Airbus 320, một trong những loại máy bay hiện đại đầu tiên mà Vietnam Airlines khai thác vào đầu thập niên 1990 - Ảnh: Vietnam Airlines
Năm 1995, Hãng Vietnam Airlines chỉ đón 2,2 triệu lượt hành khách, nhưng năm 2017 đã lên đến 21 triệu lượt. Cũng trong năm 2017, hãng làm lễ đón hành khách thứ 200 triệu
Sau tháng 4-1975, hàng không dân dụng quốc gia thống nhất chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Số máy bay dân sự ghế mềm của hãng bay Sài Gòn để lại gồm 14 chiếc kiểu DC và nhiều vận tải cơ các loại khác.
Trong đó có bảy chiếc DC3, năm chiếc DC4 và hai chiếc DC6, ngoài ra còn chiếc Boeing bị kẹt ở Hong Kong. Đồng thời, 2.166 nhân viên của Nha Hàng không dân sự, Nha Căn cứ hàng không Tân Sơn Nhất và Hãng Air Việt Nam (AVN) được gọi trở lại làm việc.
Đưa Air Việt Nam vào hàng không quốc gia
Chiến cuộc kết thúc, AVN cũng dừng hoạt động và toàn bộ hạ tầng hàng không miền Nam tạm tan rã, nhưng tất cả đều sẵn sàng tái hoạt động. Chính quyền mới đã tiếp quản 282 phi trường của Việt Nam cộng hòa.
Trong đó có chín phi trường cấp 1 với đường băng dài trên 3.000m, 81 phi trường cấp 2, 12 phi trường cấp 3 và 180 bãi hạ cánh. 11 phi trường có đường băng kiên cố bằng bêtông, 30 phi trường có đường băng bêtông trải nhựa, 53 phi trường có đường băng bằng ghi thép, 11 phi trường có đường băng bằng ghi nhôm.
Theo cựu phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cơ sở của AVN và toàn bộ những gì hàng không Sài Gòn để lại đã góp phần làm nền móng vững chắc để xây dựng và phát triển ngành hàng không quốc gia Việt Nam sau này.
Vấn đề khác biệt hoàn toàn này được chính ông Phan Tương, nguyên trung đoàn phó trung đoàn tiêm kích E923, giám đốc phi trường Tân Sơn Nhất thời kỳ tiếp quản, xác nhận.
Theo ông, đội ngũ cán bộ, phi hành đoàn miền Bắc thuần thục sử dụng hệ thống kỹ thuật hàng không Liên Xô. Tuy nhiên, khi vào Nam họ lúng túng với nền hàng không khác biệt trong đây.
Do đó, để tái khởi động hàng không miền Nam nhập cùng miền Bắc, đội ngũ làm việc cho hàng không Saigon trước 1975 đã được gọi lại, mà về sau được gọi chung là "nhân viên mới".
Một số lúc ấy đã di tản, nhưng nhiều người vẫn còn ở lại, nhất là đội ngũ Air Việt Nam. Họ thật sự đóng góp rất lớn trong việc tái khởi động hàng không miền Nam như đảm nhiệm kỹ thuật mặt đất, lái các máy bay hành khách DC, Boeing của AVN để lại, đặc biệt là giúp các phi công miền Bắc học chuyển loại máy bay...
Họ được bố trí chung phi hành đoàn với phi công miền Bắc, vừa chịu sự quản lý vừa hỗ trợ những phi công vốn chỉ quen hệ máy bay Liên Xô học chuyển lái máy bay Mỹ.
Phi công trẻ Vietnam Airlines đã sớm ngồi ghế lái máy bay hiện đai B777, B787, A350 - Ảnh: Vietnam Ailines
Phát triển nhanh
Sau thời gian bay phục vụ, cuối năm 1975 ngành hàng không xin phép Chính phủ cho bán vé hành khách và cước hàng hóa.
Đến tháng 8-1976, đề nghị này được chấp thuận, nới lỏng một chút điều kiện làm kinh tế cho hàng không. Đầu năm 1976, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam cũng được thành lập, quản lý tất cả 42 máy bay chở khách ghế mềm các loại có nguồn gốc từ Liên Xô lẫn Mỹ.
Để thể hiện chủ quyền quốc gia và thống nhất quản lý tất cả phương tiện bay của hai miền Nam - Bắc, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam quyết định thay đổi số đăng ký, sơn cờ và chữ trên tất cả máy bay dân dụng hiện có của mình.
Các máy bay đều có phiên hiệu là hàng ba con số và một trong ba chữ cái A, B, C tùy loại động cơ được lắp trên máy bay.
Chữ VN sơn ở đầu tiên, thể hiện quốc tịch máy bay của Việt Nam, sau chữ VN là gạch ngang rồi đến phiên hiệu như VN - B126. Quốc kỳ được sơn ở cả hai bên đuôi đứng của máy bay. Số đăng ký được quy định viết bên thân máy bay...
Chữ Việt Nam hàng không hay Air Vietnam với biểu tượng hình con rồng uốn lượn trên thân máy bay trước năm 1975 được xóa đi và sơn lại thành Hàng không Việt Nam.
Năm 1979 từ Hà Nội, hành khách đã có thể đáp chuyến bay đến Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Đà Nẵng, Vinh, Nà Sản, Điện Biên Phủ và ngược lại.
Hành khách từ TP.HCM cũng có thể bay đi Cần Thơ, Côn Đảo, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Pleiku, Cà Mau, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phú Bài, Gia Lâm...
Sau thời gian tái hoạt động, đội máy bay DC của AVN dần được loại biên vì đã cũ và không có thiết bị thay thế do cấm vận. Hàng không dân dụng còn lại chủ yếu các loại máy bay do Liên Xô sản xuất, mà phổ biến là những chiếc TU - 134.
Bắt đầu từ năm 1990, hệ máy bay phương Tây được dần trang bị với những chiếc ATR-72 đầu tiên, sau thuê thêm những chiếc Airbus 320, B767. Và năm 1995 là bước ngoặt quan trọng khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam được thành lập, tạo điều kiện cho hàng không Việt Nam phát triển.
Cựu phi công Nguyễn Thành Trung, từng được đào tạo từ Mỹ, đã ngồi ghế cơ trưởng chiếc B767 thay thế cho đội bay hỗn hợp với phi công nước ngoài trước đây.
Đặc biệt, cuối năm 1997, tốc độ trang bị máy bay phương Tây của hàng không Việt Nam được tăng cường khi những chiếc TU-134 của Liên Xô phải tạm dừng hoạt động vì xảy ra nhiều tai nạn.
Đây cũng là năm biểu tượng hình bông sen vàng trên máy bay sơn xanh bắt đầu được sử dụng để thay dần biểu tượng cũ là hình con cò trên vòng tròn hình mặt trăng...
Cuối năm 1992, đội phi công Boeing 777 với 49 phi công được thành lập. Cơ trưởng đầu tiên của loại máy bay hiện đại hạng nặng này cũng là Nguyễn Thành Trung với chuyến bay đúng ngày 30-4-2003 từ Nội Bài vào TP.HCM.
Và hiện nay, những máy bay mới nhất thế giới như B787, Airbus 350 cũng đã có mặt trong đội bay của Vietnam Airlines. Biểu đồ phát triển hãng hàng không quốc gia cũng rất ấn tượng với lễ đón hành khách thứ 200 triệu trong năm 2017.
Năm 1995 hãng chỉ đón 2,2 triệu lượt hành khách nhưng năm 2017 đã lên đến 21 triệu lượt...
Thu hẹp đường bay quốc tế
Sau năm 1975, đường bay quốc tế của Hàng không dân dụng quốc gia bị thu hẹp lại do điều kiện của ngành cũng như các định chế ký kết của chính phủ Sài Gòn đã mất hiệu lực.
Năm 1976, đội bay Việt Nam mới đi được Campuchia, Lào và Trung Quốc. Đến năm 1977 mới có thêm các chuyến bay thuê bao, chưa thường xuyên đến Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore.
Các tuyến bay quốc tế đường dài đến Paris, Matxcơva, Berlin (Đông Đức) hoàn toàn do các hãng Air France và Aeroflot khai thác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận