TTCT - Tiếng kêu của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vào những ngày cuối cùng năm 2012 về một mùa tuyển sinh “thất bát” khép lại một năm nhiều biến động đối với giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam một lần nữa khiến ta phải nhìn lại câu chuyện tự chủ đại học - chủ đề quan trọng nhất trong năm của bậc học này. Cần nhắc ngay đến một sự kiện quan trọng: Luật GDĐH có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Ba điểm nổi bật của bộ luật này là: tự chủ đại học, hội đồng trường và trường tư phi lợi nhuận. Trong đó, tự chủ ĐH có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó tác động mạnh đến tất cả các trường, có khả năng làm thay đổi hướng đi và cách xử sự của các trường, do đó ảnh hưởng đến nhiều người dân.Cái nhìn từ nhà nướcTự chủ ĐH bản thân nó đã là tâm điểm của mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà trường và xã hội. Mức độ tự chủ và năng lực thực hiện trách nhiệm giải trình nói lên trình độ trưởng thành của một nền đại học, cũng như của Nhà nước. Từ nhiều năm nay, tự chủ ĐH là chỗ “thắt cổ chai” gây cản trở đáng kể cho hoạt động của các trường. Bộ GD-ĐT xử sự như một bà mẹ đông con, các con dù đã lớn vẫn cứ bị coi là đứa trẻ, nhất cử nhất động đều phải xin phép. Các trường phải chật vật tranh đấu để giành lấy quyền được tự quyết những vấn đề của mình.Điều 32 của Luật GDĐH quy định khá “thoáng”: nhà trường được tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng, hợp tác quốc tế... ở mức “ phù hợp năng lực, kết quả xếp hạng và kiểm định”. Tuy nhiên, từ luật đến văn bản dưới luật, cánh cửa sẽ hẹp dần.Ví dụ, nhà trường được tự chủ về đào tạo nhưng Bộ GD-ĐT sẽ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành, và chúng ta phải chờ xem các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành mới có thể đánh giá được mức độ tự chủ thật sự mà Nhà nước cho phép. Các nhà quản lý không lạ gì những quy định hầu như không thể thực hiện được, nhưng thật lạ lùng là cuối cùng thì những quy định ấy đều có thể vượt qua được với sự “hỗ trợ” của người thừa hành.Cái nhìn từ các trườngVấn đề không chỉ là những lực cản trong việc thực thi tự chủ ĐH, vì điều này nhiều người đã thấy, đã biết và đã nói nhiều lần. Điều đáng nói hơn là sự đáp ứng và mức độ sẵn sàng trong tâm thế và trong hành động của các trường đối với quyền tự chủ đang được mở rộng.Trong chuyến đi khảo sát thực tế tại tám trường ĐH công lập trong cả nước vừa qua để tìm hiểu những trở ngại khó khăn của các trường khi phát triển GDĐH định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, nhóm nghiên cứu của một dự án Việt Nam - Hà Lan đã nhận xét nhiều trường có khuynh hướng nhìn thấy cản ngại bên ngoài (chủ yếu là quyền tự chủ) hơn là bên trong (sức ì do quán tính cũ) và rất ít trường có thái độ chủ động nhận lấy trách nhiệm tạo ra thay đổi cũng như nhận thức được khả năng tạo ra thay đổi của mình trong phạm vi tự chủ đang được hưởng.Minh họa cho điều này là “Quy chế thu chi nội bộ” của các trường, vốn có thể được sử dụng như một công cụ chiến lược để thực hiện những ưu tiên và định hướng phát triển của họ, nhưng phần lớn đã không thật sự thể hiện được vai trò đó.Sự đáp ứng của các trường đối với vấn đề tự chủ có thể thấy rõ nhất qua phản ứng của họ với hai vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa sinh tồn là tự chủ tuyển sinh và tự chủ tài chính.Câu chuyện thứ nhất: tự chủ tuyển sinhBộ GD-ĐT chủ trương từ năm 2013 sẽ giao cho các trường trọng điểm, trường năng khiếu thí điểm tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, thông điệp này được các trường đón nhận khá dè dặt. Nhiều trường công lập lập tức nêu ra khó khăn và hoài nghi: thí sinh có chọn trường mình để thi hay không, thi đậu rồi họ có chọn học ở trường mình hay không, điểm thi của mỗi trường sẽ có giá trị cả nước hay chỉ có giá trị đối với trường dự thi…Các trường cho rằng Bộ GD-ĐT cần có “cơ chế để điều phối chung” các trường ĐH, CĐ trong hệ thống. Thậm chí một cơ sở GDĐH lớn nhất nước là ĐHQG Hà Nội cũng cho biết nếu được lựa chọn, họ không có chủ trương tự mình ra đề và vẫn sẽ chọn... “ba chung”!Phản ứng của các trường có thể khiến một số nhà quan sát cảm thấy thất vọng vì nó cho thấy các trường chưa sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh và chưa tự tin vào năng lực cạnh tranh của mình. Nó nói lên rằng các trường ĐH công lập được bao cấp tư duy đã quá lâu và chưa có tinh thần “entrepreneurial” - chấp nhận tự mình đương đầu với thách thức, vượt qua nó và được hưởng thành quả tùy theo chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình. Họ vẫn muốn tận dụng những ưu thế của trường công lập thay vì chấp nhận cạnh tranh tự do và công bằng trong thế giới phẳng.Tất nhiên những quan ngại nêu trên của các trường là có cơ sở, nhất là trong tình hình “đìu hiu” thí sinh như mấy năm qua. Chủ trương “mở” cho thí điểm tự tuyển sinh và sự dè dặt đón nhận của các trường cũng cho thấy sự lúng túng trong quản lý nhà nước. Giao việc tổ chức thi tuyển sinh cho các trường thật ra không phải là điều đáng khuyến khích, vì đánh giá năng lực thí sinh là một lĩnh vực kỹ thuật cần có chuyên môn sâu và cần đầu tư một nguồn lực lớn mà không phải trường nào cũng có năng lực thực hiện.Bài toán tuyển sinh có thể giải quyết đơn giản bằng cách tách biệt giữa khảo thí và xét tuyển, như các nước đã làm từ lâu. Bộ GD-ĐT đã “cho” các trường tự chủ ở chỗ không cần tự chủ, trong lúc điều các trường cần là tự chủ trong xét tuyển, tức là tự quyết định các tiêu chuẩn xét tuyển và lựa chọn phương pháp xét tuyển cũng như số lượng tuyển sinh.Bộ có thể giao cho một tổ chức công lập hoặc tư nhân tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh, tương tự như SAT hay ACT, GRE, GMAT, thực hiện nhiều lần trong năm, tại nhiều địa phương, một cách chuyên nghiệp, bất cứ ai cũng có thể đóng phí để dự thi. Sự liêm chính của kỳ thi này, về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể giám sát được.Câu chuyện thứ hai: tự chủ về tài chínhĐã có thời rộ lên câu chuyện cổ phần hóa các trường ĐH công lập (may là Chính phủ đã không đưa ra chủ trương đó). Từ năm 2005, Bộ GD-DT đã giao cho năm trường ĐH công lập thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên như một doanh nghiệp nhà nước, và có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định nhà nước. Tuy vậy, nguồn thu học phí hệ chính quy vẫn phải tuân theo các định mức khung theo QĐ 70 và NĐ 49.Điều nghịch lý là đối với các doanh nghiệp, Nhà nước không khống chế nguồn thu, chỉ kiểm soát việc chi; còn đối với trường ĐH được giao tự chủ thì Nhà nước lại không khống chế việc chi mà ngược lại, khống chế mức thu. Bất cập đó đã khiến các trường công lập phải tận dụng mọi phương cách để tăng nguồn thu, từ việc mở rộng hệ tại chức đến các chương trình liên kết nước ngoài, chương trình chất lượng cao.Cái nhìn của công chúngTự chủ vốn là tâm điểm của mối quan hệ ba bên: Nhà nước, nhà trường và xã hội, nhưng đến nay cuộc thảo luận về nó mới chỉ diễn ra chủ yếu ở mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà trường. Bên thứ ba là công chúng dường như chưa có tiếng nói nào đáng kể trong mối quan hệ ba bên ấy, nếu ta không tính đến những phản ứng có tính chất cá nhân nhưng tác động không nhỏ đối với xã hội là làn sóng du học.Sinh viên, những người trực tiếp chịu tác động bởi các chính sách ấy, chưa hề có tiếng nói trên bàn nghị sự chính sách giáo dục.Trong bối cảnh sa sút chất lượng và tham nhũng giáo dục lan tràn, người dân nhìn vấn đề tự chủ của các trường với ít nhiều e ngại hay nghi hoặc, và họ có lý bởi vì tự chủ nếu không gắn với một cơ chế giải trình trách nhiệm chặt chẽ trước xã hội thì không hứa hẹn dẫn đến điều gì tốt đẹp.Tự chủ - bản chất cốt lõi và điều kiện thiết yếu của hoạt động đại học - trong những năm qua đã và vẫn còn là chỗ nghẽn của GDĐH, đến mức có hiệu trưởng mong “một cuộc cởi trói toàn diện”. Nhưng đó cũng là một quá trình cọ xát giữa cái cũ và cái mới, không phải không đau đớn nhưng không thể tránh để hệ thống GDĐH đạt đến trình độ trưởng thành. Công việc của cơ quan quản lý nhà nước là thiết lập một cơ chế giải trình trách nhiệm để cân bằng quyền tự chủ và bảo đảm lợi ích của các bên liên quan: trước hết là bảo đảm ngân sách được sử dụng hiệu quả, và sau nữa là bảo vệ lợi ích cụ thể của người học.Tự chủ ĐH tuyệt nhiên không có nghĩa là giảm nhẹ vai trò của Nhà nước, nó chỉ có nghĩa là Nhà nước cần tập trung quyền kiểm soát và giám sát vào những lĩnh vực không ai có thể thay thế, và trả lại cho nhà trường quyền tự chủ vốn là điều kiện cần cho mọi sáng kiến và đổi mới.Trong mọi hội nghị về đổi mới tài chính ĐH vài năm nay luôn luôn có thể nghe hàng trăm ý kiến về việc phải tăng học phí. Một mặt cần thừa nhận rằng với mức học phí thấp hiện nay rất khó nói đến chất lượng, nhưng mặt khác cũng cần thấy rằng các trường đã rất năng động, sáng tạo trong việc giải quyết chỗ nghẽn về tài chính để tự mình bù đắp những bất cập của chính sách.Điều đáng nói là những “năng động, sáng tạo” ấy đã đem lại nhiều hậu quả không mong muốn: việc mở rộng hệ tại chức nhằm bảo toàn “nồi cơm” của các trường đã phải trả giá bằng chất lượng đào tạo giảm sút và nghiên cứu khoa học không thể phát triển.Hơn thế, các trường công đang chú trọng đòi hỏi được tự quyết định mức thu học phí hơn là quan tâm đến việc đem lại cho sinh viên những giá trị gia tăng xứng đáng trong bốn năm học đủ đảm bảo cho họ khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu. Đó là vì họ chưa bị áp lực cạnh tranh bình đẳng với trường ngoài công lập, và vì hệ thống cấp phát ngân sách của Nhà nước vẫn chưa dựa trên đánh giá kết quả đầu ra. Tags: Tuyển sinhĐại họcGiáo dụcPhạm thị ly
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.