TS Nguyễn Duy Chính (giữa) tại buổi giao lưu với bạn đọc TP.HCM - Ảnh: L.Điền |
Dù buổi giao lưu diễn ra lúc Sài Gòn đang mưa to, giới chuyên ngành lịch sử, sinh viên và các chuyên gia đã đến chật kín phòng đọc. Và trọng tâm câu chuyện giao lưu xoay quanh các nội dung về triều đại Tây Sơn cũng là hợp lẽ, bởi trong số 7 cuốn sách vừa xuất bản của ông, có đến 5 cuốn là kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Duy Chính liên quan đến triều đại Tây Sơn và mối quan hệ giữa Đại Việt và Trung Hoa lúc bấy giờ.
Không màu mè thuyết giảng về những gì đã làm, Nguyễn Duy Chính cho biết những nghiên cứu của ông dựa trên cơ sở các tài liệu gốc, cả những bản công văn, giấy tờ, châu phê thuộc dạng mật đương thời, nay được lưu giữ tại nhiều văn khố ở Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Pháp…
Khởi đi từ những thắc mắc về Quang Trung và triều Tây Sơn, bên cạnh đó là trong thời gian dài từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, ít ai nhắc đến triều Tây Sơn mà ông Chính gọi là một phần “khuyết sử”, ông Nguyễn Duy Chính đã đi tìm các tài liệu có độ tin cậy để làm sáng tỏ những khúc mắc.
“Khi tôi bắt gặp những tài liệu liên quan đến quốc thể của Đại Việt trong mối bang giao với Trung Hoa, tôi càng có cảm hứng nghiên cứu sâu”, TS Nguyễn Duy Chính chia sẻ. Ông đã nhờ cậy bạn bè trong nước tìm kiếm tư liệu ở trong Nam ngoài Bắc, nhờ bạn ở Pháp để sưu tập tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, tìm kiếm các kho văn khố các nước đang lưu trữ tại các thư viện của Hoa Kỳ.
Ròng rã hơn mười năm, kết quả không chỉ là gần chục đầu sách vừa xuất bản tại Việt Nam. Tại buổi giao lưu này, TS Nguyễn Duy Chính còn hé lộ thêm những chi tiết mà ông đã biết nhưng chưa đưa vào sách.
Chẳng hạn như ông đã đọc được tư liệu về sự kết cuộc của nhà Tây Sơn mà theo ông là “cũng không khác gì nhà Lê mạt”. Đó là chi tiết lúc vua Quang Toản thất cơ chạy ra đến Thăng Long, thành lập một đoàn triều cống (sớm hơn 1 năm theo lệ thường) để sang Trung Quốc với mục đích cầu viện.
Tuy nhiên, đoàn này đã bị chặn bắt tại Giang Tây và đưa về giam ở Quảng Châu. Đây là một nội dung mà các sử gia Việt Nam lâu nay chưa thấy đề cập, TS Nguyễn Duy Chính tìm được trong tài liệu “Thượng dụ đáng” - những văn thư của vua Gia Khánh (nhà Thanh) liên hệ với địa phương Quảng Tây.
Hay như công trình nghiên cứu nghi án “Giả vương nhập cận” tức là sự kiện phái đoàn vua Quang Trung sang Trung Quốc chúc thọ vua Càn Long vào năm Canh Tuất 1790. Theo sử nhà Nguyễn chép, đây là vị vua giả do Quang Trung cử đi, nhưng TS Nguyễn Duy Chính đã khảo cứu và đưa ra kết luận người đi sang Trung Quốc là vua Quang Trung thật.
TS Trần Đức Anh Sơn trong vai trò dẫn chuyện cho buổi giao lưu, thông tin thêm rằng khi chi tiết này được ông Sơn dẫn lên Facebook cá nhân, lập tức có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng nếu nói như vậy là không đúng với sự thật lâu nay sách sử Việt Nam công bố.
Tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng nêu ý kiến về chi tiết vua Quang Trung sang Trung Quốc nếu là vua thật thì có mấy điểm chưa ổn. Một là theo truyền thống quân chủ ở Việt Nam, một vị vua không rời quốc đô của mình để đi đến nước khác gặp vua khác. Ngoài ra, lúc bấy giờ nước Việt đang chia ba, ngoài phần lãnh thổ của vua Quang Trung còn có phần của Nguyễn Nhạc, và Nguyễn Ánh trong Nam nữa, nếu Quang Trung bỏ quốc đô ra đi một chuyến dài ngày như vậy thì vương triều của ông sẽ gặp nguy.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Duy Chính căn cứ vào các tài liệu khả tín ông khảo cứu đã cho rằng chuyến đi này không phải là vua nước Đại Việt sang triều cống hay chầu phục vua nhà Thanh, mà là vua Thanh mời vua Quang Trung sang dự lễ mừng thọ, tức vua Quang Trung là quốc khách của nhà Thanh trong một sự kiện lớn chưa từng có trong suốt cả triều Thanh.
Tư liệu Nguyễn Duy Chính tham khảo còn có các văn thư đối đáp liên hệ với phái đoàn Triều Tiên cũng đến Trung Quốc trong dịp này. Ông Chính bảo lưu ý kiến của mình, khuyến khích các bạn trẻ nếu dấn bước vào lĩnh vực nghiên cứu ở đề tài này sẽ tìm thấy trong các tài liệu nhiều điều cho đến nay chính ông cũng chưa tìm thấy hết.
TS Trần Đức Anh Sơn đồng ý với thao tác nghiên cứu của Nguyễn Duy Chính, “ông không bị tư liệu dẫn dắt, đã tiếp cận được những thông tin cần thiết để soi tỏ những phần khuyết thiếu của lịch sử”.
Còn TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng việc nghiên cứu lịch sử ở giai đoạn còn nhiều quan điểm khác nhau như cách nhìn về triều Tây Sơn, điều quan trọng là nhận ra những quy luật lịch sử vận động trong thời kỳ đấy, nó chính là bài học để nhìn nhận các sự kiện lịch sử trong sự tiếp nối, phát triển. Và ông Nguyễn Duy Chính đã làm được tốt điều này.
Nguyễn Duy Chính vốn xuất thân từ Trường Quốc gia Hành chánh (Sài Gòn), là tiến sĩ chuyên ngành quản lý và ứng dụng khoa học máy tính, hiện định cư tại Hoa Kỳ. Buổi giao lưu nhân chuyến về nước lần này của ông nhằm ra mắt loạt sách nghiên cứu, dịch thuật về lịch sử lên đến 7 cuốn, do NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành, gồm: Thanh - Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung; Việt - Thanh chiến dịch; Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?”; Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của vua Thanh Cao Tông; Đại Việt quốc thư; Núi xanh nay vẫn đó; Vó ngựa và cánh cung. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận