Từ Ấn Độ đến Cần Thơ học làm bác sĩ

THÁI LŨY 01/08/2024 06:11 GMT+7

TTCT - Hình ảnh những sinh viên người Ấn Độ quanh trường Đại học Y Dược Cần Thơ trở thành quen thuộc với người đân nơi đây từ một năm nay.



Trước đây khi thấy những bạn trẻ Ấn Độ đi bộ quanh những tuyến đường gần Trường đại học Y Dược Cần Thơ, người dân ở đây nghĩ họ là khách du lịch. Nhưng ngày qua ngày trong hơn 1 năm nay, người dân địa phương đã quen mặt và biết họ là sinh viên Ấn Độ đang theo học bác sĩ tại Đại học Y Dược Cần Thơ.

Từ Ấn Độ đến Cần Thơ học làm bác sĩ- Ảnh 1.

Các sinh viên Ấn Độ trong giờ lên lớp ở Trường đại học Y Cần Thơ. Ảnh: THÁI LŨY

Từ những bỡ ngỡ ban đầu…

Trong năm học 2023-2024, Trường đại học Y Dược Cần Thơ (CTUMP) tuyển sinh hơn 4.000 sinh viên bậc đại học và sau đại học, trong đó có 200 sinh viên Ấn Độ theo học ngành bác sĩ y khoa.

Gajendrabalu Joshna - nữ sinh năm nhất ngành bác sĩ y khoa - nhớ lại những ngày đầu làm quen với môi trường học tập, sinh hoạt mới ở Cần Thơ của cô. "Đúng là khó khăn đủ thứ, chưa quen ngôn ngữ giao tiếp, nơi ăn ở, phong tục tập quán khác nhau, tôi nhớ nhà. Nhưng giờ đã vượt qua, tôi đang tham gia lớp học tiếng Việt của trường và học thêm tiếng Anh. Tôi có kế hoạch học tập cụ thể cho từng môn", cô nói. Cô chọn tới đây theo ngành bác sĩ y khoa vì đam mê chuyên ngành này, học phí phù hợp với khả năng tài chính của gia đình (học phí và sinh hoạt phí ở đây thấp hơn so với Ấn Độ).

Những sinh viên Ấn này đến từ nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ, thông qua kết nối của công ty du học. Họ vừa trải qua năm học đầu tiên tại một vùng đất xa xôi. "Tôi chọn học y khoa tại đây vì khi ở Ấn, tôi đã tìm hiểu về chất lượng đào tạo y khoa của trường. Môi trường học tập cho sinh viên quốc tế ở đây cũng khá tốt, do thu hút nhiều sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau nên môi trường học tập đa văn hóa, chúng tôi có cơ hội giao lưu, học hỏi và mở rộng tầm nhìn" - Saloni Piyush Mandviwala, sinh viên lớp y khóa 48, chia sẻ.

Nhưng ban đầu, việc khởi sự đào tạo cho sinh viên Ấn Độ không hề dễ dàng đối với cả đội ngũ lãnh đạo và giảng viên. Ngôn ngữ là rào cản chính, gây khó khăn trong việc giảng dạy và giao tiếp hằng ngày. Các vấn đề hành chánh và thủ tục cũng phức tạp hơn do sự khác biệt trong quy định và quy trình giữa hai quốc gia, chưa kể những khác biệt về văn hóa.

Các sinh viên Ấn còn phải vượt qua những khó khăn đi lại vì họ phải di chuyển nhiều trong thành phố để tham gia các hoạt động học tập và thực hành lâm sàng. Thiếu ký túc xá cho sinh viên cũng là một vấn đề, khiến sinh viên khó tìm chỗ ở phù hợp và tiện lợi.

"Tiếng Anh là ngôn ngữ chung để giảng dạy và học tập, nhưng đây đều là ngoại ngữ với thầy cô và cả sinh viên, nên giao tiếp có phần hạn chế - tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hân, phó trưởng khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học, giảng viên bộ môn điều dưỡng đa khoa hệ nội, cho biết - Kế đó là do khác biệt về văn hóa nên giao tiếp đôi khi chưa đạt hiệu quả, nhất là khi trao đổi, thảo luận giải đáp thắc mắc trong quá trình học. Trong quá trình giảng dạy, đến phần chuyên ngành, giảng viên sẽ đưa ra các ví dụ gắn liền với lâm sàng, về hệ thống y tế ở Việt Nam, sinh viên nước ngoài có thể sẽ khó hình dung hơn". Giao tiếp giữa sinh viên Ấn với các cán bộ giảng dạy thực hành và bệnh nhân cũng là một thách thức đáng kể khác.

PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết dần dà họ tìm được cách vượt qua khó khăn ban đầu là rào cản ngôn ngữ, chỗ ở, điều kiện sinh hoạt, và đang tìm cách giải quyết một số khó khăn mới. Những học phần về quốc phòng, tìm hiểu văn hóa Việt Nam, thực hành lâm sàng… vẫn đòi hỏi sự thích nghi lớn từ phía sinh viên Ấn Độ.

Nhà trường đã tổ chức cho sinh viên Ấn Độ ở tập trung tại các khu tập thể của trường để giúp họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích, vừa để tăng cường sự kết nối và hỗ trợ giữa các sinh viên với nhau. "Tôi tham gia các hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt chuyên đề văn hóa, tập quán do trường tổ chức để giao lưu với bạn bè quốc tế và Việt Nam. Những hoạt động này giúp tôi bớt căng thẳng và hòa nhập tốt hơn với môi trường học tập mới" - Gajendrabalu Joshna nói.

Những năm qua, Trường đại học Y Dược Cần Thơ đã đào tạo ngắn hạn và dài hạn các chuyên ngành sức khỏe cho nhiều sinh viên từ Mỹ, Chile, Anh, Bỉ, Úc, Ấn Độ… Hiện nay, trường đào tạo 10 ngành bậc đại học, 90 ngành sau đại học và hơn 100 chương trình đào tạo ngắn hạn. Năm học 2023-2024, CTUMP tuyển sinh khóa đầu tiên với 200 sinh viên Ấn Độ theo học ngành bác sĩ y khoa. Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, với 191 tín chỉ trong 6 năm, kết hợp thực tập lâm sàng tại các bệnh viện lớn ở TP Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để chuẩn bị cho thực hành lâm sàng cho sinh viên quốc tế, nhà trường đã ký kết các hợp đồng với các bệnh viện thực hành về tiếp nhận và đào tạo sinh viên quốc tế. Cuối học kỳ 3 (tháng 8-2024) các sinh viên Ấn Độ sẽ đi lâm sàng tại các bệnh viện. "Tôi sẽ trở về Ấn Độ sau khi tốt nghiệp - Gajendrabalu Joshna nói - để điều trị bệnh cho người dân quê hương mình. Tôi cũng muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm học được ở đây với các sinh viên y khoa ở Ấn".

Là trường đại học y dược lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, gần 45 năm qua (kể từ khi tách ra từ Khoa y - nha - dược thuộc Trường đại học Cần Thơ), CTUMP Cần Thơ đã đào tạo hàng chục nghìn cán bộ y tế cho vùng. Họ tin rằng trường có đủ nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác quốc tế, xây dựng chương trình chuẩn quốc tế thu hút sinh viên học viên các nước theo học, vì nguồn lực quan trọng là đội ngũ giảng viên đang có trên 85% có trình độ sau đại học. Tất cả các khoa và bộ môn đều có nhiều giảng viên từng học tập và tập huấn ở Hà Lan, Bỉ, Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… Trường cũng hợp tác và mời nhiều giáo sư của nhiều chuyên ngành từ Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, Úc… giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, các sinh viên Ấn sẽ được cấp bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa ghi 2 thứ tiếng (Anh và Việt) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các sinh viên Ấn Độ khi về nước sẽ dự thi hội đồng đánh giá năng lực và cấp chứng chỉ hành nghề y khoa tại Ấn Độ theo quy định hành nghề y của quốc gia. Việc công nhận văn bằng được thực hiện theo quy định của nước Ấn Độ.■

Trường đại học Y Dược Cần Thơ là thành viên liên kết mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN). Trong Bảng xếp hạng các trường ĐH Việt Nam năm 2023 (Viet Nam's University Rankings), trường ở vị trí 64 trong top 100.

CTUMP đang cùng Đại học Y Trung Sơn (Đài Loan) tuyển sinh thạc sĩ quản lý bệnh viện và cùng Đại học Prince of Songkla (Thái Lan) tuyển sinh thạc sĩ chỉnh hình răng hàm mặt.

Theo phòng đào tạo Trường đại học Y Dược Cần Thơ, học phí chương trình đào tạo sinh viên quốc tế, chương trình tiếng Anh của trường đối với các ngành bác sĩ y khoa, bác sĩ răng hàm mặt, dược sĩ đại học năm học 2024-2025 là 109.000 triệu đồng/năm (hơn 4,3 triệu đồng/tín chỉ).

Theo ông Lê Ngọc Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, Việt Nam có đủ điều kiện đào tạo y khoa cho sinh viên nước ngoài, bởi có khối giảng viên lâm sàng (vừa giảng dạy y khoa vừa làm việc tại các bệnh viện) rất mạnh, các trưởng khoa lâm sàng đều kiêm nhiệm giảng viên tại trường, giáo trình đã biên soạn tốt.

"3 năm nay chúng tôi đã yêu cầu các giảng viên giảng dạy bằng tiếng Anh. Các bác sĩ đa số đều học tiếng Anh để đọc tài liệu, học chuyên môn, nhiều người biết cả tiếng Pháp, nếu không sử dụng sẽ rất phí. Và nếu trong trường có sinh viên người nước ngoài thì sẽ có thêm cơ hội giao tiếp cho sinh viên trong nước" - ông Thành nói.

"Tất cả chương trình của chúng tôi đều đã có giáo trình tiếng Anh, chúng tôi cũng đã làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ để có những tìm hiểu trao đổi. Hy vọng cuối năm nay sẽ khai giảng 1-2 lớp bác sĩ đa khoa, 1 lớp bác sĩ răng hàm mặt cho sinh viên Ấn Độ. Cái tôi cần nhất bây giờ là có một ký túc xá tốt hơn cho sinh viên Ấn khi họ đến học" - ông Thành nói. Theo ông, dù học phí dự kiến áp dụng là 100 triệu đồng/sinh viên/năm, cao hơn so với sinh viên trong nước nhưng so với du học các nước khác thì lại rất rẻ, cho thấy Việt Nam có cơ hội cạnh tranh trong hướng đi mới này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận