TS Trịnh Thục Hiền cho rằng: "Pháp luật nữ quyền đặt ra câu hỏi liệu cách nhìn, trải nghiệm và quan điểm của phụ nữ có được phản ánh trong chính sách và thực tiễn thực hiện pháp luật hay không".
Bản án nữ quyền tương đối hiếm hoi
* Trong cuốn sách Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam do tiến sĩ làm chủ biên, có một cụm từ khá nổi bật là nữ quyền. Tại sao chị chọn vấn đề này để nghiên cứu, khai thác khi câu chuyện luật pháp thường "vô tri" trước khái niệm giới?
- Cá nhân tôi không phải là người lựa chọn chủ đề cho quyển sách này. Đây là kết quả nghiên cứu của các học giả ngành luật theo hướng tiếp cận lý thuyết pháp luật nữ quyền. Tôi là một trong những thành viên đầu tiên của dự án.
Pháp luật vẫn được coi như trung lập và khách quan về giới.
Bối cảnh của các vụ án trong sách được bình giải dưới góc độ lý thuyết pháp luật nữ quyền, cho thấy việc đánh giá tình tiết vụ án và áp dụng pháp luật có nhiều cách khác nhau và chỉ có một số cách nhất định mới có thể bảo vệ được phụ nữ, trẻ em và tận cùng là con người.
* Là một người phụ nữ và nhà nghiên cứu luật, chị nhìn nhận việc áp dụng nữ quyền vào luật ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Nó đã thực sự triệt để chưa?
- Việt Nam là quốc gia thành viên của Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ từ rất sớm, cụ thể là từ năm 1982.
Năm 2006, Luật Bình đẳng giới được thông qua.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, một đạo luật được thông qua phải có đánh giá tác động về giới. Ở cấp hoạch định chính sách và lập pháp, vấn đề giới đã nhận được sự quan tâm và nhận thức rõ rệt.
Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật bình đẳng giới trong hoạt động xét xử chưa thật sự phổ biến.
Ví dụ, trong một vụ ly hôn, tòa án đã xem xét những khẳng định của người chồng về tình cảm và mong muốn duy trì gia đình để bác đơn ly hôn của người vợ, thay vì là các nguyện vọng mong muốn chấm dứt cuộc hôn nhân của người vợ và các áp lực do người chồng tạo ra vì bà không chung thủy.
Tuy nhiên, cũng có bản án đã nhìn nhận quyền lợi của người phụ nữ trong thừa kế tài sản là di sản thờ cúng.
Một bản án được bình luận cho thấy tòa án đã áp dụng pháp luật để công nhận quyền thừa kế của những người con gái dù trên thực tế quyền lợi này của họ đã bị những người trong gia đình loại bỏ theo phong tục địa phương. Những bản án như vậy tương đối hiếm hoi.
Tôi thích câu hỏi của bạn về quan điểm này ở vai trò của nhà khoa học và là một phụ nữ.
Bất cứ giới tính nào cũng đều có thể được tuyển chọn công bằng
* Trong lao động, có những công việc chỉ ưu tiên tuyển nam vì họ cho rằng nam có thể lực tốt hơn phụ nữ nên sẽ làm tốt hơn.
Dước góc độ của người đang nghiên cứu hướng tiếp cận nữ quyền trong pháp luật, theo chị, họ có sai khi vận hành kiểu tuyển dụng đó? Vì sao?
- Hiến pháp năm 2013 có những quy định bảo đảm bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử.
Bộ luật Lao động năm 2019 cũng khẳng định chính sách bình đẳng giới tại khoản 7 điều 4.
Về cơ bản, phân biệt đối xử trong lao động đối với tuyển dụng và quản lý lao động có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Việc ưu tiên tuyển dụng nam vì nam có thể lực tốt hơn phụ nữ là một dạng phân biệt đối xử trong lao động.
Nhà tuyển dụng lao động nên đưa ra thêm các tiêu chí về năng lực, kỹ năng và phẩm chất để tuyển dụng hơn là áp đặt các khuôn mẫu giới. Bất cứ ai, không phân biệt giới tính, đều có thể ứng tuyển và được tuyển chọn công bằng.
* Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Việc hướng đến bản án nữ quyền tại Việt Nam sẽ đem đến những giá trị gì cho họ? Việc này sẽ cho họ sự bảo vệ như thế nào?
- Đưa yếu tố giới (nhạy cảm giới) vào hoạt động xét xử sẽ giúp bản án đạt được công lý toàn diện hơn.
Tất nhiên pháp luật Việt Nam đã công nhận một cách mạnh mẽ quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, áp dụng không phải đơn giản. Nó đòi hỏi phải có trải nghiệm cá nhân, bao gồm cả tư duy, nhận thức về nữ quyền.
Tôi và các tác giả đều đồng ý rằng lý thuyết pháp luật nữ quyền không bảo vệ người phụ nữ một cách thiên kiến.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng nữ quyền đặt ra vấn đề về giới, đào sâu vào câu hỏi liệu có sự phân biệt đối xử hay có sự áp bức, phụ thuộc nào dựa trên giới tính hay không, bất kể là giới tính nào.
Tiến sĩ Trịnh Thục Hiền hiện là giảng viên, phó trưởng khoa luật kinh tế tại Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Các lĩnh vực nghiên cứu bao gồm lý thuyết pháp luật nữ quyền, án lệ Việt Nam, carbon rừng, chính sách và khung pháp lý cho nền kinh tế xanh.
Chị là tư vấn cho dự án Triển khai lý thuyết pháp luật nữ quyền do Quỹ Rosa-Luxemburg Đông Nam Á tài trợ và UEL điều phối.
Sách Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam là một nghiên cứu trong khuôn khổ dự án Triển khai lý thuyết pháp luật nữ quyền bao gồm một tiểu luận về bản án nữ quyền từ góc nhìn Việt Nam và sáu bài bình luận án trong các lĩnh vực bạo lực tình dục, thừa kế, hôn nhân gia đình và lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận