Trong phần luận tội trưa nay (8-1), cơ quan công tố ghi nhận ông Nguyễn Thành Danh - cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương - đã từ chối nhận tiền khi được nhân viên của công ty này đến "cảm ơn".
Giám đốc CDC Bình Dương không có yếu tố vụ lợi
Ông Danh bị truy tố, xét xử về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên ông Danh không có yếu tố vụ lợi, từng từ chối nhận tiền của tổng giám đốc Việt Á và tại tòa được đại diện CDC tỉnh Bình Dương có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt ông Danh 10 tháng 4 ngày tù. Mức án viện kiểm sát đề nghị bằng với thời gian ông Danh bị tạm giam.
Trong khi đó, với sai phạm liên quan Việt Á tại Bình Dương, ông Tiêu Quốc Cường, cựu kế toán trưởng Sở Y tế tỉnh, bị đề nghị 4 - 5 năm tù.
Ông Cường bị cáo buộc đã nhận "cảm ơn" của Công ty Việt Á 3 lần với số tiền là 1,25 tỉ đồng. Sau khi bị bắt, ông Cường đã tự nguyện nộp lại số tiền trên vào tài khoản của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả vụ án.
Các bị cáo dưới quyền của ông Danh gồm: bà Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên CDC Bình Dương) bị đề nghị 2 - 3 năm tù; Trần Thanh Phong (cựu phó phòng tài chính) bị đề nghị 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, khi dịch bùng phát, CDC Bình Dương đang dùng kit xét nghiệm của Hãng Roche và test tách chiết của Công ty VNDAT.
Song, bị cáo Nguyễn Thành Danh đã chỉ đạo Lê Thị Hồng Xuyên, nhân viên xét nghiệm của trung tâm này, liên hệ với Công ty Việt Á và Công ty VNDAT để ứng trước kit xét nghiệm của Việt Á và test tách chiết của VNDAT sử dụng trước, rồi hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán sau.
Hành vi của nhóm cựu lãnh đạo, nhân viên tại CDC tỉnh Bình Dương bị cáo buộc gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 55 tỉ đồng.
Sau khi Công ty Việt Á được CDC Bình Dương thanh toán tiền, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền là Lê Trung Nguyên, Phan Tôn Noel Thảo tính tiền % ngoài hợp đồng để cảm ơn cho Tiêu Quốc Cường (phó trưởng phòng kế hoạch tài chính kiêm kế toán trưởng Sở Y tế Bình Dương) 3 lần với tổng số hơn 1,2 tỉ đồng và đưa cho Lê Thị Hồng Xuyên 2 lần tổng số hơn 1 tỉ đồng.
Ngoài ra, Việt còn chỉ đạo nhân viên chi tiền cho Nguyễn Thành Danh và ông Nguyễn Hồng Chương (giám đốc Sở Y tế Bình Dương) nhưng cả hai người này không nhận.
Do đó, Lê Trung Nguyên báo cáo Việt và chuyển lại số tiền 4,2 tỉ đồng về Công ty Việt Á, cáo trạng nêu.
Nhận hối lộ 27 tỉ, cựu giám đốc CDC Hải Dương bị đề nghị 13-14 năm tù
Trái ngược với việc từ chối nhận tiền của ông Danh, cựu giám đốc CDC tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị cáo buộc nhận hối lộ 27 tỉ đồng từ Việt Á.
Khai tại tòa, ông Tuyến cho rằng nhận thức tổng giám đốc Việt Á chi tiền cho mình là "khoản tiền chia sẻ hậu đãi" nên không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên ông Tuyến lại mượn tài khoản của nhiều người thân để phía Công ty Việt Á chuyển tiền mà không dùng tài khoản cá nhân hoặc tài khoản CDC Hải Dương. Hội đồng xét xử đánh giá lời khai này của ông Tuyến là rất mâu thuẫn.
Sau khi nhận số tiền trên, ông Tuyến đã ba lần đưa cho ông Phạm Xuân Thăng (cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) tổng 600 triệu đồng và 50.000 USD.
Người thứ hai được ông Tuyến chia tiền là Phạm Mạnh Cường (cựu giám đốc Sở Y tế), tổng 7 tỉ đồng.
Cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị viện kiểm sát đề nghị 13 -14 năm tù về tội nhận hối lộ.
Cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng và cựu giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường cùng bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Với sai phạm liên quan Việt Á tại tỉnh Bắc Giang, cựu giám đốc CDC tỉnh Lâm Văn Tuấn bị đề nghị 6 - 7 năm tù.
Ông Tuấn từng nhận 2 tổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ từ doanh nghiệp nhưng đã trả lại.
Mức án đề nghị cho 38 bị cáo TẠI ĐÂY.
Các bị cáo nộp 77 tỉ khắc phục hậu quả
Trong phần luận tội, viện kiểm sát ghi nhận tổng số tiền các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả là hơn 77 tỉ đồng và 2,65 triệu USD (tương đương tổng 142 tỉ đồng).
Trong đó, những người khắc phục nhiều nhất gồm: cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nộp 2,25 triệu USD (gần 55 tỉ đồng); cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến nộp hơn 13 tỉ đồng; cựu vụ trưởng thuộc Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn nộp 300.000 USD (7,3 tỉ đồng); Phan Huy Văn, giám đốc Công ty Dược Phan Anh, nộp 16,8 tỉ đồng; cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trịnh Thanh Hùng nộp 8 tỉ đồng và 8 sổ tiết kiệm 4 tỉ đồng.
Phan Quốc Việt đã nộp 200 triệu đồng và có đơn đề nghị sử dụng toàn bộ tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả.
Viện kiểm sát kiến nghị tòa tuyên buộc Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, có khấu trừ các khoản các bị cáo khác đã nộp lại tiền hối lộ, tiền cảm ơn, chiết khấu % khi bán kit xét nghiệm tại các địa phương. Tài sản của các bị cáo cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận