Truyện ngắn Trung Quốc: Đưa tang

CUNG VẠN OÁNH 15/08/2024 04:04 GMT+7

TTCT - Truyện ngắn của nhà văn trẻ Cung Vạn Oánh, đăng trên tạp chí Chung Sơn.

Truyện ngắn Trung Quốc: Đưa tang- Ảnh 1.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Trên đảo, những đứa trẻ còn học mẫu giáo đã biết nói câu "Mày nhá, mày phải biết chết" (Biết chết, tsai-sí là tiếng Mân Nam, đại loại giống câu "coi chừng chết với tao"). Lỡ gây ra chuyện gì, cũng bị mắng "Con phải biết chết". Biết chết là sự bắt đầu của thời gian.

Tổ tiên loài người sau khi ăn trái, sự chết chóc làm chói lóa cả mắt, thế là thời gian bắt đầu. Nhưng khi thời gian cho con người sự ổn định đủ dài, loài người cứ tưởng rằng sự chết chóc sẽ không bao giờ xuất hiện. Một khi gặp sự cố, bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, loài người lại đột nhiên bừng tỉnh, biết rằng thời gian không phải do mình quản lý.

Khi nhận được điện thoại là trước đêm Giáng sinh.

Lúc đó, Tiểu Phi từ thị trấn nhỏ đón chuyến xe khó khăn vừa mới được khôi phục để vào thành phố chơi, nghĩ đến việc mấy hôm nay do bão tuyết ở trong thị trấn suốt, hôm nay thế nào cũng phải vào thành phố tìm nhà thờ trên tấm bưu thiếp. Đúng lúc đó cô nhận được cuộc gọi video của mẹ.

Khi cuộc gọi video vừa được kết nối, cô thấy mẹ đang khóc nói không thành tiếng, mẹ già đi rất nhiều. Tiểu Phi tim đập thình thịch, sao vậy, sao vậy, mau nói con nghe chuyện gì.

Mẹ nói, Tiểu Phi con nghe cho rõ nhé, ông ngoại con và bà cô con mấy hôm trước mất rồi, hôm nay đưa tang.

Tiểu Phi cảm giác như bị giáng một nện vào đầu, làm hộp sọ bị biến dạng, nghe gì cũng như đang ở xa xăm vọng lại.

Mẹ nói, cả nhà thấy con nhắn tin nói tuyết to, đường đi bị phong tỏa. Người đã đi rồi, con cũng đừng vội quay về, cả nhà cũng lo cho con.

Tiểu Phi choáng váng đứng không vững, lát sau có người đi đường đến đỡ cô, cô mới biết mình đã ngồi phịch xuống trên mặt tuyết, người tan thành nước.

Mẹ nói dối, mẹ có biết những điều hoang đường như vậy không nên nói trắng ra như vậy không? Tiểu Phi cố véo vào mặt mình.

Mẹ nghe vậy, nước mắt nước mũi giàn gụa, Tiểu Phi con đừng nóng vội.

Chú Triệu nói, Tiểu Phi, Tiểu Phi, cả nhà chính là sợ con không chịu nổi. Con nghe mẹ nói, sự việc diễn ra nhanh quá, mẹ ở bệnh viện khóc lóc cầu xin rất lâu, nhưng họ đều đã tắt thở, tim ngừng đập rồi. Bác sĩ nói do bị ngạt khói.

Rốt cuộc là sao? Tiểu Phi hoảng loạn làm rơi điện thoại, vội nhặt lên, một góc màn hình bị nứt thành hình hoa tuyết.

Mẹ nói, Phi à, A Bân là người đầu tiên phát hiện mùi khét trên đường, nghe thấy tiếng con vẹt kêu vang bay thoát ra ngoài. Chú chạy xuống thì phát hiện cột khói bốc ra từ trong tiệm. Ngọn lửa lan nhanh, A Bân muốn xông vào nhưng bị ngọn lửa ngăn lại, gọi lớn cũng không có người trả lời. Xe cứu hỏa một lát là đến, nhưng hai người đều đã chết. Diệu Hương trước giờ đều nằm trên giường, không hiểu sao ông con lại không thể chạy ra ngoài…

Tại sao? Làm sao có thể? Tiểu Phi cố gặng hỏi. Có phải do đèn cầy không? Bà cô Diệu Hương có dạo ký ức trở về thời nhỏ, luôn cầm đèn cầy đi loanh quanh. Có phải chuột làm ngã đèn cầy không? Hay do cái ấm đun nước đã dùng quá lâu bị chập điện.

Mẹ nói, do nổ khí metan, trong ngày hôm đó trên đảo xảy ra 3 vụ nổ tương tự. Nhân viên điều tra nói. Mẹ biết, nếu đợi con về nước mới nói con nghe, con sẽ trách cả nhà. Hôm nay đưa tang, mẹ và chú Triệu bàn bạc hết mấy ngày thấy cần phải gọi video cho con.

Tiểu Phi nói không thành lời, cô vẫn đang cố nghĩ, thậm chí không nghĩ đến việc khóc. Cô đang cố chắp nối các đầu mối, chứng minh những điều mẹ nói là vô lý, tất cả mọi việc đều chưa xảy ra. Nếu dùng suy nghĩ của mình để đời người được kéo dài thêm thì tốt biết mấy. Nhưng cô nhìn thấy đôi mắt mẹ hốc hác, trong màn hình nhìn như hồn ma. Tiểu Phi hận bản thân, tại sao không ép ông và bà cô dọn ra ngoài sống, tại sao không dẫn họ đi du lịch sớm hơn, có lẽ sẽ không xảy ra sự cố như vậy. Những năm gần đây, trên đảo nhà hàng mọc lên như nấm, ngày xưa nhiều nhất là 3 nhà hàng, giờ tăng lên cả trăm nhà hàng, hệ thống cống thải trên đảo đã hơn 100 tuổi, vốn đã quá sức vận hành.

Mẹ nhìn thấy ánh mắt thất thần của Tiểu Phi nói: Phi ơi, việc này không trách ai được, người có số cả.

Mẹ vẫn cố làm ra vẻ cứng cỏi, nhưng chân thì muốn khuỵu xuống, phải nhờ chú Triệu đỡ phía sau.

Chú Bân mắt đỏ hoe nói: Cũng tại chú, chú không sớm về tìm ông con. Hôm đó đi câu cá không được con nào, lượn lờ ở bên bờ hồi lâu. Cũng tại chú. Mấy ngày trước ông con còn nói đùa, sau này sẽ tổ chức đám tang có đoàn thơ ca cho mình, đừng có bày biện nhang đèn, vàng bạc, ngũ sanh nha. Ông con cứ như tiên liệu được mọi việc… Tiểu Phi không còn nghe thấy màn hình bên kia nói gì, cô ôm mặt khóc nức nở trên đường, đau thắt ruột gan.

Một hồi lâu, cô lại giơ điện thoại lên, rất nhiều người đến dự đám tang, Tiểu Phi nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc. Những người đã dọn khỏi đảo, những người từng thất lạc giờ đều tề tựu trước bàn thờ, vây quanh hai cỗ quan tài trang trí hoa tươi. Trong quan tài, ông và bà cô mặc bộ áo vét và sườn xám ngày xưa ăn tiệc ở bờ biển. Miệng ông hé mở, không ngậm lại được, Tiểu Phi nghĩ ông chắc còn nhiều điều muốn nói. Diệu Hương thì ngậm miệng lại, bà cô luôn là người biết nghe lời.

Cuộc sống, cái chết, bình an, tương lai. Những từ này, vốn làm nên những cột đá trong thế giới nội tại, đều bị mưa gió cuốn vào biển cả, bị sóng biển làm xói mòn theo thời gian. Tiểu Phi không biết, những cột đá này sẽ sụp đổ, đến khi cô từ bỏ tiếp tục sử dụng những từ này hay là nó lại xuất hiện với bộ mặt thật, quay trở lại sau khi được đánh bóng.

Sau lễ truy điệu, chú Bân cầm lấy điện thoại.

Mẹ và chú Triệu ôm di ảnh của ông và bà cô, đi thẳng đến lò hỏa táng. Di ảnh là tấm hình Tiểu Phi chụp cho hai người ở khách sạn Biệt thự, vội vàng đổi thành màu đen. Tất cả đều quá hỗn loạn, quá vội vã. Quan tài đi vào băng chuyền. Quan tài nổi trên dòng sông chết chóc. Lò thiêu là một cái lò của ngọn lửa và nhục thể. Họ đã bị lửa thiêu một lần, đây là lần thứ hai. Con tàu hình quan tài phi hành trong ánh lửa đỏ, tính mạng trên biển, cánh diều bị ánh sáng ràng buộc. Linh hồn của họ đã bay đi, như con vẹt vùng thoát khỏi đám cháy.

Tro cốt lấy từ lò ra, những mảnh xương xám trắng lớn nhỏ khác nhau nhưng vẫn có thể phân biệt được hình dạng của chân, tay, mình và đầu. Da thịt đã biến mất, đây là hình ảnh cuối cũng họ còn lưu lại. Nhân viên lò hỏa táng đến, nhặt cốt cho vào hũ. Xương chân được cho vào trước, rồi đến xương mình, tay và hộp sọ cho vào sau cùng đặt phía trên. Chỉ 10 phút, tro cốt đã được cho hết vào lọ.

Sau đó thì màn hình đen thui. Điện thoại Tiểu Phi tự động tắt do trời lạnh.

Tiểu Phi nhìn chằm chằm vào màn hình rất lâu mới dần dần bừng tỉnh, thấy có gì đó không thật. Lửa là nóng. Đối mặt với sự ra đi của người thân, Tiểu Phi cứ nghĩ mãi về việc họ đã trải qua những gì lúc đó. Trên đảo hầu như không có mùa đông, trong hang phải thật ấm áp, nhưng lại trở nên nóng bức. Lửa là nóng. Sinh lão bệnh vui buồn. Sinh lão bệnh vui buồn.

Những ai sống nơi đất khách quê người, sợ nhất là nhận được những cuộc điện thoại như vậy. Mấy ngày sau đó, Tiểu Phi không chấp nhận được sự thật, chạy đi tìm hết công ty du lịch này đến các đại lý vé máy bay nọ như con điên, cô muốn bay về nhà ngay, nhưng đúng dịp lễ Giáng sinh, tất cả các công ty đều đóng cửa. Cô tìm đến công ty cuối cùng, trong văn phòng không một bóng người, một cây giáng sinh đơn giản dựng ở giữa văn phòng, chỉ có một ngôi sao màu bạc lấp lánh lạnh lẽo gắn trên ngọn. Dưới gốc cây, tượng em bé bằng gỗ trong đống cỏ, từng được sinh ra trong niềm hân hoan của mọi người, nhưng nhiệm vụ ra đời của nó là chịu đựng cái chết.

Tiểu Phi không phải không biết, vì trận bão tuyết, khắp nơi hầu như không còn vé máy bay. Cho dù có mua được vé, bay về đảo, cũng sẽ không còn gặp được ông và bà cô. Câu chuyện của họ coi như chấm dứt.

Cô hối hận vì mấy ngày sau đó đã khiến Giáng sinh của đôi vợ chồng già người Đức trở nên ảm đạm, nhưng họ không nói gì nhiều, chỉ âm thầm bầu bạn bên cô.

Ngày cuối kỳ nghỉ lễ, Tiểu Phi quyết định vào thành phố.

Lang thang trong thành phố, Tiểu Phi đột nhiên nghĩ, từ "phiền phức" trong tiếng Mân Nam trên đảo chính là từ "vui vẻ" trong tiếng phổ thông. Nói biết bao nhiêu năm mà không hề ý thức được sự trùng hợp này. Hóa ra vạn vật trên trái đất đều đang than khóc, cho dù đang vui vẻ cũng đang than khóc. Tình yêu có thể tạm thời che đậy tiếng khóc. Chỉ cần cái chết còn tồn tại, cuộc đời quả thật như một bi kịch. Tình yêu cũng thế. Kết cục chỉ có thể là ly biệt.

Đám tang hôm đó, cô thấy chú Bân luống cuống trên màn hình, phải do ông và bà cô tự tay lo liệu mới đúng. Họ nhất định sẽ không khóc mà sắp xếp đâu ra đó, sau đó nói đừng sợ, cuộc đời tựa biển cả, cuộc sống vẫn phải sống tiếp.

Ngón chân Tiểu Phi lạnh cóng, nhưng tất cả các công ty đều đóng cửa, cô loay hoay trên đường, chỉ gặp được một chú hè bán bóng bay, ngoài ra hầu như không có người đi bộ. Xuyên qua con hẻm nhỏ, các cửa tiệm đều đóng cửa kín mít, nhưng cửa sổ vẫn sáng đèn. Có cửa tiệm bán đèn giấy, ngôi sao Bethlehem to làm bằng giấy bìa, trong đó có bóng đèn nhỏ. Ánh đèn thu hút cô. Tiểu Phi ngắm một hồi thì nghe thấy tiếng hát, hướng mắt nhìn sang nơi phát ra tiếng hát, cô ngẩn người đứng chôn chân tại chỗ.

Đây có thể, đây có thể chính là…

Cô ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhà thờ trong danh thiếp của ông. Nhà thờ vẫn mở cửa, đang làm lễ. Trên băng ghế chỉ có Tiểu Phi ngồi. Ông cha và các tu nữ mười mấy người đang trên sân khấu, mỗi câu như đang đọc, mỗi câu như đang hát. Tiếng hát thánh thót của nữ dưới giọng trầm của nam, bay bổng, bay bổng nữa, bay thẳng lên vòm trần của nhà thờ, ở đó có những điêu khắc cũ kỹ đã bay màu sơn, có giếng trời, có ánh sáng. Ngoài vòm trần còn có gió, dang rộng đôi cánh như bồ câu.

Tiểu Phi đột nhiên nghĩ, câu chuyện vẫn chưa hết, cô quên mất cầu thang của ông. Đó là một phần rất quan trọng. Khi lửa bốc cháy, có một chiếc thang từ trong mây hạ xuống. Trong lò khói mịt mù, con người được luyện thành vàng.

Tiểu Phi nhắm nghiền mắt, nhìn thấy một người đàn ông màu vàng, đứng phía cuối thang. Trong màn khói xanh có một người đàn bà bạch kim óng ánh bước ra, tháo bỏ trang sức lấp lánh trên cổ và tay, nhẹ nhàng đưa tay ra cho người đàn ông. Họ môi chạm môi, mắt nhìn nhau, tay nắm tay.

Đó chính là ông và bà cô. Họ bước lên thang. Lên nữa, lại lên nữa. Động tác nhanh nhạy, cứ như hai luồng khói xanh đan xen nhau. Hai hang động dưới khu trung tâm chỉ còn hai cái bóng đen, một cái bóng từ từ đứng dậy quấn lấy chân cái bóng khác, trong ánh lửa sáng chói, bắt đầu quấn quýt lấy nhau. Người đàn ông vàng và người đàn bà bạch kim, khi họ leo lên thang sẽ nhìn thấy hòn đảo phát sáng trên biển, mặt đất tơi xốp quyện vào nhau, còn có thể thấy những bông tuyết mới, trên mặt đất. Tất cả đều trong tầm mắt họ, không bị che chắn, không bị chia cắt bởi xa và gần. Cái chết trở thành cơ hội mới bò ra khỏi tử cung, trượt ra khỏi sản đạo.

Họ có nhìn thấy Tiểu Phi không? Khi họ rời đi, Tiểu Phi có lẽ đang đứng trên mặt tuyết lạnh lẽo, trận bão tuyết trăm năm có một, ông và bà cô chưa bao giờ thấy tuyết. Tiểu Phi đang mặc chiếc áo phao do bà cô tặng, như lớp da mà họ để lại. Con cừu già trong hang, cởi bỏ lớp da sống trên mình đắp lên thân con cừu con, lấy lớp da chết khoác lên mình coi như áo quan.

Tiểu Phi mở mắt ra, cô vẫn ngồi trên băng ghế gỗ dài. Cô thút thít, nhưng vẫn vang vọng lại trong căn phòng trống trải. Những tu sĩ trên khán đài không hề bị ảnh hưởng, họ vốn không phải hát cho cô nghe. Ngồi một hồi lâu, Tiểu Phi rút tờ bưu thiếp ấm áp trong lòng, phát hiện hình ảnh bầu trời gần ngọn tháp cao của nhà thờ đang có tuyết. Tuyết sáng mịn như cát trắng.

Cô chưa hề phát hiện điểm này. Cũng có lẽ, tuyết trong bưu thiếp chỉ vừa mới xuất hiện. ■

CẢNH CHÁNH (dịch từ tạp chí Chung Sơn)

Cung Vạn Oánh sinh năm 1987 ở đảo Cổ Lãng, thành phố Hạ Môn. 18 tuổi, cô rời hòn đảo để theo học ngành thương mại, tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh, từng làm giám đốc thương hiệu một công ty nước ngoài. Sau cô chuyển hướng sang sáng tác, tác phẩm được đăng trên các tạp chí văn học như Văn học Nhân Dân, Thu Hoạch, Tháng Mười, Tây Hồ, Văn học Thiên Tân…

Cô hiện là nghiên cứ sinh sáng tác văn học do Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Viện văn học Lỗ Tấn liên kết tổ chức. Tác phẩm Đưa tang lọt vào bảng xếp hạng văn học truyện vừa của Tạp chí Thu Hoạch năm 2023. Tháng 1-2024, cô xuất bản cuốn sách đầu tiên Nhà trên đảo, với những xúc cảm về quê hương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận