Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân trong một buổi học với giảng viên là người nước ngoài. Đây là một trong 23 trường thí điểm tự chủ hiện đang được tự chủ về mở ngành - Ảnh : NAM TRẦN
Thông tin này được ông Phúc chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến "Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu" do Báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức ngày 25-10.
Đây là cơ chế "mở" đặc biệt được đặt ra trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Trước đây, Bộ GD-ĐT luôn có xu hướng giữ quyền kiểm soát với việc mở ngành của các trường ĐH.
Luật Giáo dục ĐH hiện hành chỉ cho phép hai ĐH quốc gia, các trường đạt chuẩn quốc gia được tự chủ trong mở ngành.
Còn lại, các trường khác, muốn mở ngành đào tạo mới, thì phải xây dựng chương trình ngành muốn mở, lập hồ sơ mở ngành để hội đồng khoa học nhà trường thông qua; rồi sở GD-ĐT kiểm tra điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, giảng viên, sau đó thông qua một hội đồng chuyên môn thẩm định...
Kế tiếp mới chuyển toàn bộ hồ sơ lên Bộ GD-ĐT chờ bộ kiểm tra, quyết định.
Tại các hội nghị giáo dục ĐH trước đây, khi còn làm bộ trưởng, ông Phạm Vũ Luận nhiều lần khẳng định bộ đã giao nhiều quyền tự chủ cho các trường, nhưng riêng quyết định mở ngành, tất cả các trường sẽ tiếp tục buộc phải xin phép và chờ bộ thông qua.
Lý do bộ giữ quyền kiểm soát này là vì "lo có sự mất cân đối ngành nghề ngay từ khâu đào tạo, nhiều ngành đã rơi vào cảnh bão hòa, dư thừa nguồn lực đào tạo so với nhu cầu xã hội".
Vì vậy, bộ muốn rà soát toàn bộ hệ thống, cảnh báo những ngành nào cần khuyến khích, tạo điều kiện để mở và những ngành nào, ở đâu sẽ không cho mở nữa.
Song từ năm 2014 đến nay, thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ, có thêm 23 trường ĐH thí điểm tự chủ được quyền tự chủ mở ngành .
"Tuy nhiên, 23 trường đã được tự chủ mở ngành đó đều là trường công lập.
Còn sắp tới, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, tất cả các cơ sở giáo dục đại học, không phân biệt công, tư, miễn là đạt điều kiện về kiểm định chất lượng thì đều được tự chủ mở ngành đào tạo" - ông Phúc nói.
Học phí: Không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng
Về băn khoăn đẩy mạnh tự chủ có khiến các trường vô tư đẩy học phí lên mức "trên trời", làm khổ, làm khó sinh viên nghèo hay không, ông Phúc cho biết đây là điều luôn được Bộ GD- ĐT quan tâm, đảm bảo sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể học đại học.
"Chúng tôi có đưa vào trong Luật quy định về việc Nhà nước có trách nhiệm liên quan đến vấn đề học bổng và chính sách cho những đối tượng này. Các trường cũng phải cân đối trong nguồn thu của mình để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn"- ông Phúc nói.
Trong khi đó, ông Bùi Anh Tuấn- hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương- khẳng định việc tăng học phí là chuyện các trường phải cân nhắc nhiều, "không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng, mà phải cân đối giữa học phí với điều kiện đảm bảo chất lượng và phản ứng của xã hội".
"Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ cho phép các trường tự chủ được gửi tiền vào ngân hàng thương mại, dùng lãi suất đó để đưa vào quĩ hỗ trợ sinh viên.
Các trường dùng tiền này để hỗ trợ học phí, hoạt động phong trào của sinh viên…
"Theo tôi, đây là điểm cần nhân rộng, không chỉ "gói" trong phạm vi 23 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77"- ông Tuấn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận