01/03/2017 09:49 GMT+7

Từ bỏ 8 “chuyện nhỏ” trên đường

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Tham gia diễn đàn Xây dựng văn hóa giao thông, bạn đọc Khánh Hưng nêu ra những hành vi nhỏ thiếu văn hóa của một số người khi chạy xe đã gây khó chịu, thậm chí nguy hiểm cho những người đi đường khác.

Một chiếc xe máy “cúp đầu” ôtô trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Một chiếc xe máy “cúp đầu” ôtô trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Dễ dàng nhận thấy nhiều hành vi vi phạm Luật giao thông như chạy xe trên vỉa hè, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, lấn làn... Đó là những lỗi sai mười mươi mà ai cũng biết.

Tuy nhiên thực tế có những câu chuyện thiếu văn hóa giao thông rất nhỏ, trong đó có những chuyện không được luật định để xử phạt mà phải tự ý thức của mỗi người để thay đổi.

Tôi đã liệt kê ra 8 hành vi mà tôi tin chắc rằng ai trong số chúng ta cũng một vài lần gặp phải khi ra đường, gồm có:

(1) Hút thuốc, gạt tàn khi đang chạy xe (cả người đi ôtô lẫn xe máy);

(2) Khạc nhổ bừa bãi khi chạy xe, người đi sau “lãnh đủ”;

(3) Bỗng nhiên rẽ ngang không xin đường;

(4) 3 giây đèn đỏ cuối cùng thì bấm còi ầm ĩ;

(5) Chạy nhanh qua vũng nước làm nước văng tung tóe vào người khác;

(6) Một tay chạy xe, một tay gọi điện thoại, thậm chí nhắn tin;

(7) Đường hẹp nhưng vẫn dàn hàng “tám” chuyện;

(8) Lỡ va chạm thì luôn cho mình đúng.

Tôi đã nhiều lần là “nạn nhân” của các hành vi thiếu văn hóa giao thông này, có hôm “dính” 2 đến 3 hành vi thiếu ý thức trên. Ví dụ như hôm chạy xe trên đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM), đang chạy thì phải lách ngang suýt ngã để tránh cú khạc nhổ của người đàn ông chạy xe phía trước.

Rồi đi ngang qua vũng nước, tôi đã cố gắng đi chậm lại thì một người khác rồ ga vượt qua, thế là tôi “lãnh đủ” với nước tung tóe tạt vào người.

Tôi cũng đã từng chứng kiến cảnh một người phụ nữ té ngã vì người đi trước đột nhiên rẽ ngang mà không hề xin đường.

Tôi cũng từng thấy nhiều người giật mình rồi bực bội khi còn đang chờ đèn đỏ mà phía sau có người bấm còi inh ỏi hối chạy, thậm chí còn dùng lời lẽ khiếm nhã để chửi rủa người phía trước không chịu vượt đèn.

Hoặc một vài trường hợp khi lỡ va chạm trên đường, mặc dù họ rất sai nhưng luôn cố gắng lớn tiếng cho rằng mình đúng, dọa nạt, thậm chí đòi đánh người khác.

Tám hành vi thiếu văn hóa trên xuất hiện rất nhiều trên đường phố, mà có lẽ chúng ta vài lần nào đó (dù vô tình hay cố ý) đều là “thủ phạm”.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy và chấp hành những hành vi bị phạt tiền khi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay lấn làn... Nhưng chúng ta “quên” đi những hành động nhỏ mà gây khó chịu, thậm chí nguy hiểm cho người đi đường khác.

Văn hóa giao thông hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Mỗi người không nên đợi luật định rõ ràng, chi tiết cho những hành vi nhỏ đó mà cần phải thay đổi cho chính bản thân mình để chấm dứt những chuyện nhỏ không nên làm này lúc đi đường.

Còn du di là còn phạm luật

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của bạn Quang Kiệt trong bài viết “Ra đường là thấy phạm luật” tham gia diễn đàn ngày 28-2: “cần xử phạt thật nặng các hành vi vi phạm Luật giao thông”.

Một khi sự du di, nhượng bộ của người thực thi pháp luật vẫn còn thì không thể trông chờ văn hóa giao thông xuất hiện.

Có lần tôi đi xe ôm từ ngã ba Võ Thị Sáu đến vòng xoay Cách Mạng Tháng Tám - Lý Chính Thắng, do nhiều ôtô lấn vào làn đường dành cho xe máy nên người chở tôi định leo lên lề đường để đi cho nhanh (chỉ mất hơn 5 phút), nhưng tôi yêu cầu phải đi đúng luật nếu không sẽ xuống xe (dù mất tới gần 20 phút cho đoạn đường hơn 2km).

Trong trường hợp này, nếu chúng ta xử phạt nghiêm minh thì chắc chắn không ai dám nghĩ đến cái lợi trước mắt để làm chuyện vi phạm là leo xe lên vỉa hè.

Những ai có dịp đi xe máy từ hướng ngã tư Thủ Đức đến khu du lịch Suối Tiên vào giờ tan tầm chắc không lạ gì cảnh nhiều công nhân từ khu công nghệ cao ra về đi bộ cắt qua xa lộ để “tiết kiệm” 200m so với đi đúng luật để vào đường Nam Cao.

Hành vi này sai luật là đương nhiên, nhưng tai hại hơn là nó đe dọa sự an toàn của chính họ khi các xe qua đây thường chạy với tốc độ cao. Nếu ở đây luật được áp dụng nghiêm, tôi chắc sẽ không có sự vi phạm này.

Tại nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, để có được ý thức tự giác cao của người dân như hôm nay, họ cũng phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó luôn có sự nghiêm khắc trong xử lý vi phạm.

Mặc dù ngày nay nhận thức của người dân nước họ đã tốt nhưng họ vẫn phải duy trì các hình thức xử phạt đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Điều cần tác động vào mọi người là thượng tôn pháp luật phải được xem như một việc đương nhiên.

Thực thi pháp luật để giữ lấy văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử không bao giờ là muộn và thừa.

Cách đây hơn 10 năm, khi chúng ta triển khai xử phạt người đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có nhiều người từng bi quan “phạt sao xuể?”. Vậy mà giờ đây chuyện đội mũ bảo hiểm lúc đi xe máy với đa số người dân TP.HCM đã là tất yếu, không có thì không chịu được.

HỮU CHƠN (TP.HCM)

Diễn đàn Xây dựng văn hóa giao thông đã nhận được bài viết tham gia của các tác giả: Quang Kiệt, Trần Văn Tám, Phạm Sông Lam, Đỗ Tuân Sắc, Hữu Chơn, Trần Văn Tường, Khánh Hưng, Ngọc Lợi, Trịnh Hiếu Thuận, Tấn Khôi, Tấn Đạt (TP.HCM), Trương Nhất Vương (Đắk Lắk) và video clip của bạn Võ Minh Tú.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được nhiều ý kiến, hình ảnh, video clip đóng góp, hiến kế, phản biện của bạn đọc trong và ngoài nước liên quan đến nội dung trên. Mọi tin bài, thông tin liên hệ xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên