08/01/2018 09:59 GMT+7

Từ 2018, đào tạo sư phạm thay đổi ra sao?

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH
NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH

TTO - Nhằm khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên và nâng cao chất lượng ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu sư phạm theo cơ chế đặt hàng.

Từ 2018, đào tạo sư phạm thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

Năm 2018 sẽ đào tạo sư phạm theo đặt hàng. Trong ảnh: thầy trò Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM tronggiờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Chính sách này cụ thể ra sao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - nói: Từ năm 2018, việc đào tạo sư phạm sẽ gắn chặt với nhu cầu sử dụng thực tế. 

Nhu cầu này được xác định trên cơ sở rà soát đội ngũ của từng địa phương, từ đó đưa ra con số chính xác về nhu cầu sử dụng, tuyển dụng giáo viên trong tương lai.

* Như vậy, đây không phải là việc riêng của ngành giáo dục mà các địa phương cũng sẽ vào cuộc. Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch làm việc thế nào với các tỉnh, thành để thực hiện chủ trương này?

- Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở GD-ĐT cùng phối hợp sở nội vụ rà soát, tính toán nhu cầu đội ngũ giáo viên theo môn học, theo cấp học phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình phổ thông mới. 

Trên cơ sở đó, bộ sẽ giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo sư phạm, đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng có công văn gửi các trường sư phạm cùng phối hợp với các sở GD-ĐT để xác định chỉ tiêu theo đúng yêu cầu của chương trình phổ thông mới.

Như vậy, sở GD-ĐT sẽ chủ trì, sở nội vụ đóng vai trò phối hợp, đồng thời có sự tham gia chủ động của các cơ sở đào tạo trên địa bàn để tính toán nhu cầu giáo viên sát tình hình thực tế. Các sở GD-ĐT ở địa phương sẽ phải ký cam kết xác nhận về nhu cầu giáo viên trong những năm tới.

* Cụ thể việc cam kết này sẽ như thế nào, thưa ông? Liệu có chế tài các địa phương không thực hiện đúng cam kết?

- Những vấn đề cụ thể sẽ được nghiên cứu, xem xét cụ thể sau. Nhưng có thể hình dung ví dụ một địa phương cam kết đến năm 2022 cần 100 giáo viên. Nhưng sau này đến thời điểm đó lại rút xuống chỉ cần 80 giáo viên thì địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm vì đưa thông tin không sát thực tế, làm cho đào tạo bị dư thừa 20 giáo viên. 

Kể cả trường hợp địa phương dự báo thiếu, cam kết nhu cầu 100 giáo viên mà sau này lại cần 120 người, đào tạo không đáp ứng đủ số lượng thì địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Mỗi tỉnh đều thực hiện cam kết tốt thì tổng đào tạo giáo viên trong tương lai nhất định sẽ không bị dư thừa.

* Theo ông, đối tượng chịu tác động lớn nhất của chính sách này là ai?

- Khi thực hiện, chỉ tiêu sư phạm tổng thể nói chung cũng như của từng cơ sở đào tạo sư phạm có sự thay đổi lớn so với trước. Có trường sẽ gặp khó khăn vì chỉ tiêu tuyển sinh bị sụt giảm nhiều so với giai đoạn trước. 

Tuy nhiên, đã đến lúc các trường sư phạm phải tự điều tiết các mục tiêu, vừa thu hút thí sinh ở đầu vào, vừa nâng cao chất lượng đầu ra, đồng thời chuyển đổi mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ hiện có.

Dù sẽ đối mặt với khó khăn nhưng các trường đều ủng hộ chủ trương này. Tại hội nghị hiệu trưởng các trường sư phạm vừa qua, bộ trưởng cũng đã hỏi còn trường nào băn khoăn về chủ trương này không thì không trường nào có ý kiến, nghĩa là tất cả đều đồng lòng thực hiện.

* Chủ trương "đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng", "đào tạo theo đặt hàng từ địa phương" có giống chính sách phân công công tác sau tốt nghiệp ngành sư phạm từng áp dụng trước đây?

- Bộ GD-ĐT xác định sẽ giao chỉ tiêu theo tinh thần không để số lượng đào tạo bị dư thừa, còn lại sẽ phải chịu sự điều tiết của xã hội. Phân công công tác sau tốt nghiệp không phải nhiệm vụ của ngành giáo dục. 

Bộ GD-ĐT chỉ làm đúng chức năng của bộ, không thể làm lấn chức năng, nhiệm vụ của ngành khác. Lĩnh vực quản lý của bộ là đào tạo làm sao đảm bảo chất lượng, không tràn lan, không dư thừa, không lãng phí. 

Còn có nhận người đó về hay không, tuyển dụng, sử dụng ai, vào vị trí nào... phải thực hiện gắn với Luật viên chức và các quy định hiện hành. Bộ không trực tiếp làm các công việc này.

Có thể hình dung ví dụ: một địa phương cam kết đến năm 2022 cần 100 giáo viên. Nhưng sau này đến thời điểm đó lại rút xuống chỉ cần 80 giáo viên thì địa phương sẽ chịu trách nhiệm vì đưa thông tin không sát thực tế, làm cho đào tạo bị dư thừa 20 giáo viên
Ông Hoàng Đức Minh

GS Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT):

Một mình Bộ GD-ĐT không giải quyết được

pham minh hac - nguyen khanh 1(read-only)

Ảnh: N.K.

Giải quyết những bất cập trong cả số lượng và chất lượng đào tạo sư phạm hiện nay cần xem xét tổng thể, thực hiện đồng bộ nhiều việc, chứ nói đơn giản việc xác định nhu cầu phụ thuộc vào địa phương dễ bị cho là cách nói giũ trách nhiệm. Thực tế có những vấn đề của ngành sư phạm mà riêng Bộ GD-ĐT không quyết định được. Về nhân sự thì ngành nội vụ quy định, tiền lương thì ngành tài chính nắm, nên trước đây bộ vẫn nói điều này điều khác nhưng có thực hiện được đâu?

Trước đây, khi còn làm ở Bộ GD-ĐT, tôi cũng đã đi các tỉnh để giải quyết cụ thể chính sách phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bí thư, chủ tịch tỉnh cùng thống nhất thực hiện chủ trương này. Các tỉnh đều đặt ra nhu cầu giáo viên từng năm, thậm chí là nhu cầu trong 3-5 năm tới ngay từ đầu năm học để ngành giáo dục lên kế hoạch đào tạo.

Tuy nhiên, hiện tại việc phân quyền rất bất hợp lý, một mình Bộ GD-ĐT khó có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Chẳng hạn, nhiều nơi than phiền đang dư giáo viên toán nhưng ngành nội vụ vẫn tuyển, trong khi đó có khi thiếu giáo viên các môn khác thì ngành nội vụ lại không cho...

capture

Thống kê mức độ thừa/thiếu giáo viên cục bộ ở các bậc học của Bộ GD-ĐT

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Cần liên kết giữa địa phương và trường

nguyen kim hong - nhu hung 1(read-only)

Ảnh: Như Hùng

Với cách tuyển sinh không theo nhu cầu của các địa phương hiện nay dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và bản thân các trường sư phạm cũng không biết nơi nào thiếu, thừa

giáo viên để xác định chỉ tiêu đào tạo. Vì vậy, theo tôi, cần có sự liên kết giữa các trường sư phạm với các địa phương để đảm bảo sự hài hòa giữa nhu cầu của địa phương và chuẩn đầu vào của các trường.

Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ để các địa phương đặt hàng các trường đào tạo, đồng thời thu hút nguồn nhân lực giáo viên từ các địa phương khác. Theo đó, ngay từ năm thứ nhất sinh viên của tỉnh A biết được nhu cầu tuyển dụng giáo viên của tỉnh B có thể đăng ký đặt chỗ để sau khi ra trường có thể làm việc cho tỉnh này. Sau này, tỉnh B phải tuyển dụng những sinh viên đã đặt chỗ trước đó. Giải pháp này sẽ giúp cho việc đặt hàng đào tạo giáo viên thuận lợi hơn, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường sư phạm.

PGS.TS Nguyễn Thám (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế):

Yêu cầu cấp bách

thay tham - dh su pham 1 1(read-only)

Ảnh: ĐHSP Huế

Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở đánh giá thực trạng dự báo nhu cầu đội ngũ giáo viên của địa phương, năng lực của các trường sư phạm là yêu cầu cấp bách, từ đó giảm hẳn chỉ tiêu đào tạo sư phạm. Các địa phương cũng có thể đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Đây là bài toán khó, nhưng phải có bước đột phá để có điều kiện nâng cao năng lực các trường sư phạm và chất lượng đào tạo giáo viên.

Để tránh lãng phí, giảm dần sự mất cân đối cung cầu giữa đào tạo sư phạm và nhu cầu tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, nên tính toán tăng suất đầu tư trên từng sinh viên sư phạm. Việc này sẽ giúp các trường giảm hẳn chỉ tiêu và có điều kiện nâng cao năng lực, góp phần nâng cao năng lực đào tạo giáo viên.

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên