Nói đến lề thói cổ truyền của người Việt ta, không thể không nhắc tới cái sự ăn trầu, thưởng thức trà hay hút thuốc. Bởi những tục lệ, thói quen sinh hoạt thường ngày ấy đã được định hình từ rất lâu rồi.
Ở đây, riêng nói về cái sự nghiện thuốc lào, dẫu thời hiện đại này đã bị giảm dần, nhưng chưa mất hẳn, nhất là ở chốn thôn quê. Mà chẳng nói đâu xa, việc bệnh nhân COVID-19 hút chung điếu cày với 4 người khác ở Hà Nội vừa qua, cho thấy nơi trà dư tửu hậu, thói quen rít thuốc lào vẫn chưa mất hẳn.
Từ công dụng chữa bệnh đến nghiện hút
Về tác dụng của thuốc lào, được Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh) luận giải là: “Buổi đầu người ta cho thuốc ấy trừ được sơn lam chướng khí mà hút”. Từ sơ khởi có tác dụng chữa bệnh lạnh, dần dà việc hút thuốc trở thành thói quen, lâu dần thành nghiện.
Có lẽ vì vậy mà không phải ngẫu nhiên như Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính) cho hay thuốc lào còn có tên là “tương tư thảo”. Thế nên Đào Duy Anh mới ghi: “Có người nghiện nặng không thể nào bỏ được". Thậm chí đến như câu tục ngữ:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.
Vật dụng để hút thuốc lào phổ biến có điếu, đó là điếu cày bằng tre, điếu bát bằng sành, sứ và điếu dóng bằng gỗ hoặc ngà. Để hút thuốc, phải đổ nước vào điếu, lúc hút thì cho thuốc lào nhồi vào nỏ điếu rồi kê miệng rít, hoặc dùng điếu bát thì có cần cắm vào xe điếu.
Vì hút thuốc đến thành nghiện, nên mới có cảnh người hút không bỏ được, dù có ho rũ rượi, cũng cố hút 1 điếu. Đàn bà, con gái cũng có người hút đến nỗi như Phan Kế Bính ghi là “lắm người hút vào say đờ mắt ra một lát, mà vẫn không sao chừa được”.
Cái cảnh nghiện thuốc lào ở thôn quê Việt Nam đầu thế kỷ XX, được Đất lề quê thói (Nhất Thanh) ghi lại, cho hay là phổ biến ở đàn ông Bắc kỳ từ 17, 18 tuổi trở lên, còn miền Trung, miền Nam thì ưa thuốc lá. Theo Phan Kế Bính, dân quê Việt, trong nhà không thể thiếu cái điếu để cùng với miếng trầu, chén nước mở câu chuyện. Thậm chí người đi cày thì cũng cầm theo cái điếu mà kéo sòng sọc. Còn riêng kẻ sang trọng có đi chơi, thì đầy tớ cũng cắp tráp cùng điếu theo hầu. Thuốc lào đi vào thói quen sinh hoạt như vậy nên có câu:
Giàu thì cơm cháo bổ lao,
Khó thì đánh điếu thuốc lào cầm hơi.
Giải thích của Lê Quý Đôn trong ‘Vân Đài loại ngữ’
Là nhà bách khoa tri thức của thế kỷ XVIII, Quế Đường - Lê Quý Đôn (1726-1784) ngoài những tác phẩm liên quan đến lịch sử, phong thổ, thơ văn, ông còn có những tác phẩm mang tính tổng hợp nhiều lĩnh vực. Trong đó phải kể đến Vân Đài loại ngữ.
Tác phẩm này luận bàn về triết học, khoa học, văn học, vạn vật học… và với bộ "Bách khoa toàn thư" đầu tiên và lớn nhất Việt Nam thời trung đại này, vấn đề nghiện thuốc lào của dân Việt cũng được ông đề cập.
Nói tới loại hình “nhả khói” này, Quế Đường dẫn sách Tuy khấu ký lược câu đồng dao con trẻ thời Minh rằng:
Khắp thiên hạ quân binh đều khởi,
Cùng một nơi lửa khói bốc lên.
Thuốc lào, thuốc lá là thứ giúp trị bệnh hàn (lạnh). Bởi giá trị như vậy nên mới có thực tế là “vùng quan ngoại, thuốc lá rất quý, đến nỗi có người đem một con ngựa đổi lấy một cân thuốc lá”. Ấy là nói về Trung Hoa. Còn ở Việt Nam?
Nước ta vốn trước năm Canh Tý (1660) chưa có loại cây này. Vậy mà sau đó, dân tình đua nhau hút, rồi thành thói nghiện đến nỗi Nhà nước phải ra lệnh cấm. Vì sao vậy?
Vẫn theo giải thích trong Vân Đài loại ngữ, vốn nước ta không trồng thuốc lào. Năm Canh Tý (1660) đời vua Lê Thần Tông “người Ai Lao mới đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng”. Và kể từ đó, từ quan tới dân, kể cả đàn bà con gái tranh nhau hút. Đến nỗi có câu rằng:
3 ngày có thể không ăn,
Hút thì không thể cấm ngăn 1 giờ.
Cái thói nghiện hút thuốc ấy chỉ trong 5 năm đã lan tràn trong dân chúng tệ quá, đến nỗi triều đình thấy thế phải ra lệnh cấm. Cụ thể là:
“Năm Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã 2 lần xuống lịnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được”.
Sự nghiện của dân tình với thói quen hút thuốc lào kể cũng buồn cười lắm. Vẫn lời Lê Quý Đôn là người trực tiếp chứng kiến cho hay, người dân khoét cột tre làm ống điếu (có thể hiểu là điếu cày) và chôn sành xuống đất (có lẽ đây là loại điếu bát).
Có người hút mà tro thuốc gây nên hỏa hoạn. Lệnh cấm triều đình ra như vậy nhưng không dứt được, thành thử việc hút thuốc trở thành thói quen trong dân gian.
Sau này khi viết về tục hút thuốc lào ở nước ta, trong Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh luận giải “thứ thuốc này có lẽ là nguyên tự Ai Lao, do miền thượng du mà truyền sang nước ta, cho nên gọi là thuốc lào”.
Hút thuốc lào là một thói quen cũng như tục ăn trầu, thưởng thức trà, nhưng việc cứ người này kẻ nọ cùng kề miệng điếu mà rít thuốc, kể ra cũng mất vệ sinh quá!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận