Đây là mong muốn được ngành y tế TP.HCM đưa ra sau khi tiếp nhận 6 lọ thuốc hiếm giải độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thông qua đàm phán và điều phối từ Bộ Y tế.
6 lọ thuốc hiếm giải độc botulinum được chia ra sao?
Chỉ trong vòng 1 ngày, sau cuộc làm việc khẩn trương của Bộ Y tế với WHO, 6 lọ thuốc BAT nhanh chóng được chuyển từ Thụy Sĩ về sân bay Tân Sơn Nhất lúc 19h ngày 24-5. Và chỉ 3 tiếng sau, các bệnh viện hoàn tất thủ tục giao nhận.
Trong 6 lọ thuốc này, Bệnh viện Chợ Rẫy được nhận 2 lọ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, còn 3 lọ được chuyển cho Bệnh viện Nhi đồng 2 - nơi đang điều trị 3 anh em ruột bị ngộ độc botulinum do ăn bánh mì kẹp chả giò đầu tiên tại TP Thủ Đức.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết ba lọ thuốc giải độc vừa nhận từ Bộ Y tế tạm thời đơn vị chưa sử dụng điều trị cho 3 bé này.
Lý do, trước đó cả ba đều đã được truyền thuốc giải độc (2 lọ cuối cùng) trong vòng 24-48h sau ngộ độc.
"Từ đó đến nay đã 10 ngày trôi qua, đã quá khung thời gian chỉ định. Mặt khác, đây là thuốc quý hiếm, việc truyền thuốc cho bệnh nhân chỉ được thực hiện khi chứng minh được hiệu quả hay không, do đó cần phải hội chẩn chuyên môn và việc truyền hay không đều có báo cáo cấp trên" - đại diện bệnh viện nói.
Nhiều bệnh nhân ngộ độc bị lỡ "thời gian vàng"
Về sức khỏe của 3 bệnh nhi sau khi truyền thuốc giải độc, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 nói hiện 1 em sức khỏe ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới. Hai bé còn lại hiện đang nằm thở máy hồi sức, sức khỏe cải thiện khá chậm.
"Vấn đề của các bé này là liệt cơ hô hấp, do đó không tự thở được và phải lệ thuộc vào thở máy" - đại diện này cho biết.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho rằng việc có được 6 lọ thuốc giải độc botulinum trong bối cảnh này rất quý giá, hy vọng sẽ hỗ trợ điều trị được cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, ông cũng nói khá đáng tiếc khi có một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong do bị biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc.
Ngoài trường hợp tử vong này, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, cả 2 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều không thể dùng thuốc giải độc. Bởi từ khi ngộ độc cho đến hôm nay là 10 ngày, quá muộn so với "thời gian vàng" chỉ định sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu.
Qua các trường hợp này, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng như các bệnh viện đều có chung mong mỏi Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế này.
Lần thứ hai WHO hỗ trợ khẩn cấp Việt Nam thuốc giải độc BAT
Trước đó năm 2020, để điều trị các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng pa tê chay có chứa độc tố, Bộ Y tế đề nghị WHO hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT và WHO đã hỗ trợ rất kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (A, B, C, D, E, F, G) - (Equine).
Đây là loại thuốc rất hiếm, có giá dao động 6.000 - 8.000 USD/lọ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận