TTCT - Trong khi cuộc đời đâu phải lúc nào cũng có thể rạch ròi. Trường lớp dần thay thế cái nhìn tinh tuyền hồn nhiên về tự nhiên xung quanh bằng mớ tri thức cưỡng bức đi cùng hỏi đòi thành tích và áp lực bất tận. Minh họa: Bích Khoa Tháng chạp ở nhà nội, trời lạnh và sương mù luôn váng vất ngoài vườn. Mặt đất chờn vờn, ngỡ như người ta có thể nhìn thấy hơi thở của từng ngọn cỏ mong manh. Nội nói nếu lặng yên trong những buổi sáng như vậy, có thể nhìn thấy những vong hồn tổ tiên di chuyển trên miền hương hỏa. Khi sương tan, những vong hồn sẽ nhập vào trong kén bướm. Lớp kén sẽ mở ra và các ngài bay lang thang cùng gió trời. Các ngài nhìn ngắm cuộc sống của chúng ta và suy tư. Suy tư là gì vậy nội? - bạn hỏi. “Là nghĩ ngợi trong tĩnh giác, ngồi yên để nhìn thấy sự việc trong đời sống. Khi đầu óc chúng ta chìm đắm trong tĩnh tại, để sống cho một ý nghĩ nào đó...”. Bạn ngồi nhìn con bướm Khế to bằng bàn tay đang đậu trên chùm hoa thiên lý. Nó hấp háy đôi cánh. Rồi lại lặng yên. Bạn hiểu rằng nó đang suy tư. Nhưng con bướm Khế thì suy tư về điều gì? Về chính câu chuyện của hai ông cháu, về hương thơm hay sự chuyển biến từ rực rỡ đến phai tàn của một bông hoa, sự thảng hoặc của một ngọn gió. Hoặc nó đang suy tư về chính nó, vong hồn mà nó đang cưu mang trong cuộc lang thang? Còn bạn, bạn đang suy tư về cái điều mà con bướm đang suy tư. Bởi chính nó đã sải rộng như một chiếc thảm bay giải cứu bạn thoát khỏi bóng tối đêm qua. Nó đã đuổi khỏi tâm trí bạn một đám mây đầy đe dọa để trả về sự trong trẻo thanh bình. Chính đôi cánh hoàng thổ nhốt những vệt đêm sót trong cuộc lãng du vô định đã nuôi trong bạn hình dung rằng những hồn ma thì không có chỗ trong khu vườn vĩnh cửu này. Hồi ấy, con biết không, lần đầu cha con đưa con về khu vườn này, đúng vào mùa mưa. Đó là mùa lũ sâu bướm đang sinh sôi rộn ràng trên đám lá non. Một chiều nọ, nội còn nhớ cha con đã bắt một con sâu xanh từ cuống lá chùm ngây, rồi dùng một cành cây khô nghiến lên mình nó. Máu con sâu xanh bắn ra trên mặt đất sỏi. Con sâu chưa kịp quằn mình phản ứng thì toàn thân nó đã chỉ còn một lớp da nhăn nhúm thảm hại. Nó chết quằn quại, không toàn thây. Con đã khóc suốt buổi chiều hôm đó. Con bỏ bữa cơm tối. Con bắt ba phải đền con sâu cho con. Ba con dùng hết lý lẽ của người lớn để giải thích (ôi, những lý lẽ người lớn mới lòng vòng dại dột làm sao trong trí óc thiện hảo rộng mở của một đứa bé!) rằng nó sẽ ăn trụi hết cây chùm ngây, không còn lá để chúng ta nấu nồi canh buổi tối. Chẳng phải món canh chùm ngây con chịu lắm hay sao. Rằng nó phá hoại khu vườn, chỉ qua một mùa là cây lá khô trụi hết. Rằng nó sẽ bám vào da chúng ta, làm nổi những mụn nước đỏ, rất ngứa và lâu khỏi... Nhưng con vẫn khóc. Nước mắt con chảy dòng, dòng, ràn rụa. Mắt con nheo lại vì khổ đau. Như thể sự đau đớn của con sâu đã dồn tụ trong con. Khi nội bế con ra vườn đi dạo để khuây khỏa, con đã thỏ thẻ vào tai nội: “Ông ơi, nếu chúng ta giết những con sâu thì làm sao con sâu có thể hóa thành con bướm được?”. Ông nhìn vào mắt con. Đó là câu nói của một thiên thần. Nó trong trẻo và thánh thiện như buổi bình minh nguyên sơ của tâm trí mỗi con người trên cuộc đời này, con có biết không. Ông đã nghĩ rằng đứa bé này có duyên với nhà Phật, hay có ơn gọi trong nhà Chúa. Cả hai đều có thể đúng. Nghĩa là nó thuộc về phần thiên khải trọn lành, là tánh bổn thiện tỏa sáng, chan hòa với trời đất. Ông hoan hỉ xoa đầu, soi mình vào đôi mắt trong veo đẫm nước như đôi viên ngọc từ lâu ngủ yên trong lòng giếng sâu. Ông xoa xoa vai con, hôn con rồi dỗ dành. Rằng con sâu sẽ lại hóa kiếp sâu. Sẽ lại vòng đời của nó. Trứng, sâu, nhộng, bướm. Trứng, sâu, nhộng, bướm. Cứ như thế. Cái vòng tròn tuần hoàn của đời bướm cứ nhịp nhàng mãi trong sự tuần hoàn mùa màng của khu vườn, con ạ. Đứa bé ba tuổi của ông. Bây giờ con nằm đây, bên ông, chàng trai hai mươi mốt tuổi đau đớn và khắc khoải như xác con sâu bị giày xéo dưới khúc củi năm nào. Cuộc đời đó, tàn khốc và vội vàng quá, làm sao ông có thể ngờ được. Buổi sáng, con hỏi ông không lẽ bấy nhiêu năm ông không để ý đến một người đàn bà nào hay sao? Ông nói có chứ, nhưng bà nội mi vẫn nhìn ông từ phía sau lưng. Cái cảm giác đó khiến cho ông không thể đi đến với bất kỳ mối quan hệ nào khác. Chuyện đàn ông đàn bà, qua một ngưỡng tuổi nào đó, người ta sẽ chẳng còn hăm hở vì sắc vóc hay thân xác, mà kiếm tìm những giao cảm, sống cho những hồi tưởng ân tình đã qua. Con bật cười, trong nụ cười ông nội lại gặp thằng bé năm nào, ngời ngời lóe lên một chút tinh nghịch và thiện lành. Con đùa con mà như ông nội thì bao nhiêu bà sẽ khổ. Mi giống thằng cha mi, ông nội nói. Con đáp lại thì từ dòng máu ông nội mà ra hết đó chứ. Hai ông cháu bá vai nhau cười. Bàn tay con bóp bóp chỗ vai áo sút chỉ của ông nội, cảm nhận vài nếp cơ hãy còn rắn căng. Con lại bảo đêm ba mươi đâu phải đã tết phải không nội? Cơ bắp nội còn săn chắc chán. Chắc nhiều bà góa đang mơ. Nội vuốt vuốt mái tóc bạc chải lật ra sau coi bộ lúc nào cũng tươm tất, nói mi có thấy bà nội đang nhìn mi từ phía sau lưng không, nói bậy tối bả về đánh đòn cho. Những giờ bên nội con nhận ra cuộc sống chộn rộn chẳng có mảy may len lỏi vào mảnh vườn nhỏ bé, ngôi nhà lặng lẽ này. Phía sau giậu hàng rào hoa dâm bụt, vuông vắn được tỉa tót kỹ lưỡng vào mỗi mùa mưa, thế giới ấy là của riêng nội. Có vẻ như thế giới ấy cũng không có nhu cầu thay đổi gì cả. Trong hình dung của con, cây nhãn vẫn ở cuối vườn, cành nhánh có to hơn, nhưng dáng cây vẫn vậy, như vẽ vào thinh không những nếp rạn nứt suy tư của con người. Và bao giờ trong khóm lá rậm cũng có một tổ ong. Mùa hoa nhãn tháng năm bao giờ cũng nghe tiếng vo ve, rộn ràng như có những mùa lễ hội nối theo nhau đầy hương sắc trong cõi thanh tịnh của khu vườn. Cây khế có vẻ cũng chẳng buồn lớn thêm nhiều. Hoa khế trổ tím những nách lá, đầu cành một màu tím khiêm nhượng, chao ôi, nhìn sâu vào mỗi chiếc hoa cứ như gặp lại từng giấc mộng nho nhỏ ngắn ngủi trong ngày ấu thơ mà đôi khi lòng trí cứ nghĩ đã quên rồi. Ngày trước con èo uột, bệnh vặt, bà nội thường hái khế vắt nước hạ sốt cho con. Bà nội nói vườn mình mỗi loại cây đều là một vị thuốc. Mỗi loại cây đều là cây cầu nối kết với cõi linh thiêng. Tiền nhân đang hộ phù chúng ta qua những vị thuốc vói tay là chạm tới, con có thấy lạ lùng không? Hồi đó con đâu có hiểu. Một đứa bé giận dỗi vì thấy cảnh một con sâu bị giết chết trở thành một đứa thiếu niên tinh nghịch lén nội đốt tổ ong mật, rồi ngồi khóc trù trù trước xác của đám ong say khói, trụi cánh chết la liệt trên mặt đất là một cuộc chuyển hóa tâm tính lạ kỳ mà bản thân con đâu chủ động được (về sau, con mới biết đứa trẻ lớn khôn thực ra là dấn cuộc đời mình vào một hành trình đầy xa xót, nó phải rời xa cõi hài hòa nhất thể với tự nhiên để đến với những ưu tư văn minh bất tận!). Bà nội vừa vắt nước lá tía tô xát lên mấy vết ong chích sưng vù trên trán, má, cổ con vừa dặn: “Đừng nói cho ông nội mi biết chuyện này, ông đánh đòn đó. Cứ để khuây khỏa, bầy ong lại kéo về. Nội sẽ cầu nguyện để ông bà mình đưa bầy ong trở lại chỗ cành nhãn nghe con. Bữa sau con đừng có nghịch ác nữa”. Mùi hương lá tía tô dịu nhẹ thấm sâu vào từng nọc độc khấm khoáy thịt da. Tháng sáu trôi ngoài cửa với những cơn mưa rào khi chiều về. Lá vườn bay xáo xác. Con ngồi tưởng tượng những xác ong rụi cánh trôi trên những dòng nước và hoai hủy trong lòng đất. Những con ong hãy còn ôm túi nhụy hoa đương căng tràn trước bụng, vài giờ trước hãy còn lang thang trên những chùm hoa nhãn thơm hương. Mỗi sáng con dậy sớm, rón rén ra ngó xem bầy ong đã trở về chưa. Bà nội vẫn đứng dõi theo con từ góc cửa bếp. Bà biết nỗi lo âu ân hận của con. Vài lần con bắt gặp tiếng thở dài và nụ cười nhẹ nhõm của bà. Bà tin là bầy ong sẽ về, như tin vào một sự chuyển hóa tốt đẹp nhờ cuộc đối thoại với cõi siêu nhiên. Có một màn sương bàng bạc nào đó cứ phủ lên khu vườn. Đó là những nẻo đường nối thế giới của các vong hồn với cõi sống chúng ta? Làm sao lý giải được. Sách vở giáo khoa không dạy con về điều đó. Thậm chí những cuốn sách đang ngày càng ráo riết xua tan đám khói sương mộng mị trong tâm tưởng những đứa trẻ trước khi chúng bước vào tuổi trưởng thành và bỏ rơi chúng trong một tâm thế bơ vơ, hoài nghi, đòi thực chứng mọi sự. Trong khi cuộc đời đâu phải lúc nào cũng có thể rạch ròi. Trường lớp dần thay thế cái nhìn tinh tuyền hồn nhiên về tự nhiên xung quanh bằng mớ tri thức cưỡng bức đi cùng hỏi đòi thành tích và áp lực bất tận. Con chới với nhiều năm trong một tình cảnh đơn độc không người hướng đạo. Cha ra đi ròng rã theo đuổi niềm đam mê chóng vánh với những người đàn bà xa lạ. Mẹ con đang sống thế nào? - con không muốn nghĩ thêm và thậm chí đã có lúc muốn chôn vùi những ký ức ngọt ngào hiếm hoi của tình mẫu tử. Tháng sáu vẫn những trận mưa chiều sầm sập tối trời tối đất. Bầy ong đã trở về. Bà nội nói thấy chưa, bầy ong đã độ lượng với chúng ta. Vì chúng cũng có đất hương hỏa của chúng. Những con ong chết vẫn ở đó, linh hồn của chúng lang thang trong khu vườn, tiếng vo ve của chúng vẫn vang vọng thinh không, kéo bầy đàn trở lại. Linh hồn của bầy ong, của con sâu xanh bị giết chết năm nào cùng linh hồn lũ châu chấu, cào cào, ngựa trời, chim sẻ, bọ hung... cũng đang lang thang với những vong hồn ông bà tổ tiên trong khu vườn rậm rạp. Chí ít bà nội khiến con tin là vậy. Khu vườn xanh bây giờ mang dấp dáng một bảo tàng những vong hồn, nó khai mở trong con một cuốn sách khác, cuốn sách hướng về cõi thiêng liêng mà con đọc mãi chẳng bao giờ đến trang cuối. Không gì bị hủy diệt hay tan biến nơi đây. Rồi bà nội, đến lượt, cũng đã mở cửa đi vào trong cõi êm đềm xanh ngát ấy, bà nội một lần nữa khiến con tin rằng tất cả chúng ta sẽ đi vào trong cuốn sách bất tận của khu vườn, nơi mỗi cành lá, mỗi đóa hoa rụng là một câu chuyện kể huyền ảo. Sương đã bảng lảng tràn xuống từ mái ngói rêu ẩm. Tháng chín đi qua vội vàng. Mấy cây cam trái chín vàng như phết mật, như cố nối dài vô tận sắc màu thu. Hôm trước có người dưới chợ lên hỏi thu mua, nhưng ông ngần ngừ hồi lâu, rồi nói ừ thì cứ hái, nhưng nhớ chừa cho hai ông cháu tôi một ít để dùng qua mùa đông. Cô ả thu mua hàng đon đả: “Chẳng ai như ông, năm nào cũng để dành. Ủa mà bà mất bao lâu rồi vậy ông?”. Ông nói: “Mất đâu mà mất. Bả đang ở sau lưng cô đó”. Nói rồi cười hề hề, bỏ vô nhà. Một đợt gió lạnh thổi qua tàng cây khế rung rinh khiến khách rùng mình lẩm bẩm: “Ông giờ ơi, đừng có nhát ma con. Nghe mà rợn cả sống lưng à!”. Con vẫn nằm đòng đưa trên võng nhìn đám mây trôi qua hiên nhà và nghĩ về lời ông dặn. Rằng trưởng thành là một hành trình đối diện với mất mát. Một ngày nào đó, người đàn ông hiểu rằng chìm trong sầu não khi chia tay một cuộc tình thời tuổi trẻ hóa ra không phải là mất mát lớn lao. Bởi ta chỉ mất người đó trong trái tim, nhưng người đó vẫn còn hiện diện trong cuộc đời, vẫn hứa hẹn với ta những ân tình chưa dứt. Khi bà nội về chín suối, ông mới thực sự hiểu rằng vĩnh cửu đã phủ bóng xuống tình yêu của mình. Đó cũng là khi thần chết giành giật khỏi tay mình tất cả, bóng hình, tâm tưởng, niềm hạnh phúc lứa đôi. Khi ta thấy khắp nơi có hình bóng yêu thương ấy, nhưng tất cả chỉ là dư ảnh để níu dài một ảo giác choáng ngợp mà xa xăm trong suốt phần đời còn lại. Và ta sống với những choáng ngợp xa xăm ấy. Bóng hình trong tâm tưởng tiếp tục thay vào hiện thực mất mát. Cuộc sống lặn vào bên trong, như một cuộc tưởng niệm kéo dài hướng về vĩnh cửu. Ta hiểu rằng vĩnh cửu cho ta cuộc sống bền lâu bên người tình của mình, chứ không phải cõi trăm năm này nữa. Cho nên con không nên buồn bã day dứt đến vậy. Nếu thực sự nhân duyên chưa đứt đoạn, người ấy vẫn nuôi trong trái tim mình hình bóng của con, đó là cuộc gặp gỡ trong vĩnh cửu. Cuộc sống bên trong chúng ta thật diệu kỳ trong bàn tay tạo hóa. Con đừng trách móc cuộc đời. Kể cả việc ba con không có mặt bên con những lúc như thế này, thì con cũng phải hiểu rằng đó là chọn lựa. Ông không ưa gì những kẻ phong tình, nhưng ông hiểu rằng sau cuộc đổ vỡ của ba mẹ con, cả hai đã không còn tìm thấy mục đích sống. Con biết đó, mẹ con cũng đâu thể tìm thấy hạnh phúc với một gia đình mới, còn ba con thì trôi nổi dễ dãi với những người đàn bà hoang đàng xa lạ. Có ai chữa lành vết thương bằng cách tạo ra những vết thương khác đâu con. Nhưng đó là cái u minh của con người khiến chúng ta cứ quay quắt với cõi trăm năm này. Ông vui mừng khi con về đây, tách rời công việc, tách rời cái thế giới quen thuộc chằng chịt những bận tâm để ngồi với ông trong khu vườn. Và nói chuyện với ông như hai người bạn. Ha ha ha, hai thằng đàn ông cô độc. Vừa nãy ông đã nói rằng con chẳng khác nào một đứa bé tội nghiệp, thiện lành, biết đau vì một con sâu chết, biết day dứt ân hận vì từng đốt cháy đàn ong, thì ông có khác chi. Ông vẫn quẩn quanh từng ngày từng giờ trong một mối day dứt, day dứt mình đã không thể yêu thương người bạn đời của mình nhiều hơn trong cuộc hôn nhân hữu hạn, khi bà còn loay hoay bên cạnh mình trong cuộc đời này. Phải chi mọi thứ trở lại... - Hình như chúng ta chỉ là những người đàn ông trẻ con trong khu vườn này, phải không ông? - Phải, con đã bắt đầu nhận ra. Chúng ta mãi bé dại trong khu vườn này. Làm sao chúng ta hiểu hết mọi thứ ẩn ngữ giản đơn trong từng ngọn cỏ, lá cây quanh đây hả con? Tháng chạp kéo một màn mưa bụi ngang hiên, khiến dáng mai già mới trảy lá vài hôm trước nay đã lập lòe vài cánh chồi xanh. Đứa cháu lau lại di ảnh của bà, nó dừng lại khi chạm vào môi cười rạng rỡ thân quen và kêu lên: “Ông ơi! Ảnh này chắc chụp khi bà còn con gái?”. “Ừ, đúng rồi con. Bà nội mày thích bức ảnh này. Bả tặng ông từ khi mới quen. Ờ, mà sau này mới biết trước ông, bả còn tặng cho một thằng cha khác. Đàn bà thiệt là...”. Hai ông cháu cười giòn. Đứa cháu lại bảo: “Chẳng bao lâu nữa cây mai sẽ nở bông. Bữa nọ khi ông ngủ, có người ghé hỏi mua đem lên thành phố. Cũng được mười mấy triệu bạc đó ông”. “Bậy. Làm sao mà bán được. Mỗi năm ông chỉ chờ đợi những ngày như thế này. Con thấy đó, cây cối đang trò chuyện với chúng ta. Câu chuyện tuyệt vời của thời gian. Mà hồn mai linh thiêng lắm đó con. Ngó cây mai nở mà biết trước một năm sáng sủa hay đen đủi. Nhớ cái năm bà nội mày mất, cây mai chỉ ra đúng một bông vào sáng mùng một. Một bông lẻ loi nở suốt mấy ngày tết rồi khô trên cành chứ không chịu tàn. Vậy đó, linh thiêng lắm. Nên sau này ông mà có chết mày cũng phải giữ lại cây mai đó trong sân nghe chưa”. Đứa cháu dạ ngoan ngoãn. Tiếng “dạ” thằng bé lên năm. “Ba con nhắn tin nói tối nay sẽ về ăn tết với ông cháu mình, có dẫn theo một cô nữa đó ông”. “Thiệt tình... Mà thôi, có về là được rồi. Chứ ba thằng đàn ông với nhau kể cũng buồn”. “Chứ không phải ông nói bà luôn nhìn ông từ phía sau lưng sao?”. “À, thì có. Bà mày có bao giờ rời khỏi căn nhà này đâu. Có hôm bả làm tao sợ chết khiếp”. “Bà về cho ông thấy sao?”. “Ờ... Chứ sao nữa... Bả ở trong từng lá cây, từng góc vườn, nơi chạn bếp, nơi giường ngủ, trong phòng khách... Lúc nào chẳng thấy bả”. Đêm cuối năm, làng quê tịch mịch. Những rôm rả thường ngày thu về bên dưới từng nấm nhà, khoảnh vườn. Đó là thời tôi còn đôi mươi. Khi ông tôi còn khỏe mạnh và chưa lẫn như bây giờ. Chúng tôi mắc bóng điện lên cành mai, trải chiếu nằm dưới cội mai già và chờ đợi. Ông tôi nói đêm cuối năm là những đêm dằng dặc đợi chờ, dẫu biết có những đợi chờ trong vô vọng, nhưng nuôi cảm giác ấy là ta được gặp gỡ với thiên thu. Tôi nằm vắt tay lên trán và nghĩ về Mai. Nghĩ về quyết định đoạn tuyệt để nàng thanh thản ra đi. Tôi luôn tự hỏi cuộc hôn nhân vội vàng đó có đem lại hạnh phúc cho Mai trên một xứ sở xa lạ? Tôi đã học cách ngồi tĩnh lặng để định tâm trong nhiều ngày, khi đó, tôi dìm cảm giác sầu hận ủ dột xuống đáy sâu tâm hồn và truất hữu nó, cả những tiếc nhớ nữa. Bốn năm ròng rã của thời sinh viên, chúng tôi đã sống hết mình cho một cuộc tình quá nồng nàn và thơ mộng. Còn lại là sự đưa đẩy của nhân duyên. Bên ông nội những ngày tháng đó, tôi tin vào nhân duyên và sự nối dài trong thiên thu của một tình yêu. Còn cha tôi, ông nội vẫn nói là kẻ kém lòng tin. Cha vẫn mở những cuộc đeo đuổi, đón bắt, quay quắt mất mát và lại đeo đuổi... cái vòng luẩn quẩn ấy khiến ông tiều tụy. Một vài lần cha tôi trở về với hai ông cháu, ngồi trong bữa ăn, cha lặng lẽ. Nỗi lặng lẽ chất đầy phiền muộn. Ba cái bóng đổ dài trên vách rồi lặng lờ di chuyển qua nhau. Ba gã đàn ông mất mát và lặng thinh đều hiểu rằng chỉ cần một câu nói bình thường nhất buông ra trong lúc ấy cũng có thể tạo ra một mối tổn thương và rạn vỡ khó hàn gắn. Nên chúng tôi lặng thinh như vậy, từ mâm cơm đến bàn trà. Chỉ nghe tiếng ông nội thi thoảng thở dài mỏi mệt mỗi lúc quay lưng bước đến tấm phản. Những lúc đối diện cha mình, tôi cứ tự hỏi liệu cha có còn nhớ mình là đứa con trai của ông hay không? Trong cuộc lang thang sấp ngửa với những người đàn bà, người đã quên đứa con mình đang lớn, đang gặp phải chính những vấn đề mà ông đang gặp phải? Và mẹ tôi nữa, người có hạnh phúc hay không với gia đình mới? Đôi lần tiếng mẹ nấc nghẹn trong điện thoại, tôi chỉ biết nói rằng: “Mẹ giữ sức khỏe, đừng lo lắng, con ở với ông nội ổn mà!”. Tôi nằm vắt tay lên trán, ông nội cũng vậy. Những cánh hoa mai nở sớm bắt đầu rụng khẽ khàng trong đêm. Không âm không vọng. Có khi chỉ sau một cuộc chuyện trò bâng quơ giữa hai ông cháu, ngó lại những cánh hoa mai đã trải thảm vàng xung quanh chiếu nằm. Ông nội trầm ngâm: “Con ngó kìa, mỗi cánh hoa vàng rụng là một đôi mắt nhìn lên những bông đang nở rộn ràng. Chúng đang chuyện trò với nhau xuyên qua khoảng cách của không gian, bằng hương thơm vi diệu”. Khi đó, tôi nhìn qua cửa sổ, thấy trong ánh đèn trái ớt sáng trên bàn thờ có nụ cười ấp áp thanh xuân của bà nội. Lão mai xòe trăm cánh tay với nụ non, lộc xanh và hoa vàng ôm choàng manh chiếu của hai ông cháu tôi, càng về khuya, mùi hương thanh tao càng bềnh bồng trong tâm trí. Và những cánh hoa vàng vẫn âm thầm rơi như muốn phủ lên giấc ngủ hai người đàn ông cô lẻ những lời ủi an. Bầy ong đang ngủ ngoài vườn. Những vong hồn ong chết lang thang trong giấc mơ, chỉ lối tìm mật cho bầy đàn đang sinh sôi sung túc giữa một mùa hoa. Con sâu trong ký ức tuổi nhỏ trở về ngủ vùi trong lớp kén chờ ngày vỗ cánh phấn chu du dưới nắng xuân. Cây khế vẫn những bờm hoa tím ngát. Mấy luống thuốc nam mọc dày thêm. Khu vườn vẫn ôm vào đó những cuộc đối thoại lặng thinh và bí mật khi mỗi mùa xuân trở về. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng kéo cửa. Tiếng ông nội lặng lẽ trở mình và đứng dậy đi về phía cổng, lặng lẽ đẩy cánh tấm liếp tre. Giọng người đàn ông trung niên chùng xuống mỏi mệt: “Ba cứ để nó ngủ thẳng giấc”. “Ừ, đi xe cộ mệt không con? Sao về tới khuya vậy? Làm gì mà hốc hác vậy con?”. “Dạ... Con ổn mà ba. Xe hỏng giữa đường”. “Tắm rửa đi, còn mấy khúc bánh tét và nồi thịt kho tàu, ăn đi rồi nghỉ ngơi. Nhớ thắp nhang cho má, báo cho bả biết đã đến nhà nghe con”. “Dạ. Thằng nhỏ ổn chưa ba?”. “Ổn, nó vững lắm. Tội nghiệp...”. “Cây mai năm nay đẹp ha ba?”. “Ừ, có người trả mười mấy triệu bạc ba không bán. Năm nay hoa nhiều và hương thơm lạ lắm. Này, tắm rửa ăn uống rồi vác chiếu ra đây nằm ngủ với hai ông cháu nghe con”. “Dạ”. Tôi cố gắng thở đều, làm như thể đang ngủ say, không hề hay biết cuộc chuyện trò của hai người đàn ông. Một cánh hoa mai đậu nhẹ trên môi tôi, như một nụ hôn khẽ khàng như nụ hôn Mai trao cho tôi. Hương thơm của nhụy hoa hãy còn phảng phất, nuối vào giấc mơ đẹp của một đêm cuối năm trong vườn quê nhà, nơi mỗi tình yêu đều trở thành vĩnh cửu.■ Tags: Nguyễn Vĩnh NguyênKhu vườn vĩnh cửu
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Concert 2024 thắng lớn, không chỉ có 'anh trai' mà có cả Hà Anh Tuấn, Đức Trí, Vũ. và Phương Mỹ Chi ĐẬU DUNG 24/12/2024 Năm 2024 là năm đại thắng của thị trường concert Việt Nam. Trong đó có đóng góp quan trọng của hai chương trình đại chúng Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai.
Mạo danh nhân viên ngân hàng vay gần 20 tỉ đồng đáo hạn rồi chiếm đoạt A LỘC 24/12/2024 Bằng thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng đang cần vay tiền để đáo hạn, Lê Thị Huỳnh Như, 26 tuổi, đã lừa đảo chiếm đoạt thành công gần 20 tỉ đồng.
3 cựu phó giám đốc sở nhận hối lộ vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị đưa ra xét xử THÂN HOÀNG 24/12/2024 Ba cựu phó giám đốc sở ở tỉnh Thái Nguyên và Quảng Nam bị đưa ra xét xử với cáo buộc nhiều lần nhận tiền để giúp doanh nghiệp xin chủ trương cách ly y tế, trong vụ án 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2.
Bán kết ASEAN Cup 2024: Ai thay Văn Toàn 'tiếp đạn' cho Xuân Son? NGUYÊN KHÔI 24/12/2024 Chấn thương của Văn Toàn buộc HLV Kim Sang Sik phải bố trí người thay thế thích hợp nhằm giúp tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son thi đấu hiệu quả trước chủ nhà Singapore ở trận bán kết lượt đi ngày 26-12 tới.