Phóng to |
Mẫu thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có bổ sung mã QR (đã được làm ẩn một phần mã thẻ, họ tên và địa chỉ) - Ảnh: L.TH.H. |
Ông Cao Văn Sang - Ảnh: L.TH.H. |
Theo ông Cao Văn Sang, hiện nay thẻ BHYT có bộ mã gồm 15 ký tự để phân loại, thống kê đối tượng và xác định quyền lợi của người tham gia; năm ký tự định danh cơ sở khám chữa bệnh ban đầu và sáu mục về thông tin nhân thân của người có thẻ.
Thẻ BHYT chưa được ứng dụng công nghệ thông tin để mã hóa các thông tin trên thẻ. Do vậy khi tiếp nhận người bệnh, các cơ sở y tế phải mất thời gian nhập dữ liệu về thông tin cá nhân người bệnh vào hồ sơ khám bệnh và người bệnh phải chờ đợi.
Ngoài ra, do mã thẻ và các thông tin trên thẻ quá dài và nhiều, dẫn đến nhiều sai sót trong việc nhập liệu các thông tin của người bệnh (năm 2012 số lượt nhập sai thẻ BHYT gần 88.000 lượt), gây nhiều khó khăn cho cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc giám sát, thanh toán chi phí khám chữa bệnh...
Việc nhập thông tin trên thẻ BHYT của bệnh nhân quá nhiều và chậm còn làm cho nạn quá tải tại bệnh viện càng trầm trọng thêm...
* Như vậy việc sử dụng thẻ BHYT có mã vạch có ưu điểm gì hơn so với thẻ BHYT không có mã vạch, thưa ông?
- Việc sử dụng thẻ BHYT có mã vạch ưu điểm hơn vì các cơ sở y tế dùng thiết bị đọc mã vạch để đưa các thông tin cần thiết trên thẻ thành dữ liệu phục vụ nhu cầu quản lý, thống kê và thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Điều này giúp khắc phục nhược điểm khi sử dụng thẻ từ vì để đọc được thẻ từ thì phải có sự liên thông dữ liệu cấp thẻ giữa bảo hiểm xã hội với tất cả cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra, thẻ BHYT có mã vạch được in ngay trên thẻ giấy theo mẫu thẻ hiện hành, giúp tiết kiệm chi phí phát hành thẻ rất lớn (so với thẻ từ). Người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh chỉ cần trình thẻ và giấy tờ tùy thân có ảnh, nhân viên y tế cầm thẻ quẹt vào đầu đọc là hoàn tất khâu tiếp nhận.
Việc in mã vạch trên thẻ BHYT có lợi cho cả ba bên: người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội. Trong đó đối với người bệnh, lợi ích lớn nhất là giảm thời gian chờ đợi, thời gian được bác sĩ thăm khám sẽ nhiều hơn, chất lượng khám được đảm bảo hơn; tiết kiệm chi phí photocopy thẻ BHYT nộp cho bệnh viện, chi phí khám dịch vụ do không muốn mất thời gian chờ khám theo diện BHYT.
* Liệu các cơ sở y tế đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận thẻ BHYT có mã vạch chưa?
- Bảo hiểm xã hội TP đã làm việc với Sở Y tế TP về việc phát hành thẻ BHYT có mã vạch và phương án trang bị máy đọc của các cơ sở y tế. Theo đó, tất cả bệnh viện và phòng khám có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đều nhận triển khai thực hiện.
Dự kiến mỗi cơ sở y tế sẽ trang bị 1-3 máy đọc thẻ (chi phí mỗi máy đọc khoảng 7 triệu đồng). Tất cả cơ sở y tế đều đồng ý tự trang bị máy đọc thẻ từ nguồn kinh phí hoạt động của mình.
* Khi nào Bảo hiểm xã hội TP sẽ làm thẻ BHYT có mã vạch?
- Từ ngày 1-10, Bảo hiểm xã hội TP sẽ phát hành khoảng 1,4 triệu thẻ BHYT có mã vạch cho học sinh - sinh viên, do thẻ BHYT của đối tượng này hết hạn sử dụng từ ngày 30-9.
Đến ngày 1-1-2014 sẽ phát hành thêm khoảng 1,8 triệu thẻ nữa cho đối tượng là người lao động, công nhân - viên chức làm việc ở các cơ quan, đơn vị (thẻ BHYT bắt buộc) do thẻ của các đối tượng này có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12 năm nay.
Đối với đối tượng tham gia BHYT tự nguyện (khoảng 780.000 thẻ), khi thẻ hết hạn sử dụng, nếu bà con tiếp tục tham gia sẽ được cấp thẻ có mã vạch. Riêng cán bộ hưu trí (thẻ BHYT có giá trị năm năm) và trẻ em dưới 6 tuổi (thẻ có giá trị sáu năm), nếu đợi thẻ hết thời hạn sử dụng sẽ rất lâu nên Bảo hiểm xã hội TP đang tính toán, tìm cách chuyển đổi sang thẻ có mã vạch...
Dự kiến đến cuối năm 2014, tất cả đối tượng tham gia BHYT tại TP.HCM sẽ có thẻ BHYT bằng mã vạch.
Cần lưu ý thẻ BHYT do Bảo hiểm xã hội TP.HCM phát hành có giá trị sử dụng trên toàn quốc nhưng chỉ áp dụng đọc mã vạch tại các bệnh viện trên địa bàn TP.
Các thẻ BHYT do bảo hiểm xã hội các tỉnh, TP khác phát hành mà người dân đến khám tại TP.HCM vẫn phải nhập thông tin như trước. Ngoài ra, do mã vạch in trên giấy nên đòi hỏi người sử dụng thẻ phải bảo quản kỹ, nếu để trầy xước, nhòe, mờ thì đầu đọc mã vạch sẽ không đọc được và khi đó phải nhập thông tin bệnh nhân bằng cách viết tay hoặc đánh máy như trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận