28/11/2024 14:10 GMT+7

Từ 25-12, bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay trong năm 2024 đã có thêm 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép.

Từ 25-12, bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết các quy định mới về định danh, quản lý tài khoản mạng xã hội có hiệu lực thực hiện từ ngày 25-12 - Ảnh: MINH SƠN

Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý thông tin điện tử năm 2024, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết hiện nay tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản. Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng của nước ngoài khoảng 203 triệu tài khoản.

Việt Nam đang có 1.056 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động

Trong đó, số người dùng Zalo hằng tháng (tính đến cuối tháng 6-2024) là 76,5 triệu người. Số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và TikTok là 67 triệu người. 

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, như vậy đến thời điểm hiện tại, nền tảng Zalo có số tài khoản đăng ký sử dụng dẫn đầu tại Việt Nam, cao hơn ba nền tảng xuyên biên giới Facebook, YouTube và TikTok.

Cũng theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, chỉ trong năm 2024 đã có thêm 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép. 

Tính đến ngày 15-11-2024, cơ quan quản lý nhà nước đã cấp 1.056 giấy phép thiết lập mạng xã hội trong nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ gắn công cụ để quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp và đo lượng truy cập mạng xã hội đã được cấp phép.

Từ 25-12: Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nhấn mạnh nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ ban hành sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 25-12-2024.

Theo đó, nghị định có những chính sách mới sẽ ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam như quy định về bắt buộc các mạng xã hội phải xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. 

"Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác" - ông Do lưu ý.

Nghị định cũng bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội thường xuyên vi phạm, yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm. 

Đồng thời các trang mạng xã hội phải cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.

Các nội dung mới như mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam; trẻ em dưới 16 tuổi không được tạo tài khoản mạng xã hội; kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật, mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên mạng; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng… được quy định rõ trong nghị định 147.

Phạt hơn 1 tỉ đồng với các vi phạm trên mạng xã hội

Trong năm 2024, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết đã cùng Sở Thông tin - Truyền thông các địa phương kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỉ đồng.

Các Sở Thông tin - Truyền thông địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm và buộc thu hồi hai tên miền.

Bộ Thông tin - Truyền thông cũng công bố trong năm 2024 đã tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.

Kết quả là Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỉ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỉ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm (tỉ lệ 93%).

 Việt Nam đang có 1.056 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động - Ảnh 5.Chính thức trình Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL trên mạng xã hội

Dự Luật Quảng cáo sửa đổi trình Quốc hội sáng 8-11 đề xuất bổ sung quy định nhằm "siết" người nổi tiếng, có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm tràn lan trên mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên