Tham dự hội thảo giáo dục 2023 về thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học chiều 5-11, từ góc độ nhà tuyển dụng, đại tá Dương Xuân Phượng, phó giám đốc Học viện Viettel, đã có những chia sẻ liên quan đến việc đánh giá chất lượng sinh viên khi tốt nghiệp.
Ông Phượng cho biết ở góc độ nhà tuyển dụng, lõi của Viettel là kỹ thuật điện tử, viễn thông, chế tạo sản xuất, kinh doanh công nghiệp công nghệ cao.
Hiện đội ngũ nhân sự chủ chốt của tập đoàn và các đơn vị thành viên cơ bản tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Sỹ quan thông tin liên lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông...
Theo thống kê, 1/4 nhân sự chủ chốt của Viettel tốt nghiệp khối kỹ thuật, chủ yếu từ Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TP.HCM.
Ông Phượng đánh giá chất lượng đào tạo đại học tương đối tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây đào tạo đại học đang gặp một số tồn tại ảnh hưởng đến đầu ra.
Thứ nhất, giữa đào tạo đại học với nhà tuyển dụng còn khoảng cách xa. Theo khảo sát của Viettel, khi nhận 2.000 sinh viên xuất sắc của các trường đại học về đào tạo theo chương trình của Viettel thì chỉ tuyển được 100 sinh viên.
"Khảo sát 100 sinh viên xuất sắc, có 75% sinh viên cho biết bản thân chỉ đáp ứng được khoảng 75% công việc của doanh nghiệp, chỉ có khoảng 2% đánh giá bản thân có thể đáp ứng 90% nhu cầu của doanh nghiệp. Còn lại chúng tôi phải đào tạo lại", ông Phượng thông tin.
Thứ hai, hiện nay đang có bất cập về đánh giá xếp loại sinh viên khi tốt nghiệp, tỉ lệ sinh viên khá, giỏi, xuất sắc chiếm đến 99%, "điều này là bất cập, không cân đối".
"Trước đây sinh viên trình độ trung bình nhưng đào tạo đặt hàng vẫn tốt, thế nhưng hiện tại có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại", ông Phượng nói.
Thứ ba, đào tạo chuyển đổi số còn chậm, thiếu sự đồng bộ giữa các trường đại học với nhau.
Đào tạo sinh viên theo tín hiệu từ thị trường, doanh nghiệp
Ông Phượng đề xuất các trường đại học cần phải đổi mới chương trình đào tạo, đào tạo phải sát với thực tế của doanh nghiệp, theo tín hiệu của thị trường, doanh nghiệp, không phải chỉ đào tạo theo những gì trường đang có.
Ngoài ra, cần phải có cơ chế, chính sách liên kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nghiệp.
"Hiện một số cán bộ của Viettel phối hợp với các trường tham gia đào tạo như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và một số trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội… Tuy nhiên vẫn đang thiếu một số cơ chế, chính sách để đồng bộ kết quả đào tạo.
Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách chung để đánh giá chất lượng đào tạo của sinh viên hiện nay, không để tỉ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc quá cao, khiến doanh nghiệp phải thẩm định, đánh giá lại theo góc nhìn của doanh nghiệp", ông Phượng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận