Người dân Triều Tiên chăm chú đọc báo Rodong Sinmun dán ở nơi công cộng về chuyến công du của ông Kim Jong Un ngày 27-2 - Ảnh: REUTERS
Khác với thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore, khi truyền thông Nhà nước Triều Tiên giữ im lặng cho đến khi ông Kim Jong Un bước ra khỏi chuyên cơ ở Singapore, các cơ quan báo đài Triều Tiên lần này đã xác nhận luôn nhà lãnh đạo Triều Tiên đang đi tàu hỏa tới Việt Nam chưa đầy nửa ngày sau khi ông cùng phái đoàn rời Bình Nhưỡng.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã dành trang nhất và trang hai số báo ra ngày 27-2 để đăng trọn vẹn 18 tấm hình một cách trang trọng cùng những dòng chữ mô tả chi tiết về ngày đầu tiên của chủ tịch Kim Jong Un tại Việt Nam.
Các bức ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫy tay chào người dân Việt Nam, chăm chú trao đổi với các quan chức và đến thăm Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội chỉ vừa được chụp vào ngày hôm trước thì hôm sau đã có trên mặt báo.
Tờ báo đảng của Triều Tiên cũng cho đăng tải một cách trọn vẹn bài viết về công cuộc đổi mới kinh tế của Việt Nam với những lời khen ngợi. Điều này không chỉ ngầm thể hiện vấn đề mà Bình Nhưỡng quan tâm lần này, mà còn cho thấy các tờ báo của Triều đang bắt kịp xu hướng của báo chí nước ngoài khi Việt Nam trở thành nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Kể từ khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên xác nhận ông Kim Jong đang đến Việt Nam, Rodong Sinmun và nhiều báo đài Nhà nước Triều Tiên đã dành gần như toàn bộ thời lượng, số trang để cập nhật, bình luận về chuyến đi.
"Ba ngày, ba đêm đã trôi qua kể từ khi hay tin chuyến công du nước ngoài của Nguyên soái thân yêu. Những nỗi nhớ và suy nghĩ về Nguyên soái thân yêu đến không ngủ được là động lực để các công nhân hăng hái ra sức làm việc ở Samjiyon và các mặt trận là những công trình xây dựng khác" - một đoạn trong bài xã luận đăng ngày 27-2 trên Rodong Sinmun viết.
Trang nhất báo Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên ngày 27-2 - Ảnh: FACEBOOK
Trước đó, một hình ảnh rất thú vị đã xuất hiện trên Rodong Sinmun khi một bé gái Triều Tiên, trong giờ học địa lý, đã chỉ tay vào quả địa cầu và hỏi "Nguyên soái thân yêu của chúng ta đang ở đâu vậy cô?".
"Triều Tiên đang nỗ lực cho người ngoài thấy họ là một quốc gia bình thường thông qua việc tường thuật tin tức. Nó cũng có thể là một chỉ dấu rằng đất nước này đang bắt đầu thay đổi, trước hết là từ truyền thông" - giáo sư Yang Moo Jin, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên sống tại Hàn Quốc, nhận xét với Hãng thông tấn Yonhap.
Trong khi đó, theo giáo sư Lim Eul Chul thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Hàn Quốc), việc truyền thông Nhà nước Triều Tiên liên tục cập nhật hình ảnh của ông Kim Jong Un là một nỗ lực gần gũi người dân hơn của nhà lãnh đạo.
"Triều Tiên sẽ không liều lĩnh đánh cược sự thất vọng của nhân dân bằng những bài viết đầy lạc quan trước cuộc gặp nếu họ không tự tin vào kết quả sau cùng của nó" - giáo sư Lim khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận