28/06/2011 18:12 GMT+7

Truyền thông "lộ hàng" dưới góc nhìn của pháp luật

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

TTO - Trong thời gian gần đây, các tít báo chứa cụm từ “ảnh nóng”, “lộ hàng” … rộ lên khắp các báo mạng, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa của người dân và đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, làm méo mó và lệch lạc các tiêu chí của truyền thông.

xAtq9W30.jpgPhóng to
Để giải quyết vấn đề “lá cải hóa” báo chí, về lâu dài, đó vẫn là đạo đức xã hội và đạo đức người làm báo - Ảnh: T.T.D.

Trước những bất cập như vậy, vai trò của pháp luật như thế nào và liệu có công cụ pháp lý nào để ngăn chặn, răn đe những hiện tượng truyền thông “biến tướng” như vậy không?

Luật có cấm đưa tin lá cải?

Xin nói thêm, tin “lá cải” mà tôi dùng ở đây, không phải là tin vịt. Đó cũng là những tin có thật, song là những tin mang tính buôn chuyện, soi mói người khác, chẳng những làm ảnh hưởng đến nhân vật bị viết bài đã đành, đôi khi còn làm cho người đọc phản cảm, bực mình vì sự nhố nhăng và thậm chí là … lố bịch của người viết.

Và để trả lời cho câu hỏi trên, xin thưa là có. Theo điều 5 Nghị định 52/2011/NĐ-CP và điều 7 Nghị định 02/2011/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân vi phạm về nội dung thông tin báo chí, như minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin, làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân của người đó; đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó; đăng, phát tin bài, tranh, ảnh hở hang thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam là vi phạm quy định của pháp luật về báo chí và có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 20 triệu đồng, và hình phạt bổ sung là phải cải chính hoặc xin lỗi.

Ngoài ra, theo điều 258 Bộ luật hình sự, hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là phạm tội hình sự và có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Ngoài ra, việc các tờ báo đưa tin liên quan người chưa đủ 16 tuổi (ví dụ như việc một vài tờ báo đã khai thác ảnh của người mẫu 13 tuổi “lộ hàng” nhằm viết bài gây sốc) - trong trường hợp cấu thành tội phạm, còn có thể bị tăng nặng trách nhiệm hình sự do phạm tội với trẻ em.

Về quyền, lợi ích bị xâm phạm, trong trường hợp mà chúng ta đang bàn luận, đó là quyền nhân thân của các nạn nhân - những người bị báo chí soi mói, bao gồm quyền đối với hình ảnh của mình, quyền bí mật đời tư và quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm (điều 31, 37, 38 Bộ luật Dân sự), trừ những trường hợp nhân vật trong bài viết tự tung ảnh hoặc tin gây sốc để tạo xì căng đan.

Và các nạn nhân này hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu các tờ báo tung tin phải gỡ bỏ bài viết, xin lỗi công khai và cả bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, lợi ích bị thiệt hại còn là tính văn hóa của cả một nền truyền thông và sự nhận thức của giới trẻ.

Như vậy, việc các tờ báo đua nhau đưa các tin tức, hình ảnh về đời tư những người nổi tiếng khi chưa được sự đồng ý của họ là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về báo chí, và thậm chí và vi phạm pháp luật về hình sự.

Pháp luật hiện nay có đủ răn đe?

Theo tôi, các quy định về xử phạt trong hoạt động thông tin báo chí tuy đã có song như thế là chưa đủ.

Chúng ta có thể nhận thấy, việc đưa các tít mang tính giật gân, nhạy cảm hoặc thậm chí là phản cảm hiện nay chủ yếu diễn ra trên các báo điện tử để làm tăng số lượt truy cập, qua đó giúp tăng doanh thu quảng cáo. Do đó, việc bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền có lẽ là không thấm so với lợi nhuận mà các báo này thu được.

Bên cạnh đó, khi mà soi mói trở thành trào lưu - như báo Tuổi Trẻ đã phản ánh - dẫn đến việc hàng loạt tờ báo cùng chạy đua để đưa những tin, bài dạng như thế này, thì cũng rất khó các cơ quan chức năng trong việc xử phạt. Đó cũng là lý do góp phần cho trào lưu này ngày càng bùng phát và hiện nay đã đến mức đáng báo động.

Cơ quan chức năng nên sớm can thiệp

Do vậy, theo tôi, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để sớm dẹp bỏ xu hướng lệch lạc này, nhằm phục hồi các tôn chỉ đúng đắn của báo chí, truyền thông cũng như sự sạch sẽ cho đời sống văn hóa của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Theo đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn, ví dụ như áp dụng thường xuyên hơn hình thức rút giấy phép hoạt động báo chí có thời hạn hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc số lần vi phạm và mức độ vi phạm của báo.

Ngoài ra, theo khoản 2 điều 18 Luật báo chí, tổ chức xin thành lập cơ quan báo chí cần xác định rõ tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ. Tuy nhiên, trước sự méo mó trong việc đưa tin hiện nay, tôi cho rằng khá nhiều tờ báo dường như đã bỏ quên mất tôn chỉ, mục đích của mình khi được thành lập.

Bên cạnh đó, trong nghị định Nghị định 02/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí và xuất bản hiện nay, chúng tôi cũng không tìm thấy quy định cụ thể về xử phạt đối với trường hợp báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra.

Do đó, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng nên sớm có quy định về xử phạt đối với trường hợp báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra, nhằm hạn chế sự biến tướng trong hoạt động báo chí, gây ra cách nhìn không tốt của công chúng đối với báo chí.

Khi đã có quy định cụ thể, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát lại các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích của mình và có thể “mạnh tay” rút giấy phép để chấn chỉnh tình trạng này một cách kịp thời.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên