...Quê hương là tất cả
Đó là già Dêr ở làng Plei Bông, xã Ayun (Mang Yang - Gia Lai). Đầu xuân 2008, gặp Dêr đang trong bộ trang phục công nhân, chân tay lấm lem vôi vữa, chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên nhưng ông trả lời hồn nhiên: “Tôi làm phụ hồ không phải kiếm tiền sinh sống mà đi làm giúp người ta, mừng cho làng này có thêm một căn nhà khang trang mọc lên...”.
Phóng to |
Già Dêr |
Ngửa đầu đánh ực hớp nước lã chứa trong quả bầu khô rồi đưa cho tôi, ông nói: “Uống đi, đến đây đường xa chắc khát nước lắm! Không sợ đau bụng đâu, nước mát lạnh, tôi mới lấy từ ngoài giọt về đấy. Ở bên Hoa Kỳ, người ta thường nói là giàu có nhưng không thể có phút giây dân dã như thế này đâu!”.
Thời trẻ, Dêr đi lính biệt kích, sau sáu năm học tập cải tạo trở về, vì chưa có kinh nghiệm trong sản xuất nên cái đói cứ rình rập. Năm 1998, có một người bạn ở TP Hồ Chí Minh đến nhà mai mối rủ Dêr đi theo diện HO sang Mỹ. Người này hứa rằng mọi chi phí, thủ tục giấy tờ sẽ lo miễn phí hết, chỉ cần Dêr đồng ý là được máy bay đưa đi. Anh ta còn cho biết, ở bên Mỹ có rất nhiều người Bahnar đang sinh sống và khi sang đó Dêr còn được nhận rất nhiều tiền...
Thực tình lúc đầu Dêr không muốn đi nhưng rồi sau lại nghĩ: “Nay có dịp, mình đi thử thế nào. Vì nghe người ta đồn rằng ở bên Mỹ có nhiều tiền lắm, biết đâu mình sang đó sẽ trở thành người giàu có, đỡ cho vợ con suốt ngày đi làm rẫy...!”. Thế nhưng cái ước mơ được đổi đời ấy đã dần tắt khi Dêr chính thức đặt chân lên đất Mỹ. Trước mắt Dêr là một căn phòng thuê trọ nằm biệt lập giữa khu nông trại rộng lớn của người Mỹ. Cuộc sống buồn tẻ quá vì không có bà con, bạn bè thân thích. Hàng ngày chỉ có Dêr và Y Klam (dân tộc K’Ho, tỉnh Lâm Đồng) quấn quýt bên nhau (hai người đều sống độc thân nên được người ta ghép vào ở cùng một phòng).
Sau đó vài tháng, Dêr được giới thiệu đi làm công nhân cho một nhà máy lắp đặt thiết bị nóng lạnh trong nhà. Công việc đơn giản, không nặng nhọc lắm nhưng giờ giấc làm việc cứ răm rắp đến từng phút, theo Dêr kể thì “nếu chỉ cần đi chậm một phút là bị trừ lương”. Dêr không thể quen với chuyện này. Với lại làm việc luôn tay nhưng mức lương trung bình chỉ nhận được 800 USD/tháng, sau khi trừ tiền thuê nhà, ăn uống và các dịch vụ thiết yếu khác, tiết kiệm lắm cũng chỉ còn dư 200 USD/tháng. Số tiền dư nếu so sánh với giá năm USD/tô phở ở bên Mỹ thì chẳng bõ bèn gì! Còn nếu rủ vài người quen đi nhậu sương sương thì coi như hết sạch. Vài tháng, nửa năm, tiết kiệm lắm Dêr mới gửi về cho vợ con được 200-300 USD. Ở đất Mỹ, nếu không có tiền thì không thể bảo lãnh cho vợ con sang bên ấy nên Dêr đành bó tay.
Tâm sự với chúng tôi mà khuôn mặt Dêr vẫn đọng lại những nỗi buồn: “Lúc đầu, tôi tưởng sang đó sẽ nhận được sự đãi ngộ lớn lắm, vì mình đi theo diện HO, ai dè sang đó cũng chỉ là thằng làm thuê đủ ăn. Bên cạnh không có bà con thân thuộc, bạn bè, nên cái bụng cứ buồn mông lung khó tả. Những món ăn quen thuộc (cơm lam, thịt nướng, kiến vàng, cà đắng, rượu cần...) đã không còn trong bữa ăn hàng ngày, cứ nhớ đến là ứa nước mắt!”. Đi làm về mệt, Dêr và Y Klam chỉ biết vùi đầu vào ngủ hoặc xem tivi, Chủ nhật đi lễ ở nhà thờ Thiên Chúa giáo (dành riêng cho người Việt Nam)...
Cái buồn càng dồn nén vì: “Ngày xưa tôi đang học lớp 3 thì nghỉ, khi sang bên ấy cố đi học tiếng Anh (người Việt Nam dạy) mà cái chữ chẳng nhét vào cái đầu được. Không biết chữ thì đâu dám đi chơi, tiền lại ít, nhiều lúc muốn đi dạo xa một chút nhưng chỉ sợ gặp bọn say rượu, bọn đầu gấu tóm lấy gây sự, rồi cho no đòn...”.
Như con chim nhốt trong lồng lâu không thể chịu nổi, có một vài lần Dêr phải “vùng ra” đi thăm A Srơ (người Bahnar, quê ở Kon Tum). Để đến thăm gia đình A Srơ được phải đi ôtô mất hơn một giờ đồng hồ. Cái thú là khi đến nhà A Srơ thì tha hồi nói tiếng Bahnar mà A Srơ thì bị tật nên buôn chuyện mãi cũng không chán. Đến đó không những được uống rượu, hát cho nhau nghe (tuy không có cồng chiêng) mà còn được nghe tiếng trẻ con khóc cười và được ăn bữa cơm quây quần đầm ấm đúng ý nghĩa gia đình Việt Nam...
Càng lâu, nỗi bức bối vì cô đơn, trống vắng nơi xứ người cứ bám đuổi suy nghĩ, nỗi nhớ nhà, bạn bè, buôn làng ruột thịt như có ai đó đang cào xé trong bụng. Hôm đó, Dêr nói ý định của mình với mọi người là muốn được về làng. Vì nếu có cố nữa, không khéo Dêr phải... làm ma ở xứ người.
Ngày về
Xa quê mới hơn hai năm mà khi quay về, Dêr thấy buôn làng đã đổi thay quá nhiều. 100% đường làng đã được đổ bê-tông phẳng lỳ, điện thắp sáng kéo về từng nóc nhà, nhà mới thi nhau mọc lên san sát...
Khi ông “Việt kiều” về đến nhà, bà con trong buôn kéo đến chật cứng vòng ngoài, vòng trong. Ngoài tình cảm làng xóm lâu ngày mới về, ai cũng muốn dò xem Dêr có đem về nhiều tiền “đô” không. Chỉ đến khi nghe Dêr nói chỉ có vẻn vẹn 1.000 USD thì ai nấy im lặng nhìn nhau, rồi phân bì “chưa bằng một nửa mùa bắp của mình ấy mà!”.
Ba tháng sau ngày Dêr trở về, vợ Dêr lăn ra ốm đau rồi về với Yàng. Nếu như nghe lời người ta ở bên ấy thêm ít năm nữa rồi về thì Dêr chẳng bao giờ còn cơ hội để nhìn thấy mặt vợ. Dêr nghĩ mình còn may và nhớ về người bạn K’lam hồi ở cùng bên Mỹ. Chỉ bị ốm đau nhẹ nhưng không có người thân chăm sóc, tiền bạc không có nên anh đã bỏ xác nơi xứ người. Phút cuối đời không được nhìn mặt vợ con, không một ai viếng khóc. Mặc dù lúc về Dêr đã thuyết phục K’lam cùng về nhưng K’lam cứ cố nán ở lại vài năm nữa để kiếm thêm ít tiền nên cơ sự mới buồn đến như vậy.
Nhiều bà con họ hàng gia đình Dêr cho biết: Từ ngày trở về, Dêr vẫn giữ được đức tính quý giá của người Bahnar: cần cù, chịu khó, hăng say lao động sản xuất, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng; đến bây giờ kinh tế của ông đã khá, ông còn giúp đỡ nhiều người tăng gia sản xuất, giải quyết nhiều vụ việc “cơm không lành, canh không ngọt”, loại bỏ nhiều hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng... Thu nhập của gia đình đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Dêr cười: “Nếu so sánh ra đâu có thua gì thu nhập bên Mỹ mà lại được ở cùng với người thân trong gia đình... Cái lẽ sung sướng đơn giản ấy đúng chỉ có ở trong buôn làng ruột thịt của mình mà thôi!”.
Hăng say việc nương rẫy, nhiệt tình tham gia công tác xã hội, sống có uy tín, cuối năm 2007 Dêr được dân làng Plei Bông bầu làm già làng, trách nhiệm nặng nề hơn với buôn làng. Nghe nói về chuyện có một số người nhẹ dạ cả tin ở một số nơi bị kẻ xấu lừa phỉnh vượt biên trái phép với giấc mơ hão huyền: không làm mà được sung sướng, được ở trong nhà lầu, xe hơi..., Dêr rít một hơi thuốc khét lẹt, chậm rãi nhả lên trời, xua tay: “Cái quy luật ở đời là phải có làm thì mới có ăn, đừng mơ tưởng viễn vông! Ở bất kỳ nơi nào, cái giàu nó nằm ở hai bàn tay và khối óc của mình, chỉ có ham học, ham làm thì mới giàu có được, đừng nghe lời kẻ xấu xúi giục để làm hại chính cuộc đời mình. Không có ở nơi nào sướng bằng nơi cha sinh mẹ đẻ đâu...”.
Đến nay, cuộc sống hầu hết các gia đình làng Plei Bông đã khá hẳn lên. Chẳng ai để ý đến chuyện vượt biên trái phép để chạy theo giấc mơ hão huyền. Họ cứ ngẫm từ chuyện “đến xứ người” tìm vận may của Dêr mà chọn con đường đúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận