05/10/2011 04:15 GMT+7

Từ chiếc nhà phao "sống chung với lụt"...

MINH TỰ
MINH TỰ

TT - Nhà phao, đó là hình ảnh rất ấn tượng vừa xuất hiện hai ngày nay trên những bài báo tường thuật diễn biến cơn lụt đầu mùa ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình).

wqNszo3H.jpgPhóng to

Nhà phao này thuộc loại lớn nhất tại Tân Hóa. Nó có thể bảo vệ toàn bộ tài sản và con người của gia đình khi lụt lên - Ảnh: Nguyên Linh

Nơi đây là thung lũng, bao vây bốn bề là những dãy núi đá vôi, được định danh là “rốn lũ” của Quảng Bình. Cùng thời điểm này năm 2010, tại đây đã diễn ra cơn lũ lịch sử, nhấn chìm cả xã dưới biển nước, khiến người dân phải chạy táo tác trong đêm lên các hang đá trốn lũ.

Trận lũ khá lớn trong đêm 30-9 vừa rồi với kịch bản tái diễn gần giống cơn lũ năm trước, nhưng 3.178 người dân của cả xã vẫn an toàn tính mạng.

Đặc biệt, dù chạy lũ trong đêm nhưng người dân không phải “bỏ của chạy lấy người” và trở về trắng tay như năm trước. Tài sản của họ đã được bảo vệ nhờ chiếc nhà phao nổi trên nước lũ.

Ngôi nhà phao có diện tích khoảng 10m2, sàn bằng gỗ kết trên những chiếc thùng phuy, mái lợp bằng tấm bạt. Nó giống như chiếc lều bạt nổi trên mặt nước, những nhà lớn hơn thì có thêm ván che xung quanh. Nhà phao được neo với ngôi nhà hoặc các gốc cây cổ thụ bằng một sợi dây để tránh bị nước cuốn trôi.

Theo người dân ở đây, giá thành một nhà phao từ 3-7 triệu đồng, nhà lớn hơn khoảng 15 triệu đồng. Nước lũ dâng đến đâu nhà phao nổi đến đó. Trên nhà phao có cả lúa gạo, áo quần, sách vở, heo gà, xe máy, nước uống và chất đốt... Một số nhà phao rộng và kiên cố hơn thì cả gia đình đều ở lại đó, không phải chạy lên núi. Rất đơn giản, nhẹ tiền và đã phát huy hiệu quả.

Cả xã Tân Hóa nghèo khó nhưng vẫn làm được hơn 300 nhà phao như thế. Sáng kiến này hoàn toàn phù hợp với những vùng bị ngập lụt ở miền Trung, trừ những nơi ven sông suối nước lũ chảy xiết.

Năm năm trước (2006), bão dồn dập ở Quảng Nam và người dân vùng ven biển huyện Thăng Bình đã nghĩ ra việc đào hầm tránh bão. Những chiếc hầm như thời chiến tranh, ít tiền thì làm bằng cây gỗ đốn trong vườn, kiên cố hơn thì xây bằng bêtông.

Các chuyên gia xây dựng đã thừa nhận những chiếc hầm này đủ để che chở người dân trong cơn bão. Rất đơn giản nhưng chỉ những ai thật sự đối mặt thường xuyên với bão tố mới có thể nghĩ ra.

Vùng phía trong kinh thành Huế bây giờ là nơi lụt lội thường xuyên. Ở những nơi thấp trũng như Tây Linh, Tây Lộc, Lương Y, Mang Cá, ngoại trừ những nhà khá giả xây lầu, số đông dân nghèo ở nhà cấp bốn, chỉ một đêm mưa lớn nước nguồn đổ về là ngập nửa nhà. Vì vậy, nhà nào dù thấp bé chật chội cũng cố cơi thêm gác lửng. Đó chính là chiếc phao cứu sinh của họ. Khi thấy nước lên, người ta đưa lương thực, nước uống, bếp dầu, chăn màn, áo quần và tài sản quý lên gác lửng.

Trên mái nhà luôn giắt sẵn cây rựa, nếu nước lên lút gác lửng thì dùng rựa phá mái nhà để trèo lên. Với cách chủ động “sống chung với lụt” như thế, bao mùa mưa lụt trôi qua vẫn không gây tổn thất gì nhiều.

Cuộc vật lộn với bão lụt những năm qua cho thấy phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) là một đúc kết quá hợp lý. Qua câu chuyện ngôi nhà phao, chiếc hầm và căn gác lửng, cho thấy cần bổ sung một yếu tố “tại chỗ” nữa, đó là: tư duy tại chỗ. Phải sống chung với người dân vùng bão lụt thì mới nảy sinh những sáng kiến giúp họ “sống chung với bão lụt” một cách thiết thực!

Hãy giúp người dân làm những ngôi nhà phao, sắm sẵn thuyền bè, áo phao, xây nhà có gác, hầm trú bão... Khi bão lụt đến, tự họ sẽ cứu họ, cứu làng xóm họ, và chỉ có cách đó mới kịp thời nhất, thực tế nhất.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên