03/12/2010 03:25 GMT+7

Tu bổ tháp Chăm thành... vườn hoa?

CHÁNH TRỰC
CHÁNH TRỰC

TT - Nhóm tháp Khương Mỹ (xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1989) thuộc xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam gồm ba cụm tháp được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10.

Tháp Khương Mỹ có giá trị đặc biệt là tháp Chăm duy nhất ở miền Trung được trang trí thân tháp theo môtip nghệ thuật Khmer, kiểu cành lá vút cong vểnh lên ở đầu mút. Chính vì vậy các nhà nghiên cứu Pháp trước đây đã xếp chúng vào phong cách riêng: phong cách Khương Mỹ - đầu thế kỷ 10.

Evs0W07H.jpgPhóng to
Lấp lại mặt bằng, nâng nền di tích khi nhiều vết tích nằm trong lòng đất chưa được nghiên cứu
GfyLIqxf.jpgPhóng to

Gạch Chăm bị đào lên vương vãi để lắp đặt đèn trang trí - Ảnh: Chánh Trực

Tuy nhiên, hiện nay di tích tháp Chăm Khương Mỹ được đơn vị trùng tu là Trung tâm Quản lý di tích Quảng Nam... biến thành vườn hoa công viên. Khu vực I (khu vực trung tâm tháp) đã bị băm nát, làm biến dạng không gian di tích.

Đơn vị thi công đã xây các rãnh, ô để trồng hoa, cây cảnh. Toàn bộ khu vực được đổ bêtông, lối đi xung quanh được lát gạch trông rất phản cảm. Điều này hoàn toàn trái với lịch sử văn hóa Chăm, vì người Chăm xưa xây dựng tháp để dâng cúng các vị thần, làm gì có vườn hoa với bêtông cốt thép.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn, để lắp đặt các bóng đèn trang trí cho “vườn hoa”, họ còn đào bới sát cạnh chân tháp để đặt dây điện ngầm, làm lộ ra cả mảng dài chân tháp và gạch Chăm đào lên vương vãi.

Trước đây vào năm 2000, tỉnh Quảng Nam tiến hành dự án tu bổ tháp Chăm Khương Mỹ, đã phát lộ phần móng tháp với nhiều mảng trang trí điêu khắc trên chân tường bằng đá sa thạch. Khu vực này đến nay vẫn chưa có cuộc khai quật khảo cổ học để nghiên cứu các vết tích còn nằm trong lòng đất. Nhưng hiện nay, đơn vị thi công lại chở đất đỏ về lấp lại mặt bằng để tăng nền di tích.

Ngoài phần tường rào xây dựng bằng sắt thép sát cạnh tháp, không phù hợp không gian và cảnh quan di tích, đơn vị thi công còn xây dựngcác mương thoát nước cũng bằng bêtông đậy nắp vốn không phù hợp, vì người Chăm xưa xây dựng các tháp trên vùng gò đồi, nước sẽ tự nhiên chảy xuống xung quanh.

Tường rào bảo vệ được xây trong quá trình tu bổ cũng không đúng với vị trí, bản đồ khoanh vùng di tích, làm diện tích khu vực I của di tích bị thu hẹp lại, có chỗ bị méo mó. Số diện tích đất của di tích, trước đây có trường mẫu giáo và sinh hoạt thôn, đã bị xuống cấp hoàn toàn, địa phương đã xây dựng tại địa điểm mới. Tuy nhiên phần đất này gần 5.000m2 lại không được sử dụng để mở rộng khu vực di tích. Năm 2008, thôn Khương Mỹ đã cho một công ty tư nhân thuê làm xưởng cưa và bãi đỗ vật liệu, thời gian ít nhất là 10 năm, với giá 10 triệu đồng/năm.

Với những giá trị vốn có của tháp Chăm Khương Mỹ, việc tu bổ di tích không thể tùy tiện làm biến dạng không gian và yếu tố gốc di tích như điều 32 Luật di sản văn hóa quy định: “Khu vực bảo vệ I di tích phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Việc xây dựng không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Dư luận rất cần cơ quan có thẩm quyền ở Quảng Nam xem xét để bảo vệ di tích Chăm khỏi nguy cơ bị biến dạng thành... công viên!

CHÁNH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên