18/02/2018 17:27 GMT+7

Từ bỏ - một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

NGUYỄN NGỌC TƯ
NGUYỄN NGỌC TƯ

TTO - Lần đó đi thăm cậu Năm, ông ngoại dắt tôi theo. Chín tuổi, tôi nhỏ nhất nhà, từ khi sinh ra chưa từng gặp cậu.

Từ bỏ - một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư - Ảnh 1.

Minh họa: VŨ ĐÌNH GIANG

Nghĩa là chín năm đôi bên không qua lại, hoặc bảy, nếu trừ cái lúc tôi quá nhỏ, không nhớ từng được cậu nựng bồng. Nhưng đứng trước cánh cửa vừa xịch mở, tôi chào người ta chẳng chút đắn đo:

"Con thưa cậu".

Sau này nhớ lại, tôi tự hỏi trước buổi thăm đó, ông ngoại đã làm gì tôi, khắc khảm kiểu chi mà thằng nhỏ không chút bối rối nào khi đứng trước người đàn bà mảnh khảnh. Sao nó có thể chắc chắn đây là cậu mình, và là nhân vật chính đắng cay trong những câu chuyện thường ngày của ông ngoại.

"Sao, ngó cậu thấy giống trong hình không?", ông ngoại bôi bàn chân chỉ còn bốn ngón lên tấm thảm mịn tựa lông mèo hỏi.

"Y chang, chỉ tóc dài hơn", tôi xướng theo luôn, khi sửa lại chiếc dép tổ ong của mình sao cho thẳng hàng với đôi giày cao gót cậu Năm đặt sát tường. Giày đỏ, mũi thuôn như mũi chiếc xuồng, và nhỏ nhắn tới mức tôi không hình dung được có đôi chân nào vừa với nó.

Hơi mất tự nhiên với hai người khách không mời, chóp mũi cậu tôi nở mấy đốm mồ hôi. Ký ức có hình ảnh đó, nhưng tôi ngờ nó đã bị chỉnh sửa. 

Bởi đứa trẻ đâu kịp ngó vẻ mặt chủ nhà, vì bận phải xuýt xoa những hoa trong bình, những rèm voan trắng như sữa viền tua rua đỏ, những bức tranh thêu chữ thập trên vách. 

Gần cửa sổ có cái xích đu tổ chim, ngay bệ tường có một ly cà phê uống dở, vẫn thấy qua ánh sáng mấy gợn khói mỏng dờn. 

Thằng nhỏ quýnh lên, nó nôn nao muốn trèo vô tổ chim đong đưa, nhưng ngại người đầy mồ hôi sẽ làm nát hết mùi thơm thoảng trên gối tựa. Sợ những thứ tinh sạch ở đó sẽ

bị hai ông cháu nhà quê luốc lem cám gạo làm cho xỉn màu.

Chỉ có một thứ trong ký ức đáng tin, là mọi thứ trong căn chung cư đó đều thanh tú, như chủ của chúng. 

Còn lại ý thức bẻ cong, kể từ khi tôi biết nhà bên ngoại mình có một người đàn ông tự biến mình thành phụ nữ, và ông ngoại không bao giờ chấp nhận chuyện đó, kể cả khi ông chẳng thể ngăn cản được những cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, những đẽo gọt, điêu khắc lại một hình hài. Sâu đã thành nhộng, hóa bướm bay đi, ông ngoại vẫn giữ chiếc kén chết khô, hi vọng còn sót chút gì trong đó.

Và ông đã tuyệt vọng biết bao nhiêu, khi kéo cả một đứa con nít mới chín tuổi vào làm đồng minh. Má và mấy dì tôi đã chịu thua, từ bỏ khi hay cậu Năm về xã làm thủ tục thay tên. Nghe anh nhân viên hộ tịch kể, cậu đòi được lấy tên Mộng Yên, nói thêm, "họ gì cũng được".

"Giỡn hoài, cái họ quan trọng vậy, gì cũng được là sao?", khi đó anh nọ cự.

 "Cha tôi họ Nguyễn", cậu nói, sau một lúc tần ngần. Có con sông Vàm chảy trước ủy ban chứng kiến, kẻ ném cái tên cũ vào đáy nước đã quay bước dứt khoát, không ngoái nhìn một lần nào giây phút nó chới với rồi chìm dần theo những sủi tăm. Chỉ còn cái họ, giữ lại cũng là miễn cưỡng.

Bữa đó cậu không ghé qua nhà, đón xe đò đi thẳng về Gòn Phố. Dì Út tôi đi chợ ngược chiều xe, tình cờ nhìn thấy, quýnh lưỡi kêu anh Cường ơi, nhưng chỉ có những hành khách xa lạ day mặt ra dòm, có gã còn chòng ghẹo "về nấu cơm tắm rửa chờ anh".

Hay được cái tên cuồn cuộn cơ bắp đàn ông đã đuối nước chết trôi, ông ngoại nổi khùng, không ngừng gây chiến. Cả nhà không rõ xảy ra gì trong những cuộc gặp tay đôi, chỉ biết sau những chuyến đi thăm cậu về, ông mệt muốn đứt hơi bởi đường xa và cay đắng, khi thấy con gái trèo thang sửa ống khói, trong lúc thằng rể ôm gà đi cáp độ ở tận miệt nào.

"Cái thằng khốn trời đánh", ông ngoại rủa, nhưng cả nhà biết câu đó không dành cho ông rể mê chơi, ngay từ đầu bị coi là người ngoài, mà cho thằng con trai đang ở đâu đó, hoặc vừa trải qua ca phẫu thuật đau đớn nữa hoặc đang ngồi trước gương tỉa lại chân mày. 

Có trời mới rảnh mà ngồi đếm, má với hai dì tôi phải làm bao nhiêu thứ nặng nhọc để duy trì nhà máy chà gạo, loại công việc không dành cho người tay nhỏ chân mềm. Phải chi có đàn ông trong nhà, dù thể tích ngang nhau, nhưng đứng cạnh bàn gằng anh ta cũng không đến nỗi nào nhỏ bé.

Nghĩ, chắc vô vọng lắm ông ngoại mới rủ tôi theo. Nhưng thằng bé chín tuổi không có nghĩa là vô hại, những cú ra đòn của nó dù ngây thơ, đã làm ông ngoại nhiều lần đắc ý.

"Cậu diện áo đầm đi dễ té, sao không mặc quần hai ống giống như con cho gọn", tôi nói. Những câu nói nhân danh tình thâm được rải lền khên trong suốt mấy ngày chúng tôi ở lại nhà cậu Năm. 

Buổi sáng, ông ngoại đưa tôi tới bệnh viện rửa tai, dĩ nhiên viêm tai giữa thì bác sĩ ở trạm xá xã nhà lo được, nhưng ông ngoại còn muốn ở lại rề rà mấy chuyện cũ èo,

"Cậu mầy hồi nhỏ có tên trong đội banh của trường".

"Ở nhà còn giữ cái hình đó, cậu ôm trái banh, đen thui, được cái hàm răng trắng".

"Nó đánh nhau cũng dữ".

"Đánh không thắng thì cắn, má con kể vậy. Đâu phải nhỏ con là dễ bị ăn hiếp đâu".

"Bởi vậy".

Sau này tôi ngờ rằng ông ngoại khơi chuyện cũ không phải để đánh thức một phần đời bị cậu Năm ruồng bỏ, chỉ là ông muốn nói rằng mầy có thành tiên thành quái, thì cũng không chối được đã từng là thằng nhỏ ở truồng tắm sông. Thoát cách nào, con?

Hai ông cháu tôi đi xe đêm tới nhà cậu buổi sáng, buổi chiều ông ngoại làm quen hết xóm giềng chung cư. 

Nghe nói mấy chỗ ở trước của cậu Năm sang hơn nhiều, nhưng cái giá tạo tác các đường cong, hố sâu của một người đàn bà thì đắt đỏ, cậu buộc đổi nhà. 

Chẳng lý do nào có lý hơn, để giải thích sao một người mảnh khảnh như cậu lại ở một chung cư không thang máy, rác thò ra khỏi miệng thùng, âm thanh những cánh cửa khép mở cứ nghiến sít trên nền gạch, và những người vô công rỗi nghề suốt ngày tụ tập ngay quán nước tầng trệt tòa nhà, bàn tán chuyện bà già tầng ba cặp bồ với thằng con nít, ai đó ở tầng năm bị ếm xì bùa. 

Một chỗ quá lý tưởng để ông ngoại tuyển mộ chiến binh, những người không bao giờ tiếc thời gian và nước miếng.

"Thằng Cường con tôi thấy vậy thôi, chớ hồi chưa chuyển giới nhìn nó ngầu lắm", ông ngoại nói, giọng va vào những bức tường dội ra sân nắng, nơi có hồ nước thả bèo hoa dâu và mấy băng đá sứt mẻ đặt quanh, suốt chạng vạng là chỗ của những đứa trẻ bị ép ăn, cùng với những bà mẹ bưng chén cơm rượt đuổi theo không mệt mỏi.

Chỉ cần một chi tiết làm mồi, là khói thị phi tỏa khắp chung cư. Người ta hít hà, kêu có cho vàng họ cũng không dám tin con nhỏ từng là đàn ông, người làm xây xẩm nhiều gã chồng trong tòa nhà, và những bà già hay đưa chuyện cứ tò mò sao cô ta không tham gia mấy cuộc thi sắc đẹp, hay ít nhất cũng phải đóng phim.

"Làm đàn bà khổ thấy mồ, thiệt không hiểu ham gì mà bất chấp", một thím thở hắt.

"Bởi vậy", ông ngoại tôi nhanh chóng chụp bắt lấy cái ngậm ngùi của người đem vào câu đầu môi.

Đặt cậu tôi vào trung tâm chung cư, ông ngoại tôi thành công quá sức. Ngó cậu bằng ánh mắt như tò mò như thương xót, có thím còn sấn lại sờ nắn khuôn ngực vểnh lên sau làn áo, khen mềm y như thật. Mặt tràn đầy độ lượng, cậu chỉ cười, bỏ đi. Sâu trong mắt có thê lương, nhưng khó phân biệt ấy dành cho người hay cho mình.

Chi tiết đó tôi không tin lắm, con nít biết gì mà nhìn đáy mắt. Cũng như chuyện xảy ra ở bancông, của buổi sáng ngày thứ ba chúng tôi làm khách. Tự dưng ông ngoại lên cơn lịch sự, mở cửa bước ra bancông hút thuốc, sau mấy bữa làm vữa không khí trong nhà bằng thứ khói hôi xì. 

Cậu tôi đứng ở kệ sách ngó theo, mắt bỗng rực lên rồi tối rộ, cảm giác thứ ý nghĩ đen nào đó tràn rìa não. Ngoài kia ông ngoại đi tới lui, phà khói vào mấy chậu đỗ quyên, bằng tất cả căm ghét, như ghét những gì quá sức đàn bà ở trong căn nhà cậu. 

Không thể đập phá tất cả chúng, đâu thể vờ như lỡ tay quá hai lần sau khi cho về cát bụi chậu cỏ gương và bình bông màu trứng sáo, ông phà khói thuốc vào những thứ chẳng tội gì. Và khi ông bước tới lan can, xoay người, định tựa lưng vào đó, cậu tôi thảng thốt kêu,

"Đừng cha, rào gãy!".

Nói gãy cũng không chính xác, dải lan can được làm bằng sắt, lâu ngày gỉ sét, đứt chân, dù vẫn đứng sững. Sẽ khó thấy chỗ đứt ấy bởi đã bị những chậu cây nhỏ che khuất, nhưng chỉ cần tì người vào cầm chắc rơi từ tầng hai xuống đất. 

Độ cao đó không làm ai chết, nhưng chẳng gì bảo đảm người già nào đó không bị gãy chân, giập xương sườn. Gãy xương không chết, nhưng cần rất nhiều thời gian để lành, và quãng thời gian ấy người ta chẳng thể ngồi xe đò đường dài đuổi theo một bóng mây.

Những gì tôi nhớ về chuyện xảy ra ngoài bancông sáng ấy, ngờ là nó xảy ra rất nhanh, ông ngoại bước ra ngoài, cậu kêu lan can gãy, ông không cảm ơn mà còn day qua cạu nhạu sao không kêu thợ sắt sửa lại, để vậy chết như chơi. 

Hoàn toàn không có thời gian cho một người trưng bày cái nội tâm phức tạp, trước cơ hội được tự do sống trong hối lỗi.

Từ ngờ ký ức mình, tôi không tin hồi ký. Một ông già kể lể tuổi thơ buồn tủi, vào đúng thời điểm đó, thằng nhỏ có tan nát vậy không, hay nó chỉ buồn chút rồi quên, mê chơi vô lo, giống như bản chất của mọi đứa trẻ.

Mấy ngày ở lại chơi nhà cậu Năm, mỗi ngày tôi phản bội ông ngoại mấy lượt. Tôi gần như bị khuất phục hoàn toàn bởi một thứ lúc nào cậu cũng sẵn: mùi thơm. 

Không phản đòn khiêu khích của ông ngoại (với sự trợ giúp vô tình của tôi), cậu chừng như chẳng chống trả, chỉ cười nhẹ và thơm nhẹ. Cái mùi thơm của thịt da, như được tiết ra từ tủy xương, khiến tôi tò mò muốn chết, theo hỏi hoài, cậu làm sao mà thơm được vậy.

"Làm đàn bà", cậu tôi nói, mắt ngó ông ngoại, hơi mỉm cười. Câu trả lời chắc chắn chẳng dành cho con nít.

Nhớ cậu, trong tôi không phải là không có chút cảm giác tình thân. Cậu không chê tôi hôi sình, hay kéo vào lòng, chải mớ tóc cháy nắng. Bất chấp tôi gọi cậu ơi à giữa đám đông, gặt bộn cái nhìn chưng hửng, buổi tối nào cậu cũng dẫn tôi đi ăn kem ở ngã tư Bốn Ngựa. 

Những ngón tay thuôn muốt mà tôi nắm lấy lúc qua đường luôn làm tôi căng thẳng, chúng mềm như của một đứa trẻ, nhìn rất thật ở những mạch máu nhỏ hiện ra rồi biến mất vô chừng, và gần như không nhận ra đoạn khớp nối giữa các đốt bằng mắt. 

Dứt khoát những ngón tay không phải ông bác sĩ nào tạc nên, tôi nghĩ vậy, lần đầu tiên nghi ngờ chuyện ông ngoại nói, "trên người cậu Năm mầy thứ chi cũng giả".

"Đâu, cũng có thứ thiệt, giọng nói thiệt", bữa đó má tôi phụ thêm.

Nhưng giọng nói, chính là thứ duy nhất tôi nghi giả, bởi cái chất âm luôn bị gia giảm, bóp méo kiểu gì, khiến lời nhỏ nhẹ quá mức, chừng như không thực, buông ra trong trạng thái buộc lòng. Trái cây buộc lòng phải chín, dù có ngọt thì cũng thớ lợ.

"Thấy vậy chớ cậu mầy ca thần sầu lắm", vào buổi tối thứ ba làm khách trong nhà cậu, ông ngoại nói trong lúc ngồi gỡ lớp da nẻ ở gót chân. Những lúc đó trông ông mơ màng, và nói thứ chi cũng có vẻ bâng quơ.

"Giọng vậy sao ca được?", tôi cãi, nhiều lúc tôi thấy ông ngoại không đáng tin.

"Không tin kêu cậu mầy ca thử".

Bữa đó cậu có thể từ chối, kêu không thuộc bài nào, hoặc đau họng hết hơi, kệ tôi kèo nài bởi muốn chứng minh ông ngoại đã sai. Nhưng cậu nựng bó nọng dưới cằm tôi, nói luôn, ừ thì ca. Đoạn tuyệt, tôi nhớ tên bài hát, dù sau này phát hiện có tới vài ba Đoạn tuyệt, và tôi không phân biệt được bữa đó cậu Năm ca bài nào. 

Cả nỗi buồn trong từng bài hát cũng khiến tôi bị nhịu lẫn, bởi đoạn tuyệt thường y hệt nhau, nhiều đau đớn. Rất có thể cậu ca bài vu vơ nào khác, chẳng ẩn dụ gì, nhưng ý thức đã thay bằng một Đoạn tuyệt mang tính biểu tượng cao hơn, hợp với hoàn cảnh hơn.

Khỏi nói giọng ca cậu làm tôi thất vọng cỡ nào. Vỡ nát ở những nốt cao, và mất hút ở đâu khi ngang qua chỗ thấp. Vừa cất giọng lên là bao nhiêu xinh nhỏ trên người cậu bị ngờ vực ngay lập tức, sao những thanh tú ấy có thể phát ra âm thanh như vậy.

"Giọng này thần rầu chết ngựa, ai đâu mà sầu, ngoại?".

"Ờ, con gà trống, gáy sao cũng là tiếng gà trống", ông ngoại châm điếu thuốc, khoái chí cười. Lúc đó ông quên gà trống thiến thì không gáy. Tôi không nhớ sau câu nói ấy vẻ mặt cậu ra sao, nhưng có thể như mọi khi, cậu chỉ cười, độ lượng.

Sáng sau ông cháu tôi thức dậy không thấy cậu đâu. Trên tủ lạnh thấy dán tờ giấy ghi mấy lời nhắn rằng đồ ăn nấu sẵn trong tủ lạnh, khi ăn nhớ lấy ra hâm nóng. Cả ngày tiếp theo, cậu Năm cũng không về. Ông ngoại bồn chồn như vị tướng dẫn binh vào chỗ vườn không nhà trống, chẳng biết giặc chơi chiêu gì tiếp theo. 

Buổi xế trưa ngày thứ sáu, ngày mà ông ngoại không nói lời nào tọng quần áo ướt trên dây phơi vào giỏ dắt tôi ra bến xe, cậu Năm được bạn đưa về với cổ quấn băng trắng, người hơi xanh. Hỏi cậu bị sao, người bạn kia cười, "cắt dây nói". 

Hiểu lầm vẻ mặt ông ngoại tôi, người kia trấn an luôn, "tiểu phẫu thôi, so với mười mấy cuộc trước là đồ bỏ". Ông ngoại tôi nuốt nước miếng như nuốt khúc xương, ngó ra cửa, trước khi cậu Năm chìa cho tờ giấy nhỏ màu hồng,

"Cha về đi", cậu ghi. Chữ thanh tú, như người. Và không thiếu, thừa dù là nửa chữ.

Không hiểu sao lúc đó tôi linh cảm đây là lần cuối cùng ông ngoại và cậu gặp nhau, khi nhón chân ngó vào tờ giấy. Ông ngoại buông tay. Và cậu lại sắp đổi nhà, đến một nơi không ai biết cậu từng là ai.

Lúc đó tôi chín tuổi, gặp cậu Năm tôi lần đầu nhưng đã nhìn thấy hoạt cảnh của những lần tình cờ gặp lại sau này, tôi lạnh như không, và chúng tôi chào hỏi nhau hệt chưa từng quen biết.

NGUYỄN NGỌC TƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên