TTCT - Hiện khung pháp lý đã có khá đầy đủ để các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ, nhưng vấn đề lại ở chỗ hiệu trưởng các trường ĐH có muốn làm hay không! Ông Nguyễn Xuân Vang - Ảnh: Thư HiênĐó là nhận xét của ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội. Ông Vang nói: “Những năm 2000-2001, tôi được tham gia các cuộc họp bàn việc xây dựng nghị định 10 về chế độ tài chính áp dụng với đơn vị sự nghiệp có thu của hai bộ Tài chính, GD-ĐT. Ý tưởng là trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp có thu (bao gồm các trường ĐH, CĐ) mà xuất phát điểm là tự chủ về tài chính.Trường ĐH Ngoại ngữ cùng bốn trường khác gồm ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Mở Hà Nội trực tiếp giúp Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT bằng cách tham gia thí điểm mô hình tự chủ tài chính. Chúng tôi vừa làm vừa giúp hai bộ hoàn thiện quy định.Năm 2002, nghị định 10 được ban hành. Năm 2006, nghị định 43 ra đời thay thế nghị định 10 với nhiều quy định hợp lý hơn”. * Việc Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội lúc đó tham gia thí điểm mô hình tự chủ tài chính xuất phát từ nhu cầu của trường hay do trên chỉ định?- Lúc đó trường cũng không có nhận thức rõ ràng lắm về vấn đề tự chủ nói chung cũng như tự chủ tài chính nói riêng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì người đưa ra ý tưởng này là bà Trần Thị Thu Hà, khi đó còn là vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính.Bộ Tài chính trao đổi với Bộ GD-ĐT rồi chọn ra một số trường có nguồn thu lớn, có quan hệ hợp tác quốc tế tốt để cắt phần chi thường xuyên của các đơn vị này (chủ yếu là lương cho cán bộ, giáo viên). Cũng không hẳn là cắt mà là chuyển khoản tiền này sang đầu tư cho nhà trường. * Thời điểm đó ông đã đón nhận chủ trương tự chủ tài chính có hồ hởi hay bất đắc dĩ phải làm?- Thật ra là 50/50. Trong cuộc họp, tôi hỏi hai bộ bây giờ tự chủ tài chính, cắt nguồn chi thường xuyên thì tôi được quyền gì? Câu trả lời là chẳng có quyền gì hơn các trường không tự chủ!Tôi không được thu học phí cao hơn mức quy định trong quyết định 70 được ban hành năm 1998 về thu và sử dụng học phí ở các cơ sở GD-ĐT công lập mà văn bản hướng dẫn là thông tư 54. Các nguồn thu dịch vụ khác thì được thu theo thỏa thuận, nhưng cái này chẳng cần phải tự chủ anh vẫn làm được. Nhưng rồi tôi muốn hỗ trợ hai bộ thực hiện chính sách mới, dù trong tập thể nhà trường chẳng ai muốn làm. Đang có sẵn bầu sữa ngân sách, giờ cắt đi thì chẳng ai muốn. Cắt đi thì rõ ràng anh phải lao tâm khổ tứ, phải suy nghĩ tìm kiếm các nguồn thu khác, phải tiết kiệm hơn, không được lãng phí. Đi công tác ở đâu, đi bao nhiêu người là phải tính.Nhưng rồi tôi cũng suy tính nếu thực hiện tự chủ tài chính thì nhà trường sẽ đạt hiệu quả tốt hơn về quản lý, về ngân sách, về thu - chi và cũng sẽ hiệu quả hơn về công việc. Chủ trương này giúp mình quản lý tốt hơn, đồng thời cũng bắt buộc mình phải làm tốt. * Nhưng có phải từ việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ tài chính này mà Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội trở thành Trường ĐH Hà Nội, nghĩa là trưởng thành hơn? - Chỉ phần nào thôi, bởi tự chủ tài chính lúc đó chưa hẳn như tự chủ tài chính theo cách mà hiện nay người ta vẫn nói. Tự chủ hồi đó đồng nghĩa với việc bị cắt tiền, chẳng có gì hơn! Các bộ máy quản lý tài chính chưa tập trung vào việc này đã đành, mà các trường hầu như cũng dửng dưng.Ban đầu, năm trường được chọn cũng ủng hộ hai bộ, nhưng làm một thời gian thấy chẳng có gì khác nên các ông ấy nhao nhao phản ứng! Song cũng chẳng giải quyết được gì, tôi rời trường năm 2008. Cho đến nay có vẻ như tiến trình tự chủ cũng thế, không có gì khác. Hồi đó chúng tôi làm tự chủ tài chính nhưng không được tự chủ thu. Học phí vẫn theo mức Nhà nước quy định, hồi đó là 180.000 đồng/tháng (mỗi năm 1,8 triệu đồng/sinh viên). Bạn thử tính trường tôi dạy các chuyên ngành bằng tiếng Anh, có cả người nước ngoài dạy thì làm sao làm được với mức thu đó?Bây giờ thì thoải mái hơn, các trường có nhiều quyền hơn khi mà Chính phủ cho thu học phí chất lượng cao tương ứng với nguồn mà anh đầu tư. Còn chúng tôi hồi đó chỉ được thu 180.000 đồng/tháng cũng phải làm, phải dồn nguồn lực khác để làm, tức là phải bù lỗ.Theo tôi, với đầu tư cho ĐH chúng ta nên đi theo hướng này, tức là xã hội hóa, Nhà nước không bao cấp.* Nhưng có phải tâm thế thực hiện cơ chế tự chủ tài chính sẽ mang lại cho ĐH khí thế mới? - Hẳn là thế, nhưng không phải là tự chủ tài chính nửa vời mà chúng ta từng thực hiện. ĐH cần rất nhiều quyền tự chủ, không chỉ là tự chủ tài chính. Vấn đề quan trọng là các trường ĐH phải biết mình muốn làm gì.Những gì mà Trường ĐH Hà Nội đạt được là nhờ có nhiều sáng tạo, chủ động đi trước đón đầu và đáp ứng được nhu cầu của xã hội, phải xác định cho mình một tầm nhìn mới. Hồi đó tôi nghĩ nếu chỉ dạy ngoại ngữ không thôi thì nguy cơ mà chúng tôi đối mặt là sẽ thành một khoa của trường ĐH nào đó.Thế thì tôi phải làm sao đây? Cái tôi làm là duy trì củng cố thế mạnh ngoại ngữ và phát triển đa ngành trên nền ngoại ngữ, tức là dạy các ngành bằng ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và quốc tế. Và sau đó sẽ tiến tới bước tiếp theo là đổi tên trường.Ngày 2-10-2000, tôi nhận quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng, ngày 16-10-2000 tôi gặp Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển và ban cán sự, báo cáo mong muốn mở đa ngành và xin đổi tên trường. Bộ trưởng nói tốt, cậu cứ làm đi.Được bộ bật đèn xanh, tôi về làm dự án xin mở các ngành dạy bằng tiếng Anh, sau đó quyết tâm bằng được việc đổi tên trường. Trường ĐH nào cũng thế, đều phải làm nhiệm vụ chính trị của mình là đào tạo và nghiên cứu. Cứ làm tốt các quy định là đương nhiên anh sẽ thành tốt thôi.Vấn đề là anh có cam kết làm tốt các quy định không? Nếu làm tốt nghĩa là anh đảm bảo chất lượng tốt, chăm sóc sinh viên tốt, quan tâm đến đội ngũ giảng viên, mà như thế thì anh phát triển. Chẳng ai cấm anh làm những việc đó cả. * Nhưng không ít trường ĐH than thở họ đang không có quyền tự chủ, ông nghĩ sao? - Tự chủ là gì? Anh mời giảng viên giỏi, giảng viên nước ngoài dạy, ai cấm? Có những cái anh bắt buộc phải dạy, nhưng đồng thời anh được phép dạy tốt hơn. Ví dụ để trong vòng một năm sinh viên có đủ vốn tiếng Anh để học chuyên ngành bằng tiếng Anh, thay vì dạy một buổi/ngày thì tôi dạy năm tiếng/ngày - buổi sáng ba tiếng, buổi chiều hai tiếng, dù học phí 180.000 đồng/tháng.Mình nâng cao chất lượng cho mình, cái đó mình tự chủ chứ chẳng có ai cấm! Hoặc hợp tác quốc tế, rồi liên kết đào tạo quốc tế, quan hệ với các tổ chức quốc tế, làm dự án, xin tiền các tổ chức quốc tế... có ai cấm?Tự chủ gì nữa? Thu học phí, chỗ này đúng là vấn đề vướng mắc bấy lâu nay. Nếu được tự chủ, tôi tin chắc các trường cũng không dám thu cao bởi còn phải nhìn nhau mà thu. Tự các trường phải cạnh tranh, hoặc tự liên kết với nhau thành hiệp hội để cùng giúp nhau theo mô hình hợp tác cạnh tranh. * Tuy nhiên, vấn đề là nhận thức của các trường khi mà cứ nói đến tự chủ thì họ chỉ nghĩ đến việc thu tiền. Anh muốn tự chủ thu tiền nhưng anh phải kèm theo đó trách nhiệm giải trình. Thu nhiều tiền nhưng có để bù đắp cho sức lao động của cán bộ - giảng viên, trao học bổng cho sinh viên, bổ sung sách cho thư viện, đầu tư thêm cơ sở vật chất trang thiết bị giảng dạy... không hay là thu tiền để hằng tháng chia nhau?Kêu thì ai chẳng kêu! Vấn đề là anh muốn tự chủ cái gì!* Ông bảo hiện nay các trường xem ngân sách như bầu sữa. Như vậy để trưởng thành, ĐH cần phải dứt ra khỏi bầu sữa này?- Nên dứt hẳn ra! Nhà nước vẫn hỗ trợ tiền nhưng không theo kiểu bây giờ, mà theo hiệu suất công việc. Chẳng hạn cuối năm các trường báo cáo tình hình đào tạo, nghiên cứu, có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp, trong đó bao nhiêu có việc làm; có bao nhiêu bài báo đăng trên tạp chí quốc tế... Căn cứ vào đó tôi cấp tiền cho anh.Thực hiện được như vậy thì buộc các trường phải thay đổi để làm tốt hơn và để được Nhà nước cấp tiền. * Ông có vẻ lạc quan quá khi nói về vấn đề tự chủ?- Tôi được bổ nhiệm hiệu trưởng từ khi còn rất trẻ nên có thể có sức khỏe và cũng giàu nhiệt huyết. Vấn đề là mình phải cố gắng học hỏi để thuộc bài, nắm rõ các văn bản, các quy định và phải nhanh nhạy với bối cảnh bên trong và bên ngoài, kịp thời điều chỉnh các hoạt động của nhà trường.Một trong những việc tôi làm được là sắp xếp lại bộ máy hành chính, tổ chức nhân sự, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạch định chiến lược phát triển tập trung vào đối tượng chính quy, lập kế hoạch thực hiện và tập trung nguồn lực để làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình.* Nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết cũng từng nhận xét chỉ có những cá nhân hiệu trưởng xuất sắc mới thực hiện tốt quyền tự chủ ĐH, còn hệ thống luật của ta chưa đủ để bất kỳ hiệu trưởng nào thực hiện quyền đó?- Thầy Thuyết là một người rất có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này nên nhận xét rất chí lý. Tuy nhiên, ở bất kỳ tổ chức nào cũng đòi hỏi người đứng đầu phải giỏi, công tâm thì tổ chức đó mới phát triển.Như TS Nguyễn Xuân Thành nói trong hội thảo cải cách giáo dục ĐH do Nhóm đối thoại giáo dục tổ chức ở TP.HCM đầu tháng 8 vừa rồi, vấn đề là các ông hiệu trưởng trường ĐH có muốn làm tốt hay không. Nếu muốn làm thì đủ cách để làm, không muốn làm thì thua! Cảm ơn ông! Tags: Bộ GDĐTTự chủ đại họcNgân sách đại họcQuyền tự chủ
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường H.MI 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?