05/01/2015 10:10 GMT+7

Từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài: Chỉ 15 phút

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Ngày 4-1, Bộ Giao thông vận tải tổ chức khánh thành đưa vào khai thác các dự án: cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài, nhà ga T2, nhà ga VIP A Nội Bài.

Sơ đồ cụm công trình cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - nhà ga T2 (sân bay Nội Bài) - Đồ họa: V.Cường

Trong đó, cầu dây văng Nhật Tân cùng tuyến đường Võ Nguyên Giáp có vai trò rất quan trọng tạo thêm tuyến đường song song bên cạnh tuyến cầu Thăng Long và đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, nối trung tâm thủ đô với cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Sau gần năm năm xây dựng, cầu Nhật Tân hoàn thành và trở thành cây cầu thứ bảy bắc qua sông Hồng trên địa phận Hà Nội và là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới. Cây cầu có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỉ đồng, có phần cầu chính dài 1.500m là cầu dây văng liên tục năm trụ tháp (cao 110m) tượng trưng cho năm cửa ô Hà Nội.

Bề mặt cầu rộng 33,2m bố trí sáu làn xe, hai làn dừng xe khẩn cấp, đường dẫn phía bắc rộng70-100m, đường dẫn phía nam rộng 64m, cầu Nhật Tân kết nối với đường Võ Nguyên Giáp dài hơn 12km, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Cầu Nhật Tân và đường Võ Nguyên Giáp không chỉ được Chính phủ, TP Hà Nội xem là trục không gian và cảnh quan của thủ đô mà đây còn là trục giao thông rất quan trọng. Ngoài việc giảm tải cho tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, trục đường này còn kết nối với quốc lộ 5, quốc lộ 23, quốc lộ 2, quốc lộ 18.

Từ đường Võ Nguyên Giáp có thể kết nối thuận tiện với quốc lộ 3, đường Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn. Nếu tính thời gian đi từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, ôtô chạy hết 15 phút.

Với trục đường Võ Nguyên Giáp (tổng mức đầu tư 6.742 tỉ đồng) hoàn thành, ngoài vai trò là trục đường chính của cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ông Nguyễn Thế Thảo - chủ tịch UBND TP Hà Nội - cũng xác định đây là trục đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thủ đô, trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Hiện Hà Nội cũng xúc tiến thực hiện quy hoạch khu đô thị hai bên đường Võ Nguyên Giáp theo mục tiêu phát triển đô thị về phía bắc sông Hồng.

Nội Bài hết quá tải

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 Nội Bài do Tổng công ty Cảng hàng không VN làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 1 tỉ USD, hoàn thành sau ba năm xây dựng, được đánh giá là sẽ khắc phục tình trạng quá tải nghiêm trọng tại nhà ga T1 Nội Bài.

Nhà ga hành khách T2 có diện tích sàn 139.216m2 gồm bốn tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật), có công suất phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh trong ngày cao điểm, giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015-2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020-2030).

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng như Tổng công ty Cảng hàng không VN đều khẳng định nhà ga hiện đại này sẽ đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, tạo ra sự phối hợp hoạt động đồng bộ, hiệu quả giữa cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các cơ quan quản lý nhà nước.

Trước khi khánh thành, từ ngày 31-12 toàn bộ chuyến bay quốc tế đi và đến Nội Bài được chuyển sang khai thác chính thức tại nhà ga T2, còn nhà ga hành khách T1 sẽ là nhà ga hành khách quốc nội.

Cùng với nhà ga T2, nhà ga VIP A, cảng hàng không quốc tế Nội Bài có tổng vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng được đưa vào khai thác sáng 4-1. Nhà ga được bố trí trên khu đất rộng 26.100m2 nằm tiếp giáp giữa nhà ga T1 và T2, trong đó diện tích nhà chính khoảng 5.000m2.

Nhà ga này có sân nghi lễ diện tích hơn 2.000m2 để thực hiện các nghi lễ đón tiếp trang trọng. Nhà ga VIP A còn có phòng hội đàm khánh tiết sử dụng khi cần cho những cuộc hội đàm giữa lãnh đạo VN và đoàn quan khách quốc tế đến thăm.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên