09/08/2013 16:42 GMT+7

Truyền thông bất lực trong vụ phim Đường đua?

NGUYỄN NGỌC THUẦN
NGUYỄN NGỌC THUẦN

TTO - Dư âm phim Đường đua gây tranh luận đa chiều trong giới chuyên môn, truyền thông và nhiều khán giả.

bAumh5Rv.jpgPhóng to
Các diễn viên chính trong phim Đường đua - Ảnh: Blue Productions

Đường đua vừa kết thúc chiếu tại các rạp nhưng dư âm vẫn gây tranh luận đa chiều trong giới chuyên môn, truyền thông và nhiều khán giả. Dư luận xung quanh Đường đua không còn gói gọn trong việc khen chê hay dở về bộ phim này nữa mà đã nhìn rộng ra nhiều mặt như lối đi nào cho công nghệ sản xuất phim ảnh Việt hôm nay, có hay không khoảng cách giữa phim nghệ thuật và phim (thị trường) ăn khách, tác động của truyền thông đối với các sản phẩm văn hóa giải trí ra sao, khán giả Việt khó tính hay dễ dãi…

Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết mang tính gợi mở từ nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Các tựa nhỏ do tòa soạn đặt. Bạn đọc có thể gửi ý kiến của mình ở phần “Ý kiến bạn đọc” bên dưới.

Phim nghệ thuật hay thương mại?

Đường đua - cũng như Bi, đừng sợ, Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng… có một điểm chung là nhận được sự khen ngợi của báo chí. Nhưng đặt Đường đua chung mâm với những phim trên lại hơi khập khễnh, vì đó là một thể loại phim khác, một đối tượng khác, một nhu cầu thưởng ngoạn khác. Sự nhầm lẫn về “cách hiểu” phim Đường đua (được “hiểu” như một bộ phim nghệ thuật đồng thời lại mong muốn gặt hái doanh thu thương mại) có lẽ là nguyên nhân đầu tiên gây nhiều tranh cãi. Trên thế giới, sự “cặp kè” này rất hiếm hoi. Thường người ta hay khởi đầu một bộ phim nghệ thuật, sau đó vì sự thành công về nghệ thuật, trở thành một bộ phim thương mại ăn khách. Chứ ít có một bộ phim thương mại sau đó trở thành nghệ thuật.

Doanh thu Đường đua một lần nữa cho thấy quyền lựa chọn sản phẩm của người xem. Dòng phim nghệ thuật luôn luôn và không bao giờ là trung tâm của toàn bộ khối lượng người xem trên thế giới.

"Trường hợp Đường đua cho thấy truyền thông dù khen hay chê, không phải là một cơ sở đáng tin duy nhất cho một sản phẩm văn hóa giải trí. Cuối cùng vẫn là góc nhìn và sự định vị của sản phẩm bên ngoài báo chí. Vào một ngày nào đó trong tuần, người xem đến rạp họ quyết định mình phải làm gì trước đôi ba sự lựa chọn nào đó đang bày ra. Thuyết phục được quyết định đó mới là quan trọng" - Nguyễn Ngọc Thuần

Với một bộ phim, nếu thuần túy khởi điểm là làm phim nghệ thuật, ví dụ như Bi, đừng sợ chẳng hạn, nếu có ế, kém sự ủng hộ của ví tiền thì cũng không bị một đợt “ném đá” không đáng có như Đường đua. Bởi Bi, đừng sợ có một sự lựa chọn rõ ràng ngay từ đầu, sự khen chê được định vị đúng trong khuôn khổ của nó.

Tôi nghĩ chỉ nên đặt Đường đua vào một dòng phim giải trí nhưng có sự tìm tòi hoặc cách làm, có sự chăm chút, nói chung, đó là một cách làm phim có lương tâm nghề nghiệp của cả một êkip, thế là đủ. Nghĩ vậy sẽ tránh được sự bực dọc không đáng có từ những người bài xích.

Điều kế tôi muốn đề cập là về truyền thông. Báo chí - chỉ xét trong phạm vi khen chê nhận định về một lĩnh vực cụ thể như phim ảnh chẳng hạn - đã dần được hiểu như một sự… nói ngược và đánh mất sự ảnh hưởng.

Đó có thể là do người yêu điện ảnh Việt đánh mất lòng tin vào giới làm phim Việt. Đó có thể là do một tâm thế cởi mở về tranh luận trên mạng. Đó có thể là do một vài nhà báo vì muốn khích lệ nền điện ảnh nước nhà đã đi quá sức chịu đựng của một sản phẩm, khi mà vỏ bọc của nó không chứa nổi những ngôn từ.

Hoặc cũng có thể do vì ganh ghét, khóe cạnh hoặc sự bất tín nhiệm, người ta trở nên hồ nghi một hãng phim mới, một nhóm con người mới muốn làm một “lối đi mới” gì đó (do báo chí thêm thắt).

Quyền lựa chọn của người xem

Đơn giản là quyền bỏ tiền ra mua hoặc không mua một cái gì đó. Nếu làm phim giải trí, bạn phải đảm bảo được điều này. Sản phẩm của bạn phải đứng trong hàng ngũ “quyền được lựa chọn” của công chúng. Còn nếu làm phim nghệ thuật, bạn phải gạt điều đó ngay từ đầu để khỏi hụt hẫng.

Quyền được lựa chọn của người xem đôi khi cũng rất… ất ơ. Ví dụ như sản phẩm Apple dù xa xỉ, giá cao vẫn nằm trong quyền được lựa chọn của người Việt vì đủ tốt, đủ thú vị, hoặc nằm trong chuỗi tâm lý: nó sang nên người ta mua. Tóm lại, nó làm người ta “vui trong lòng” và mua.

Trở lại với phim ảnh. Nếu bạn bước vào rạp bạn sẽ nhận thấy rõ điều này. Những bộ phim được lựa chọn bao giờ cũng là những bộ phim làm người ta “vui trong lòng”. Vui ở đây không hẳn là phim hài. Có phim nhiều khi xem không hiểu lắm, nhưng khán giả có cảm giác chúng “làm sang” cho họ. Họ sẽ mua vé (Riêng phim nghệ thuật tôi không bàn nữa vì đã có cái cớ sự quyền được lựa chọn khác).

Nếu cho Đường đua là một bộ phim nghệ thuật thì tôi nghĩ doanh thu (nghe nói trên dưới 1 tỉ đồng) đã là một thành công so với nhiều phim nghệ thuật khác tại Việt Nam. Nhưng nếu là một bộ phim thương mại thì đương nhiên thất bại. Tuy nhiên đứng về phía sản xuất, tôi nhìn nhận đây là một sự thành công về mặt sản xuất, về hãng phim mới ra lò, về những thứ liên quan.

Nếu bạn không làm gì cả thì bạn sẽ không bao giờ có được bài học. Đó chính là một thứ mà cuộc sống gọi là trải nghiệm. Sự trải nghiệm thì chẳng bao giờ mất đi, chẳng bao giờ lỗ cả.

Giả dụ tôi là nhà sản xuất Đường đua, qua bộ phim này tôi sẽ có được một con số tương đối rõ ràng về số lượng phân khúc khách hàng đã xem bộ phim của mình. Từ đó tôi sẽ có con số rõ ràng về số tiền mình cần chi cho một bộ phim trong tương lai sẽ sản xuất là bao nhiêu để có lời.

Chả có bài học nào là thất bại cả.

* Xem các bài liên quan đến Đường đua:

NGUYỄN NGỌC THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên