Bé Trần Tuấn Anh 5 tuổi bị sốt cao, ho nhiều, không chịu ăn, mẹ bé vội vã ra tiệm thuốc kể bệnh, mua "thuốc liều". Chị được cô bán thuốc khuyên “mua 01 chai này về truyền cho nó mát”. Chị mua liền và mời điều dưỡng tới truyền. Hôm sau bé vẫn sốt, ho nhiều hơn, đưa bé đến bệnh viện nhi, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi cấp. Mẹ bé rụt rè “Xin bác sĩ cho cháu vô mấy chai nước biển…” Bác sĩ nhìn chị, nói dứt khoát “viêm phổi không có vô nước biển”. Chị thắc mắc “sao hai “thầy” nói khác nhau, hay ông bác sĩ nọ không nhiệt tình với con mình?”. Xem ra ông bác sĩ nhiệt tình với nghề nghiệp, còn cô bán thuốc thì chỉ nhiệt tình bán mà thôi.
Còn bác Phạm Đình Nguyên, 65 tuổi bị cao huyết áp. Mấy hôm nắng nóng thấy mệt, con trai thương cha già đi mua một chai đạm về thuê người đến truyền. Truyền được nửa chai bác than mệt, lạnh run, may mà gần bệnh viện nên cấp cứu kịp. Bác đã bị sốc phản vệ, người cao huyết áp đưa thêm một lượng dịch vào sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn làm huyết áp tăng thêm. Vậy mới thấy chuyện "truyền dịch" - bà con thường gọi là "vô nước biển" - đâu có đơn giản muốn là "vô".
Khi nào thì truyền dịch ?
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại dịch truyền nhưng tựu trung có 3 nhóm :
(1) Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng gồm 3 loại cơ bản: loại cung cấp đường là những dung dịch glucose 5%, 10%, 20%, 30%. Loại dung dịch chứa acid amin cung cấp chất đạm như Alversin, Moriamin, Nutrisol...Loại dung dịch cung cấp chất béo như Lipofundin.
(2) Nhóm cung cấp các chất điện giải dùng trong tiêu chảy như Lactate ringer, Natriclorua 0,9%, Natribicarbonate 1,4%...
(3) Nhóm đặc biệt gồm huyết tương tươi, dung dịch albumine, những dung dịch cao phân tử dùng trong những trường hợp bỏng nặng hoặc mất máu nhiều.
Chỉ khi cơ thể bị mất nước do tiêu chảy nhiều lần; khi sốt kéo dài nhiều ngày bị mất nước qua đường hơi thở; khi phẫu thuật ở dạ dày, ruột không thể ăn đường miệng được; khi sốt xuất huyết mà máu bị cô đặc lại mới phải truyền dịch.
Bạ đâu "truyền" đó, coi chừng !
Suy tim, yếu thận, cao huyết áp than mệt mà truyền thêm một lượng dịch vào thì tim phải co bóp mạnh hơn sẽ càng suy yếu. Nếu tim không còn khả năng làm việc (gọi là suy tim mất bù) thì áp suất trong lòng mạch tăng, nước thấm qua lòng mạch gây phù. Tệ nhất là hiện tượng phù não, khiến người bệnh hôn mê. Truyền dịch khi thận yếu, thận không thải được nước cũng sẽ gây phù. Nhiều nước quá thì tất cả các màng như màng phổi, màng tim, màng bụng đều đầy nước gọi là “tràn dịch đa màng”. Khi viêm phổi khả năng lấy oxy cung cấp cho máu giảm đi, các bà mẹ quan niệm bé sốt thì truyền “cho mát” coi chừng có thể làm tăng gánh tuần hoàn phổi gây phù phổi cấp.
Kỹ thuật tiêm truyền cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu làm ẩu không đuổi hết bọt khí ra khỏi dây truyền thì các bọt khí tụ lại thành bọt to gây tắc mạch, đặc biệt hay tắc mạch não, mạch phổi.
Bàn tay người điều dưỡng không vô trùng, không sát trùng cẩn thận cũng sẽ khiến cho người tiếp nhận dịch truyền xong lại đẻ ra bệnh khác.
Tốc độ truyền bao nhiêu giọt trong một phút cũng quan trọng. Truyền quá nhanh có thể gây sốc phản vệ - dạng này hay gặp trong truyền dung dịch đạm thủy phân. Ngay cả khi vô trùng đúng, tốc độ đúng cũng có thể bị sốc phản vệ vì cơ thể người đó quá mẫn với các acid amin trong chai đạm.
Chỉ nên truyền dịch ở bệnh viện
Chỉ nên truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ điều trị. Tốt nhất là truyền ở bệnh viện dưới sự giám sát chặt chẽ của y bác sĩ sẽ hoàn toàn yên tâm vì bệnh viện có sẵn thuốc cấp cứu khi bị sốc phản vệ.
Truyền dịch không có giá trị hạ sốt hoặc “làm mát” như bà con mình thường đồn đại. Khi trẻ sốt các bác sĩ và điều dưỡng thường truyền Glucose 5%. Đây là dung dịch tương đối an toàn nhưng thật ra 500ml dung dịch Glucose chỉ mang lại cho cơ thể 500ml nước và 25 g đường tương đương với 1 muỗng cà phê, bổ dưỡng không đáng kể và "làm mát" cũng không luôn. Nếu trẻ có thể uống thì cho uống nước, ăn cháo, uống sữa vẫn là con đường tốt hơn truyền dịch.
Truyền dịch cũng không có giá trị chữa suy dinh dưỡng bởi các acid amin trong chai đạm vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa nhanh chóng, không làm tăng cân như mọi người tưởng tượng.
Nếu bị tiêu chảy việc đầu tiên là uống Oresol, uống nước, chỉ khi dấu hiệu mất nước nhiều mới truyền dịch bù.
Trong tất cả các trường hợp khi còn ăn, uống được thì việc nạp các chất qua đường tiêu hóa là con đường tự nhiên. Bà con mình đừng quá sùng bái truyền dịch bởi đưa trực tiếp vào máu quả là nhanh nhưng chứa đựng nhiều rủi ro mà chúng ta không tính trước được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận