ sở đào tạo - tỉ lệ 5%. Ở các nơi đã được kiểm tra cũng chỉ ra nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên..., nay cộng thêm đầu vào thấp thì những băn khoăn từ dư luận là khó tránh khỏi.

Cũng có ý kiến cho rằng hậu kiểm - nói cách khác là chất lượng sinh viên ra trường - sẽ do xã hội nhìn nhận và đánh giá. Nhưng với tâm lý vào ĐH bằng mọi giá, học trước, ra trường tính sau, kiếm cho được bằng ĐH còn phổ biến trong xã hội thì việc nhìn nhận, đánh giá này còn lâu mới có được đánh giá chuẩn xác. Hậu quả là chính người cầm bằng ĐH lãnh chịu trước hết và xuyên suốt cuộc đời họ.

Thế nên việc hậu kiểm dường như chỉ có thể trông mong vào Bộ GD-ĐT với tư cách, vai trò và trách nhiệm xã hội của mình. Không chỉ là hậu kiểm khâu tuyển sinh, mà còn là hậu kiểm quá trình đào tạo để có những sản phẩm có chất lượng từ trường ĐH.

Khi Bộ Giáo dục và đào tạo làm được việc hậu kiểm có chất lượng thì việc tự chủ trong tuyển sinh, bao gồm việc tự chủ điểm đầu vào, sẽ ngày càng ít hơn những băn khoăn.

Khi bàn về tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều năm qua, đã có một quan điểm lớn là "thoáng đầu vào, siết đầu ra". Giờ đầu vào đã thoáng, cùng chờ siết đầu ra, mà hậu kiểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là "vũ khí" quan trọng nhất.

Nhiều thí sinh "tăng nguyện vọng" đại học bằng xét tuyển học bạ Nhiều thí sinh 'tăng nguyện vọng' đại học bằng xét tuyển học bạ

Từ ngày 22-7, thí sinh cả nước bước vào giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển đại học.

PHÚC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên