06/07/2019 09:41 GMT+7

Truyện trinh thám ở vùng Vịnh

SÁNG ÁNH
SÁNG ÁNH

TTO - Hình ảnh chiếc tàu chở hàng Front Altair của Na Uy đang nghi ngút khói trên nền biển xanh ngát của vịnh Ba Tư thật ấn tượng, nên không trách tuần qua truyền thông thế giới đâu đâu cũng thấy.

Truyện trinh thám ở vùng Vịnh - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ tàu Na Uy Front Altair gặp nạn rất kịch tính và sắc nét - Ảnh: AP

Có nơi còn đăng ảnh chụp bằng vệ tinh cho thấy cuộn khói này thấy được cả từ không gian.

Nói qua, đó là cái lợi của cột khói, vì trẻ em chết đói và mấy triệu người thiếu ăn tại Yemen vì chiến tranh thì vệ tinh từ ngoài tầng khí quyển có chụp hình cũng không thấy. 

Một tàu hàng gần đó tại eo biển Oman, chiếc Kokaku Courageous của Nhật Bản, cũng bị hư hại, tuy không nghi ngút "đẹp mắt" như tàu bạn.

Quá khứ và những vụ tàu chìm

Cho đến giờ thì những chuyện biết được như sau: không có ai thiệt mạng; thủy thủ đoàn Front Altair được một thương thuyền Hà Lan di tản và mang về Dubai; thủy thủ đoàn Kokaku Courageous được hải quân Iran di tản về đất liền tại Iran và giờ đã về UAE. 

Không tàu nào bị chìm như thoạt tiên nghe tin, cũng chẳng thủy thủ đoàn nào được chiến hạm Mỹ cạnh đó đến cứu.

Việc tại sao các tàu này gặp nạn thì đầy mâu thuẫn. Những chuyện thế này, có khi vài năm mới rõ, có khi cả trăm năm cũng bó tay. Năm 1898, chiến hạm Maine của Hoa Kỳ phát nổ ở vịnh Cuba, tưởng là bị Tây Ban Nha đánh đắm, mở màn cho chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. 

Đến năm 2000, thợ lặn mới xác định được là tàu này phát nổ từ bên trong vì hỏa hoạn, rất tiếc là đã trễ một thế kỷ, chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha đã hạ màn cũng năm 1898.

Trở lại vụ ở vịnh Ba Tư. Tin ban đầu hô hoán là thủy lôi, có nghĩa là phóng đi từ một chiến hạm và ám chỉ hải quân Iran. Nhưng vết nổ là phía trên mực nước, loại nhỏ và có lẽ để tránh đánh chìm tàu. Tin thứ nhì là do mìn nam châm cài đặt bên ngoài. 

Đây là tin của Hoa Kỳ, sau mấy bữa thì có không ảnh thám thính của Mỹ cho thấy tiểu đỉnh (tàu chiến nhỏ) Iran đến gần và gỡ một quả mìn (?) chưa nổ ra bằng tay, theo Mỹ là để xóa chứng cớ, nhưng đây là phim gỡ mìn (nếu là mìn) chứ không phải phim đặt mìn. Ai đó đặt và hải quân Iran gỡ là chuyện hữu lý và đáng được tuyên dương. 

Theo thủy thủ đoàn tàu hàng Nhật thì không phải là mìn mà là một vật lạ đã phát nổ, có thể là một loại tên lửa. Tháng 5 vừa qua, cũng có 4 tàu hàng bị phá hoại nhẹ hơn trong khu vực. Hoa Kỳ và Saudi Arabia lúc đó kết luận đây là bàn tay của Iran. Tuần tự nhi tiến, nếu vụ việc tháng 6 không đi đến đâu thì sang tháng 7 dám có tàu hàng bị đánh chìm hẳn, chìm luôn và chết người thì thế mới ra chuyện!

Vịnh Ba Tư là nơi 15-25% dầu thô của thế giới qua lại. Eo biển hẹp ở đầu ra vào vịnh chỉ có 33km bề ngang, làn di chuyển 2 chiều của các tàu hàng chỉ rộng 3km. Nó hoàn toàn nằm trong tầm pháo, tên lửa, từ bờ biển Iran hoặc dưới hỏa lực của các tiểu đỉnh 3-5 thủy thủ là đủ. Hoa Kỳ đang đe dọa cấm vận Iran ngặt nghèo một phần vì chuyện này. 

Tuyên bố của tư lệnh hải quân Iran là, bảo cho mà biết, chúng tôi không còn sinh lộ này nữa thì mọi người sẽ chết cùng. Đây là tuyên bố Hoa Kỳ vin vào để vấy tội mấy tàu hàng vừa bị hư hại. Nói cách khác, Iran bảo, mày mà đánh tao, tao sẽ khóa eo biển lại. Hoa Kỳ thì nói, nó đòi khóa eo biển đấy, nghe chưa, phải đánh nó ngay.

Quan hệ giữa Iran và Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng xấu như vậy. Vào đầu thế kỷ 20, khi chưa có lời nguyền của dầu hỏa thì Iran thuộc vùng ảnh hưởng phân chia giữa cường quốc khu vực là Nga và siêu cường thế giới là Anh. Họ hùa nhau dập tắt cuộc cách mạng hiến pháp 1905 - 1911. 

Vào thời điểm đó, cách mạng Iran cầu cứu… Mỹ, và luật sư người Mỹ William Shuster từng làm tổng trưởng ngân khố cho chính quyền cách mạng! Đến năm 1953 thì Iran lại lệ thuộc Anh và Hoa Kỳ. CIA đảo chánh thủ tướng dân cử Mohammad Mossadegh của phong trào quốc gia và đưa Shah (vua) Mohammad Reza Pahlavi trở lại ngôi vua. 

Ông này trấn vịnh Ba Tư cả hai bờ cho Mỹ đến năm 1979, khi ông bị các thầy tu nổi loạn đuổi cổ trong cuộc cách mạng Hồi giáo. Nền móng của các nhà máy nguyên tử hiện gây nên vấn đề là do Hoa Kỳ, vốn lúc đó cần một đồng minh đối trọng với Liên Xô ở vùng Vịnh, thiết lập dưới thời Pahlavi.

Liên minh 3B?

Hiện giờ, tuy bị cô lập nhưng vì lãnh đạo giáo phái Hồi Shia, nên Iran có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Nếu tại Afghanistan, Iran là tử thù của Taliban (hệ phái Sunni), thì Hồi Shia lại là thành phần chủ chốt tại Libăng, Iraq, Syria và Yemen. 

Chính quyền Iraq hiện nay, sau bằng ấy năm xâm lăng và chiếm đóng của Hoa Kỳ, là một chính quyền thân Iran! Chế độ Bashar al-Assad tồn tại ở Syria một phần là nhờ Iran can thiệp. Tại Libăng, tổ chức Hezbollah là đảng lớn nhất tại quốc hội trong liên minh cầm quyền. Tại Yemen, Iran bị Hoa Kỳ buộc tội tiếp tế cho phong trào Houthi dấy loạn. 

Giờ thì Houthi liên minh với một bộ phận chính quyền Yemen và kiểm soát đất nước, đấu tranh với thành phần kia của chính phủ, được Saudi Arabia và UAE hậu thuẫn. 

Lực lượng chống Iran ở Yemen có 150.000 quân Saudi, UAE, Bahrain, Kuwait, Jordan, Ai Cập, Morocco, Senegal, được cố vấn Anh, Pháp, Mỹ và 2.000 lính đánh thuê của tổ chức Hoa Kỳ Academi yểm trợ! Tức nếu Iran tuồn vũ khí và hỗ trợ vào Yemen là lén lút, thì Mỹ làm là làm công khai!

Chuyện 2 tàu hàng bị phá hoại xảy ra đúng lúc lần đầu một thủ tướng Nhật Bản thăm Iran để tìm cách giảng hòa. Ông Abe Shinzo vừa đặt chân đến nước này thì một tàu Nhật bị phá hoại! Truyền thông không ai nói đến hòa giải nữa và quên ông Abe đi mà chỉ nói đến tàu Kokaku Courageous và chiến tranh.

Nếu không biết được là ai gây ra phá hoại tàu hàng và phải đợi 50 năm mới biết, hay 50 năm còn chưa biết, thì ta chỉ có thể đoán già đoán non trên cơ sở việc này mang lợi lại cho ai, như trong một cuộc điều tra chuyện trinh thám.

Iran, thành phần cởi mở, chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani, đang muốn đàm phán, mở cửa, thông thương, mua hàng vào, xuất dầu ra… thì có thể loại ra. Iran, thành phần cứng rắn, đang kiểm soát đất nước và tuân thủ lệnh của giáo sĩ Khamenei, cũng khó là thủ phạm.

Hoa Kỳ, Tổng thống Trump, đang muốn có đường lối vây hãm kinh tế tới cùng và ép Iran phải thương thuyết quy hàng. Ông Trump khi tranh cử đã lên án chiến tranh Iraq là tốn phí 6.000 tỉ USD vì một cái cớ giả mạo. 

Cử tri nòng cốt của ông là thành phần bảo thủ bế quan ở trong nhà, chống can thiệp của Mỹ ở nước ngoài vì cho đó là tiền bạc tiêu hoang, bị các nước khác lợi dụng. Nói cách khác, đối với họ, can thiệp quân sự và đánh Iran là… giúp Iran, và kệ chúng nó, việc gì mà phải giúp, tốn tiền.

Hoa Kỳ còn có một thành phần khác, là thành phần tân bảo thủ, bảo vệ quyền lợi của giới doanh gia "toàn cầu hóa". Thành phần chủ chiến này có đại diện tiêu biểu trong chính quyền là Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, nhưng họ khó mà dám qua mặt tổng thống và sử dụng tình báo Mỹ vào âm mưu dựng đứng này.

Israel coi Iran là kẻ thù số 1 vì Iran tiềm tàng có năng lực vũ khí nguyên tử (Israel thì đã có rồi). Sát nách Israel là lực lượng Hezbollah có khả năng quấy rối họ cao mà bao lâu nay không dẹp được. 

Năm 2006, 30.000 quân Israel tràn qua biên giới Libăng đánh vài trăm du kích Hezbollah mà thất bại, lỗi là tại Iran cho nó súng, chứ nó tay không thì Israel đã thắng rồi! Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang vướng vào đủ chuyện nhũng lạm, bầu cử mới đây ông không có đa số đủ để cầm quyền và đang là thủ tướng tạm trong khi đợi bầu cử trở lại vào tháng 9. Chiến tranh là dịp tốt để ông trổ tài và tranh thủ cử tri.

Saudi Arabia cũng coi Iran là tử thù vì tự coi mình là thủ lãnh của Hồi giáo Sunni. Nhắc lại là thời Shah còn đang trị, Saudi chỉ là "thứ phi" hạng hai của Hoa Kỳ. Từ ngày Shah ra đi, Saudi mới lên hàng "sủng phi" trong khu vực. Thái tử Mohammad bin Salman (MBS) cũng đang núng thế. 

Với Tây phương, ông đang mất uy tín vì vụ xẻ xác nhà báo đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nước, ông bị phê bình bởi sa lầy tại Yemen và cả mấy dòng hoàng tộc bị ông hất cẳng lăm le trả thù. Chiến tranh với Iran là một lối thoát và giải pháp. Mình đánh thằng bé Yemen không xong thì phải đánh luôn thằng bảo kê nó là Iran. Tất nhiên ông sẽ đánh Iran từ sau lưng của Mỹ.

Như vậy, lý do khách quan để gây chiến bằng chuyện đốt tàu cho khói lên đẹp mắt là Netanyahu - MBS - Bolton. Ngoại trưởng Iran gọi đây là kế hoạch "B", tức là Bibi (Netanyahu) - bin (Salman) - Bolton. Điều chắc chắn, dù do ai và âm mưu nào gây ra, thì như tổng thư ký LHQ phát biểu, thế giới lúc này không có khả năng để trả giá cho một cuộc chiến ở vùng Vịnh.

Trước khi ông Donald Trump chấp chánh, chính quyền Barack Obama và Pháp, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc có ký một hiệp ước (JCPOA) với Iran về vấn đề trên. Iran sẽ giảm sản xuất hạt nhân dưới sự giám sát của quốc tế và đổi lại LHQ ngưng cấm vận và phong tỏa, trả lại dần dà 120 tỉ USD của Iran bị giam ở nước ngoài.

Đến giờ, theo LHQ và các bên ký kết JCPOA ngoài Mỹ, Iran hoàn toàn tuân thủ hiệp ước. Nhưng Hoa Kỳ chẳng những đơn phương rút khỏi JCPOA, mà còn đe dọa trừng phạt các nước buôn bán với Iran.

Vì hệ thống tài chính quốc tế dùng đơn vị USD, nên Hoa Kỳ có thể ngăn cấm Pháp bán phi cơ Airbus cho Iran chẳng hạn. 2 năm qua, mọi chuyện giậm chân tại chỗ, khiến phe ôn hòa và cởi mở tại Iran mất thế trong nước và phe cứng rắn được nước. Đời sống dân chúng thì không được cải thiện và, đó, thấy chưa, ôn hòa và ký kết với nó để cho nó nhờn nhả hay sao!

Vùng Vịnh ngày càng ngột ngạt

TTO - Một số nước đang tìm cách giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Iran nhưng lại có những 'nỗ lực' khác đẩy căng thẳng lên mức cao hơn, nhất là sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu trên vịnh Oman ngày 13-6.

SÁNG ÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên