Phóng to |
Giản lược truyện...
Chưa bao giờ, thị trường truyện tranh thiếu nhi lại đa dạng và phong phú như hiện nay. Có đến hàng chục NXB cùng tham gia sản xuất truyện thiếu nhi, đặc biệt là truyện cổ tích.
Tuy nhiên, các câu chuyện cổ tích đang mất dần ý nghĩa đích thực khi được chuyển thể qua những trang vẽ đầy màu sắc.
Nếu như thế hệ thiếu nhi của những thập niên 80-90 thế kỷ trước quá quen thuộc và dễ dàng mua những bộ "Truyện cổ Andersen", "Truyện cổ Grimm" hay những câu chuyện cổ tích như "Bầy chim thiên nga" (Nga), "Hoàng hậu Kakây" (Campuchia)... thì bây giờ, đó lại là việc quá khó đối với các bậc phụ huynh, những người muốn con em mình được tiếp cận với kho tàng truyện cổ tích nguyên gốc xưa kia.
Nghe như có vẻ phi lý bởi ở hiệu sách nào cũng bày bán la liệt hàng loạt truyện tranh cổ tích thiếu nhi, từ "Tủ sách búpbê" đến bộ "Xứ sở diệu kỳ", từ tranh truyện đến tranh dựng hình, sách nổi... với những cái tên quen thuộc: "Công chúa ngủ trong rừng", "Người đẹp và con quỷ", "Bà chúa tuyết", "Nàng tiên cá", "Tấm Cám", "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn"...
Tuy nhiên, nếu như đọc kỹ những cuốn sách này, có một điều khiến nhiều người thấy "giật mình": Đó là nội dung các câu chuyện cổ tích đã phần nào bị thiếu hụt.
Đọc tranh truyện dựng hình "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" (NXB Kim Đồng), các em sẽ không biết được rằng, trong một ngày mùa đông tuyết phủ, bà hoàng hậu ngồi thêu bên khung cửa, vô tình cây kim đâm vào tay chảy máu, nhìn thấy giọt máu đỏ trên nền tuyết trắng, bà buột miệng: "Ước gì ta có được một đứa con gái da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun này", sau đó mới sinh ra Bạch Tuyết, bởi đơn giản, phần này trong tranh truyện đã bị cắt bỏ.
Tương tự, nếu chỉ đọc truyện tranh dựng hình "Tấm Cám" (NXB Đồng Nai), các em nhỏ sẽ không bao giờ biết được những câu thơ như: "Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người" hay "Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn"...
Trong cuốn sách được trình bày rất cầu kỳ đó chỉ toàn là những câu văn khô cứng, cốt truyện bị lược bỏ, giảm thiểu tới mức tối đa. Và tất nhiên, kéo theo đó là sự mất đi toàn bộ những hình ảnh lung linh, huyền ảo, yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hút của một câu chuyện cổ tích.
... và biến dạng cốt truyện
Không chỉ giản lược nội dung, nhiều cuốn sách còn làm sai lệch chi tiết của truyện. Có thể thấy điều này ở "Công chúa ngủ trong rừng" (NXB Mỹ thuật), "Chú mèo đi hia", "Alice lạc vào xứ thần tiên" (NXB Văn hóa Sài Gòn)...
Những thế hệ trước đây đều biết rằng, trong "Công chúa ngủ trong rừng", nhà vua đã mời 12 bà tiên đến ban phép cho công chúa, nhưng quên không mời bà tiên thứ 13 nên bà này đã tức giận ban lời nguyền độc ác. Thế nhưng trong truyện, chỉ còn có 7 bà tiên.
Chú mèo đi hia trong nguyên bản là bẫy chim đa đa để biếu vua, trong truyện biến thành bẫy thỏ và mất hẳn phần chú mèo đấu trí với tên phù thuỷ để có được toà lâu đài cho chủ nhân của mình. Tên của cô bé Lọ Lem là Cinderella thì bị biến thành Cendrillon...
Tệ hơn nữa, nhiều cuốn viết lại không phải theo truyện nguyên gốc mà theo... phim hoạt hình (chủ yếu là của Hãng Walt Disney, Mỹ).
Có thể kể đến bộ sách "Xứ sở diệu kỳ" (NXB Mỹ thuật) với những cuốn được viết y chang theo phim hoạt hình như "Nàng tiên cá", "Người đẹp và con quỷ", "Cô bé tí hon"...
Phim hoạt hình được dựng phỏng theo truyện, đã biến đổi nội dung rất nhiều, bây giờ lại được "chuyển thể" lại thành truyện cổ tích thì nội dung bị biến dạng là điều tất yếu.
Theo một chuyên gia tư vấn tâm lý, tuỳ từng lứa tuổi mà phụ huynh phải giúp con tìm những tập truyện có giá trị (cả về hình ảnh và nội dung), phù hợp và có tác dụng định hướng cho trẻ.
Thế nhưng, những tập truyện được bày bán tràn lan hiện nay, có thể bắt mắt vì hình thức đẹp, nhưng ít nhiều đã mất đi những ngôn từ trau chuốt, những lời lẽ dịu dàng, đằm thắm, cũng có nghĩa là đã mất đi phần quan trọng nhất của chúng, đó là tính giáo dục, định hướng nhân cách, tâm hồn cho trẻ.
Ý kiến phụ huynh: Đó là sự thiếu tôn trọng độc giả Chị Đặng Thủy Tiên (tập thể Phương Mai, HN): "Nhiều truyện nội dung phi lý". Những khi đưa con đi mua truyện tranh là tôi lại rất khó chọn. Cháu chỉ thích những truyện nhiều màu sắc, hình vẽ đẹp, bắt tôi phải mua, nhưng không phải truyện nào cũng hay. Có nhiều truyện tôi thấy nội dung khá phi lý, không giống với những truyện cổ tích trước đây tôi vẫn thường đọc hay nghe bà kể. Thường thì tôi hay mua sách của NXB Kim Đồng vì dù sao, truyện tranh của NXB này cũng còn được biên tập tương đối cẩn thận, khá phù hợp với trẻ nhỏ. Anh Bùi Công Tính (quận Hoàng Mai, Hà Nội): "Sẽ làm khô cằn tâm hồn trẻ". Truyện tranh cổ tích bị sai lệch tưởng là vô hại nhưng theo tôi, nó có ảnh hưởng không nhỏ tới các cháu. Tâm hồn trẻ thơ như trang giấy trắng, các cháu một lần đọc những truyện sai đó thì sẽ rất khó để các cháu tiếp thu được nội dung đúng của truyện bởi ấn tượng lúc ban đầu rất khó quên. Những truyện như thế không chỉ làm cho các cháu hiểu sai, nghĩ sai về nội dung truyện mà còn làm khô cằn tâm hồn trẻ nhỏ bởi những câu văn khô cứng, cộc lốc và thiếu hình ảnh. Bác Nguyễn Thị Thuận (đường Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội): "Đó là sự thiếu tôn trọng độc giả". Tôi khá "dị ứng" với những truyện tranh cổ tích dành cho thiếu nhi hiện nay, bởi vậy tôi rất hạn chế mua những sách này cho các cháu của mình. Thường tôi hay tìm mua những truyện cổ tích nguyên gốc trước đây tại các cửa hàng sách cũ để đọc cho các cháu nghe. Theo tôi, việc in sách không đúng, cắt xén quá nhiều không chỉ làm mất đi cái hay, cái đẹp của truyện mà còn thể hiện sự không tôn trọng độc giả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận