27/10/2021 08:00 GMT+7

Từ chạy chợ chuyển lên bán hàng trực tuyến: Cuộc sống mới của bà nội trợ

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

Đằng sau thu nhập ổn định có đồng ra đồng vào trong mùa dịch là những trăn trở trước đó của nhiều gia đình khi quyết định thay đổi cách thức, thói quen buôn bán xưa nay để chuyển sang hình thức kinh doanh mới lạ: bán đồ ăn trực tuyến.

'Chia tay' vỉa hè sang làm chủ gian hàng online

Căn nhà nằm trong hẻm trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) có một gian hàng nhỏ bán hủ tiếu bò kho, nước ép trái cây, trà đào... Nơi đây, shipper tới lui nhận giao hàng liên tục trong những tháng qua. Chủ gian hàng nhỏ này, chị Thúy Phượng (42 tuổi) bồi hồi nhớ lại những ngày tháng "đánh liều" khi ngừng bán hàng ở chợ tự phát để chuyển sang tập tành kinh doanh theo một hướng đi hoàn toàn mới.

Từ chạy chợ chuyển lên bán hàng trực tuyến: Cuộc sống mới của bà nội trợ - Ảnh 1.

Chị Phượng soạn rửa dụng cụ để chuẩn bị bán lại món bò kho - Ảnh: V.BÌNH

Là mẹ của 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, nỗi lo cơm áo gạo tiền càng nặng nề hơn khi dịch COVID-19 kéo dài, việc buôn bán ở chợ của chị Phượng buộc phải tạm ngưng. Lúc đó, chồng chị là tài xế Gojek gánh vác toàn bộ kinh tế gia đình nhờ những cuốc xe giao hàng trong mùa dịch nhưng cũng lúc đủ, lúc thiếu. Trong khi con sắp vào năm học mới, học phí cộng thêm tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày trong đợt giãn cách trở thành mối âu lo thường trực trong lòng chị Phượng.

Bước ngoặt trên hành trình mưu sinh của chị bắt đầu khi chồng chị tâm sự phía Gojek gửi thông tin đến anh em đối tác về chương trình đào tạo cho người thân đối tác tài xế Gojek về nấu ăn, lên kế hoạch tài chính và cách thức vận hành gian hàng trực tuyến để có thể khởi nghiệp kinh doanh trên GoFood. Điều kiện là phải đi học đều, học đủ, hãng hoàn toàn miễn phí.

Lúc đầu khi chồng khuyên đi học, chị còn ái ngại vì ở tuổi tứ tuần còn đến lớp học nấu ăn. "Xưa giờ buôn bán ngoài chợ quen rồi, tự dưng đi học như làm lại từ đầu mà không biết sẽ tới đâu nữa. Ai ngờ, học được mấy hôm lại mê nấu ăn luôn" - chị Phượng hồ hởi kể lại.

Suốt 2 tháng, chị tự chạy xe máy đều đặn từ nhà đến lớp học ở Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, mỗi tuần ba buổi không vắng buổi nào. Lúc đó, cô giáo hướng dẫn nấu những món ăn dễ bán như xôi gà, xôi mặn, phở, bún bò hay pha chế nước uống như trà đào, chanh tắc... như thế nào cho ngon.

Kết thúc khóa học, chị được Gojek hỗ trợ mở gian hàng trên GoFood, lên online trong chưa đến 1 tuần. Cuộc sống chị lúc này chính thức sang trang mới, kết thúc buôn bán ở vỉa hè để sang kinh doanh online, một môi trường đầy mới lạ nhưng hấp dẫn với chị.

Ngày đầu mở bán cũng là lúc thành phố vẫn còn áp dụng giãn cách xã hội. Ngày đầu bật app, có khách đặt liền 3 tô hủ tiếu bò kho giá 120.000 đồng.

"Lúc đó hồi hộp lắm. Soạn đơn xong rồi, tôi sợ khách giả bộ đặt nhưng không lấy. Tôi gọi cho tài xế thì được nói là 10 phút nữa tới liền. Lúc đó tôi mới thở phào" - chị Phượng cười nhớ lại cảm xúc lần đầu bán hàng online. Đến nay gian hàng của chị không chỉ bó hẹp với món hủ tiếu bò kho, mà bổ sung đa dạng món ăn khác như hủ tiếu bò viên, các loại nước ép. Doanh thu của cửa hàng chị cũng khởi sắc, trung bình khoảng vài triệu đồng mỗi ngày.

Từ chạy chợ chuyển lên bán hàng trực tuyến: Cuộc sống mới của bà nội trợ - Ảnh 3.

Đơn hàng của chị chủ yếu đến từ app - Ảnh: V.BÌNH

Thu nhập ổn định, có nhiều thời gian chăm gia đình

Sau 2 tháng kinh doanh online trên nền tảng GoFood của Gojek, trong buổi trò chuyện với chúng tôi, chị nhắc cụm từ "cuộc sống mới" không dưới 4 lần.

Bởi, theo chị Phượng, không chỉ thoát khỏi cảnh buôn thúng bán bưng bấp bênh ngoài chợ, giờ đây, nhờ hoạt động trên GoFood, chị đã có một kênh tạo ra cơ hội thu nhập mới, giúp chị có đồng ra đồng vô ổn định. Điều quan trọng hơn là chị có thời gian chăm lo cho gia đình, bày con cái học hành.

Từ khi chuyển hẳn sang việc buôn bán online, bản thân chị cũng có nhiều thay đổi trong suy nghĩ về việc kinh doanh. Chị thầm cảm ơn những kiến thức của khóa học từ chương trình "Để không ai bị bỏ lại phía sau" của Gojek đã rất kịp thời giúp chị trang bị các kỹ thuật nấu ăn cũng như những điều cần thiết khi kinh doanh online. Trước đây chị nghĩ đơn giản kinh doanh cửa hàng ăn uống chỉ cần bán tại chỗ là đủ, ai thích ăn thì mua thôi.

"Khi học xong tôi mới thấy mình phải kinh doanh online để nhiều người biết đến quán mình hơn, đặc biệt trong lúc giãn cách, khi mọi người chuyển qua mua online thì việc kinh doanh trên nền tảng là một giải pháp hiệu quả. Học thử ai ngờ thành thật. Giờ cuộc sống của gia đình tôi đã khác xưa rất nhiều. Tôi mừng lắm" - chị Phượng nói.

Từ chạy chợ chuyển lên bán hàng trực tuyến: Cuộc sống mới của bà nội trợ - Ảnh 4.

Chị Phượng giao nước uống cho khách tại cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) - Ảnh: V.BÌNH

Tháng 5 vừa qua, Gojek đã phối hợp cùng Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM và chương trình CafeTek của Đài truyền hình HTV thực hiện dự án đào tạo khởi nghiệp mang tên "Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2", tiếp nối thành công của chương trình mùa 1 vào năm 2020, thời điểm COVID-19 vừa mới bắt đầu, giúp đưa các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ lên hoạt động trên nền tảng trực tuyến trong bối cảnh hàng quán vắng khách vào những ngày đầu mùa dịch.

Những người tham gia khóa học được chọn lọc từ người thân của các đối tác tài xế Gojek. Họ được đào tạo kỹ năng kinh doanh mặt hàng ăn uống online, lập kế hoạch tài chính và quản lý cửa hàng, xây dựng và quản lý gian hàng trực tuyến, các kỹ thuật nấu ăn, pha chế phổ biến; các nguyên tắc cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chọn nguyên vật liệu và chế biến thực phẩm an toàn…

Không chỉ chị Phượng, nhiều chị em phụ nữ tham gia khóa học của Gojek đều có chung nhận định, chương trình không những mang về cho họ những kiến thức bổ ích để "làm giàu" mà đây còn là dịp để những người có cùng niềm đam mê nấu nướng được gặp gỡ, giao lưu.

Chính điều đó khiến họ đến với chương trình bằng một tâm thế thoải mái, háo hức. Tất cả cùng chung nhận định "kinh doanh online không khó, lại còn mang đến nhiều cơ hội, quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt kịp xu hướng mới và tập trung vào chất lượng dịch vụ".

Theo Gojek Việt Nam, khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, giải quyết nỗi lo thất nghiệp mùa dịch từ chính căn bếp tại gia được xem là một hướng đi thức thời. Những ai đam mê nấu nướng và mong muốn kinh doanh khởi nghiệp có thể lên kế hoạch từ bây giờ với sự tiếp sức của nền tảng công nghệ như GoFood.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên