Sáng 6-1, tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, quán triệt và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Trần Du Lịch - ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện nghị quyết 98 - đã đề xuất nhiều giải pháp để TP thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 - 8%.
Tăng trưởng quý 1-2024 sẽ không "rơi tự do" như quý 1-2023
Theo ông Lịch, năm 2023 dù gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế TP đã "lội ngược dòng" từ việc "rơi tự do" ở quý 1 đến đạt đỉnh ở quý 4. Điều này cho thấy tiềm lực nội sinh và sức chống chịu mạnh mẽ của nền kinh tế TP.
Với mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 ở mức 7,5 - 8%, ông cho rằng đây là việc khó nhưng không phải không làm được. Với sức chống chịu của nền kinh tế cùng với những kinh nghiệm đối diện với sự bất ổn thì TP hoàn toàn có cơ hội để thực hiện mục tiêu tăng trưởng này.
Ông khẳng định nền kinh tế TP quý 1-2024 sẽ không thể lặp lại cảnh "rơi tự do" như quý 1-2023. Theo ông, điều này không thể xảy ra, chúng ta "cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng".
Cũng theo ông Lịch, tuy quý 1-2024 không thể đòi hỏi tăng trưởng ổn định như các quý cuối năm 2023 do TP đón Tết, nhưng phải tạo sức bật từ sớm. "Nếu tháng 1, tháng 2 cứ rề rà thì rất khó" - ông khuyến cáo.
Ông đề nghị ngay từ đầu năm phải tháo gỡ một số dự án bất động sản để khởi công sớm, tạo sức bật. Đồng thời nhìn nhận bất động sản đang "đóng băng" ở thị trường đầu cơ, còn nhu cầu tiêu dùng cần thiết không nghẽn.
Ngoài ra, phải quyết liệt thực hiện nghị quyết 98. TP nhanh chóng có dự thảo các nội dung phân cấp phân quyền rõ ràng, tránh tình trạng có cơ chế đặc thù nhưng vẫn làm theo quy trình cũ. Việc này để bộ máy thấy rõ được việc của mình, không thể hỏi ai khác.
Không chỉ vậy, TP còn tồn tại nhiều dự án cũ còn vướng mắc pháp lý. Vận dụng nghị quyết 98, TP cần đề xuất Chính phủ có cơ chế để tháo gỡ sớm, "bây giờ cứ lo cái cũ thì làm sao làm cái mới được".
Nói thêm, TS Trần Du Lịch cho biết TP có nguồn lực lớn là lực lượng doanh nghiệp nhà nước nhưng không đóng góp đáng kể. TP phải tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước. "TP phải xây dựng được doanh nghiệp đứng đầu, là công cụ để dẫn dắt phát triển như Becamex Bình Dương. TP.HCM mà không có một doanh nghiệp như vậy là lãng phí", ông Lịch nói.
Nên tận dụng thị trường ngách
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho hay dự báo năm 2024, nền kinh tế vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn. TP.HCM phải tự cứu mình, tập trung giải phóng nguồn lực đang có, nhất là nguồn lực đất đai. Nhanh chóng kiểm soát giá đất, giải quyết nhanh điểm nghẽn về thủ tục đất đai.
Ông Hòa cũng cho rằng cần khơi thông "cầu" từ nước ngoài, mở các thị trường mới, thị trường ngách, chuyển đổi xanh. Hiện TP chỉ đang tập trung ở 4 thị trường lớn là: Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á, đang bỏ ngỏ 3 thị trường: Ấn Độ, Nam Mỹ, các nước Trung Đông.
Đồng thời kích cầu trong nước, tăng khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực quản trị, khai phá thị trường mới, đi theo hướng thị trường ngách.
Năm 2024, ông kiến nghị TP đẩy mạnh các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia các dự án trong vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng và được tiếp cận vốn hỗ trợ lãi suất từ chương trình kích cầu.
Ông cũng kiến nghị TP cần có biện pháp để đón nhận dòng dịch chuyển FDI (dòng vốn đầu tư nước ngoài) trước tình hình xung đột của các nước lớn.
Phát biểu trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thảo luận về chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8% năm 2024.
Ông Mãi nêu có ý kiến chuyên gia lo ngại khả năng sẽ lặp lại kịch bản tăng trưởng của quý 1-2023 với quý 1-2024 (chỉ tăng trưởng 0,7%).
Ông đề nghị hội nghị phân tích có hay không khả năng này và tập trung các giải pháp quyết liệt để đảm bảo không diễn ra kịch bản đó.
Quý 1-2023, GRDP TP chỉ tăng 0,7%, quý 2 tăng 5,8%, quý 3 tăng 6,7%. Đến quý 4-2023, GRDP có mức tăng trưởng bứt phá với 9,6%. Như vậy, tăng trưởng GRDP năm 2023 ước tăng 5,8% so với năm 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận