Phạm Hà My (11 tuổi, Trường THCS Quang Trung, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) hàng ngày bên cạnh phụ giúp người mẹ bị bại liệt do tai nạn - Ảnh: MAI VINH
Ước mơ con trẻ cũng trở nên mong manh và đổ vỡ bất cứ lúc nào. Bữa no có lúc còn khó khăn, lối nào trọn vẹn ước mơ học hành?
"Ước mơ con dành cho mẹ"
Khi Phạm Hà My (11 tuổi, lớp 6 Trường THCS Quang Trung, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) chưa dứt sữa mẹ, mẹ của em, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền (50 tuổi, TP. Bảo Lộc) bị té khi đang hái tiêu. Và bà bị bại liệt dù đã cố công chạy chữa suốt 2 năm trời. Căn nhà là tổ ấm của gia đình nghèo 5 người đã bay đi theo 2 năm chạy chữa cho bà Tuyền khắp các bệnh viện.
Khi bé My khi bắt đầu nhận thức được những việc xung quanh thì cũng là lúc em hiểu được những khó khăn của mình. "Thương yêu chăm sóc mẹ chưa kịp mang cho con thì đã mang cho con gánh nặng", nhớ lại những ngày đầu nằm viện không chăm lo được cho con cái trong nhà, chị Tuyền khóc nghẹn.
Đã 9 năm chị Tuyền chỉ có thể ngồi khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó không đủ để chị làm thêm gì ngoài cố gắng xoay trở để chăm sóc bản thân. Chị Tuyền kể về con: "Gần như làm gì tôi cùng phải nhờ đến bé My. Lúc 2 anh chị lớn của nó chưa đi học xa, ra ngoài kiếm việc làm thì còn phụ tôi, giờ việc gì của tôi cũng phải có bàn tay My. 6 tuổi My đã làm tay làm chân cho mẹ rồi". Mỗi khi đi học về, My không rời mẹ. Em tự học ở nhà để khi nào mẹ cần thì giúp mẹ và thay mẹ nấu cơm đợi bố đi làm về ăn.
Ngoài những lúc đi học, mỗi ngày Phạm Hà My dường như không rời lấy mẹ - Ảnh: MAI VINH
Gia đình My ở nhờ một căn phòng nhỏ trong nhà của bà ngoại ở số 10 Bà Triệu (TP. Bảo Lộc). Trong căn phòng ẩm thấp ấy, My đặt bàn học cạnh giường mẹ. Và chỉ cần nghe tiếng trở mình, My vội đưa mắt nhìn để dò ý xem mẹ cần nhờ gì. Nếu mẹ cần rời giường, My mau chóng kéo xe lăn ghé vào và đỡ mẹ.
"Năm nay cháu vừa hết cấp 1, được học sinh giỏi nên tôi bảo My đi Sài Gòn chơi với chị cho biết. Cháu đi vài hôm lại nằng nặc đòi về", chị Tuyền kể. Không giấu vẻ ngượng ngùng, My đáp: "Con muốn về với mẹ".
Chị gái đầu của My đã học xong đại học nhưng chưa có việc làm. Anh trai kế My cũng chưa có công việc ổn định. Gánh nặng gia đình dồn hết lên đồng tiền công phụ hồ của bố My, ông Phạm Thuỵ Quang (47 tuổi). Tuy nhiên, tiền thuốc thang chữa bệnh thần kinh toạ cũng tiêu tốn gần hết đồng tiền công ông kiếm được.
Bà Tuyền ngậm ngùi: "Hồi con gái đầu đi học đại học, gia đình vay tiền chính sách được 40 triệu cho cháu, giờ cũng chưa trả xong. Bệnh thì cũng bệnh rồi, ngày nào cũng thuốc thang mới nhắm mắt ngủ được. Trời đừng bắt bệnh thêm làm khổ gia đình. Giờ mà thêm bệnh, con My dở dang đường học. Tội lắm…", nước mắt bà Tuyền chạy dài.
Nhìn mẹ lau vội nước mắt, mắt My đỏ hoe. Khi được hỏi nếu có một ước mơ, My mong điều gì. Chưa nói, My khóc nghẹn: "Con nhường ước mơ đó cho mẹ con. Mẹ con sẽ ước được đi lại như những người mẹ khác. Mẹ con không bị bệnh nằm ở nhà".
Ước mơ My dành cho mẹ. My biết, nếu bệnh tình mẹ nặng thêm thì những điều đơn giản nhất của một đứa trẻ như ăn no, mặc ấm và đến trường cũng trở nên xa vời.
Tiếng kêu khe khẽ vì đau, tiếng khóc vì thương mẹ giữa đêm khuya dường như không ngày nào vắng trong căn phòng quá nhỏ.
Ám ảnh của Linh
Sáng ra, thấy mắt Nguyễn Thị Kiều Linh (Lớp 9 Trường trung học Chi Lăng, TP. Đà Lạt) đỏ hoe, bà Nguyễn Thị Điệp (34 tuổi, mẹ Linh, ngụ P.9, TP. Đà Lạt), gặng hỏi thì linh mếu máo: "Đêm qua con mơ con phải nghỉ học. Con đi làm sớm để phụ mẹ chăm bố".
Nghe lời con, chị Điệp nghẹn ngào quay đi không để con thấy nước mắt mẹ đang chảy dài. Đó là đêm đầu tiên Linh ngủ vật vạ ở bệnh viện để chăm sóc bố - ông Nguyễn Hiền (46 tuổi). Chị Điệp bảo chưa bao giờ chị có ý định cho con nghỉ học nhưng mỗi khi bố nhập viện để điều trị theo lịch hẹn thì con lại thủ thỉ: "Mẹ, đừng bắt con nghỉ học. Con với em sẽ đi làm vườn phụ mẹ sau giờ học. Nhà mình sẽ đủ tiền cho cha chữa bệnh mà".
Nguyễn Thị Kiều Linh (Lớp 9 Trường trung học Chi Lăng, TP. Đà Lạt) dành nhiều thời gian để phụ giúp gia đình và chăm sóc bố - Ảnh: MAI VINH
Cách nay 10 tháng, ông Hiền bị giật điện trong khi đang nối dây chạy máy nước trong vườn. Cú rơi từ độ cao hơn 5m đã khiến ông gãy đốt sốt cổ hôn mê suốt 2 ngày đêm. Ngày đó, gia đình đã chuẩn bị lo hậu sự cho ông. Sau những lần chạy chữa khắp các bệnh viện lớn nhỏ, ông Hiền cũng chỉ tập tễnh đi lại và tự lo sinh hoạt cá nhân ở mức tối thiểu.
"Ông bà nói, người chồng người cha như cái rường cái cột ngôi nhà. Từ ngày bị tai nạn, tôi thành cái "cột nhà" xiêu vẹo mất rồi. Tự lo ăn còn không được, biết sao mà lo cho con cái học hành", ông Hiền run run nói. Nước mắt chảy dài, ông đưa tay chùi mà bàn tay cứ run run, rất khó khăn ông mới chạm được vào khuôn mặt mình.
Kiều Linh đảo khoai tây để tránh bị mọc mầm - Ảnh: MAI VINH
Thời điểm ông Hiền bị tai nạn, Linh quyết định từ chối vào đội tuyển học sinh giỏi. "Mẹ phải chạy tiền chữa bệnh cho bố rồi còn phải đi làm kiếm tiền cho em. Tính ra không có ai chăm cho bố và lo việc nhà. Nên em quyết định không đi thi học sinh giỏi", Linh kể.
Bà Điệp phân bua: "Không ai ép cháu nó hết. Linh tự quyết rồi mới kể với mẹ. Những lúc bố đi bệnh viện, Linh đi theo chăm sóc bố toàn bộ những việc mà người bệnh nằm liệt không thể làm được…".
Nói tới đây, bà nghẹn ngào: "Con người ta mong đi thi học sinh giỏi không được, còn con mình được đi thi lại không đi". Dằn cơn xúc động, bà bảo: "Tội nó lắm. Đi học về mà rảnh tay không phải chăm sóc bố là nó với em theo mẹ ra vườn. Có 2 sào đất tôi thuê của người ta để làm chứ nhà không có vườn. Con Linh tính hai chị em làm cỏ là mẹ đỡ mướn 1 người. Tiết kiệm được ít tiền cho bố mua thuốc".
Kiều Linh (phía trái ảnh) và em gái giúp bố tập đi lại - Ảnh: M.VINH
Vào dịp khác chúng tôi quay trở lại nhà Linh gặp lúc em đang đỡ bố lên xe lăn để bố tự lăn qua lại trong nhà. Khi đã chỉnh bố ngồi thật vững, Linh nói với chúng tôi: "May lắm, bố em mới đi khám về, bác sĩ nói khả năng đi lại được cao lắm nhưng phải đi điều trị chứ không ở nhà uống thuốc được". Cách Linh nói chuyện như người lớn dẫu năm nay em chỉ mới 14 tuổi.
"Bố khoẻ là em không còn lo phải nghỉ học đâu. Em gái em cũng không phải lo nữa. Tụi em chỉ cần gắng sức phụ mẹ trồng rau thì cũng đủ ăn, đủ đi học rồi", nói dứt câu thì có tiếng xe máy chạy vào hẻm nhỏ. Mẹ Linh chở rau về để đóng bó chiều mang đi bán. Chiếc xe máy cà tàng dừng lại ở căn nhỏ gỗ cũ kỹ nằm kề ruộng rau. Chị Điệp chưa kịp bật chân chống xe Linh đã nhanh nhảu chạy ra sân đứng chờ phụ đỡ.
Trời mưa phùn, bố Linh nhìn hai mẹ con ngoài trời rồi gắng xoay xe lăn vào trong nhà. Ông nói với chúng tôi: "Cái nhà này tôi dựng "lụi" giữa vườn hồi chưa lấy vợ. Đang tính vay mượn sửa lại nhà cho mẹ con có chỗ ở tươm tất. Mới tính thôi thì trời đã bắt tôi đau ốm rồi. Chẳng phụ được gì mà còn bắt mẹ con nhà này khổ nữa", giọng ông Hiền chùng xuống.
"Tôi cố chịu đau cho cháu có tiền đi học. Chứ thuốc thang đủ đầy thì sớm muộn gì cũng bán luôn căn nhà này.
100 suất học bổng Đèn Đom Đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận