24/09/2020 10:37 GMT+7

Truyền thông Trung Quốc nổi đóa tố thương vụ TikTok là ‘cái bẫy của Mỹ’

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Chỉ vài ngày trước, thương vụ TikTok có vẻ như là một chiến thắng cho Trung Quốc. Giờ đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đang tố cáo đó là "một cái bẫy của Mỹ" và là một "thủ đoạn bẩn thỉu và ám muội”.

Truyền thông Trung Quốc nổi đóa tố thương vụ TikTok là ‘cái bẫy của Mỹ’ - Ảnh 1.

Thương vụ TikTok vẫn chưa thấy lối ra - Ảnh: REUTERS

Sự thay đổi nhanh chóng cho thấy sự phức tạp trong việc ký kết một thỏa thuận cho ứng dụng video phổ biến trên toàn thế giới. Thương vụ cũng cho thấy cách nền kinh tế lớn nhất thế giới xử lý các mối đe dọa an ninh liên quan đến các công nghệ mới.

Cuối tuần qua, Oracle và Walmart đồng ý nắm giữ 20% cổ phần của pháp nhân mới có trụ sở tại Mỹ, tên là TikTok Global. Công ty mẹ TikTok ở Trung Quốc là ByteDance có hầu hết những gì họ muốn, gồm cả việc giữ lại thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) - thứ mang lại thành công cho TikTok.

Chuyện này dường như cũng xoa dịu cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người sau đó tuyên bố chiến thắng và bãi bỏ lệnh cấm đối với TikTok.

Hu Xijin, tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu (TBHC), cho rằng thỏa thuận tuy "không công bằng nhưng tránh được kết quả tồi tệ nhất".

Đến đầu tuần này, rắc rối xuất hiện. ByteDance khẳng định họ vẫn nắm quyền kiểm soát TikTok Global, trái ngược với những nhận xét trước đó của ông Trump về người đứng đầu công ty mới: "Oracle sẽ kiểm soát hoàn toàn. Nếu không thì chúng tôi sẽ không thông qua thỏa thuận".

Ngày 23-9, hai trong số các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng tố cáo thỏa thuận này.

"Những gì Mỹ làm với TikTok gần giống một tên xã hội đen ép buộc một thỏa thuận kinh doanh bất hợp lý và không công bằng đối với một công ty hợp pháp", tờ China Daily viết hôm 23-9.

Tổng biên tập TBHC đã đăng tweet nói rằng Bắc Kinh có thể sẽ không thông qua thỏa thuận hiện tại vì nó gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.

Gao Zhikai, một nhà ngoại giao và phiên dịch viên cho cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, hiện là giáo sư tại Đại học Soochow (Đài Loan), cho biết: "Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng không thể vi phạm các quyền hợp pháp của các công ty Trung Quốc mà không lãnh hậu quả".

Cũng trong ngày 23-9, ByteDance đã yêu cầu một thẩm phán liên bang ngăn Tổng thống Trump thực hiện lệnh cấm với TikTok, dự kiến bắt đầu vào cuối tuần này.

Theo Bloomberg, trong khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vẫn tự tin rằng Trump sẽ thực hiện được thỏa thuận, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ lo rằng dữ liệu của người dùng TikTok tại Mỹ vẫn thuộc về một công ty Trung Quốc.

Chưa kể thuật toán của TikTok cũng có thể được sử dụng để tác động đến dư luận, đặc biệt là trước cuộc bầu cử ngày 3-11 của Mỹ.

Trung Quốc đang sẵn sàng đáp trả. Bộ Thương mại nước này vào ngày 19-9 cho biết họ có thể hạn chế thương mại, đầu tư và thị thực đối với các công ty trong "danh sách thực thể không đáng tin cậy" mà không nêu bất kỳ cái tên cụ thể nào.

Vẫn có một thỏa thuận có thể xảy ra. ByteDance nói công nghệ AI của họ vẫn thuộc về Trung Quốc, trong khi dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng Mỹ sẽ được Oracle lưu trữ trên các máy chủ tại Mỹ.

Thương vụ TikTok chưa thấy lối ra Thương vụ TikTok chưa thấy lối ra

TTO - Mặc cho nỗ lực của ByteDance, Oracle và Walmart, các điều khoản trong thỏa thuận mới về hoạt động của ứng dụng TikTok tại Mỹ vẫn không thể thỏa mãn cả Washington lẫn Bắc Kinh.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên