Minh họa: Kim Duẩn |
Cái nhớ của người già là cái nhớ sau lưng. Mà cái sau lưng là cái đã qua rồi, qua lâu nữa là đằng khác nhưng chị có tật cứ hay nhớ tới nhớ lui cho nên nỗi nhớ của chị cái nào cũng cũ mèm, trầy xước, rệu rã...
Chị vào Facebook, nhắn tin: “Mập ơi, Mập à! Má nhớ quê quá”. Nó trả lời bằng cái mặt cười bự chảng. “Sao cười?”. “Vì có khi nào má không than nhớ một cái gì đó đâu”. “Nhưng má nhớ thật mà”. Lần này là cái mặt cười to hơn: “Có thật là nhớ quê không đó?”. Chị bỗng ngớ người ra. Ơ...! Lần đầu tiên chị thấy hoang mang, mơ hồ về nỗi nhớ của mình.
Thằng Mập là đứa hiểu chị nhất, bao dung với chị nhất, theo cái nghĩa vui vẻ chấp nhận mọi “thói hư tật xấu” của mẹ mà không kêu ca. Nó có thể kiên trì ngồi nghe chị kể lể, dông dài những nỗi nhớ mốc meo, xưa cũ bằng một giọng điệu rất mới và những giọt nước mắt tinh khôi.
“Hồi đó, má từ Sài Gòn theo chồng về quê, cái tết đầu tiên, má nhớ nhà, nhớ ông bà ngoại, nhớ dì và các cậu, nhớ bạn bè, nhớ cái xóm nhỏ ngoại ô mà má đã trải buồn vui suốt một thời thơ ấu. Nỗi nhớ lấn át cả tình yêu má dành cho bố. Giá như ngay khi ấy, được chọn lựa, má sẽ quyết định... về nhà. Nhiều cái tết sau nữa, má vẫn không được về nhà ngoại ăn tết. Nhưng nỗi nhớ của má đã khác. Má chọn bố và các con cho gần ba mươi cái tết không về quê ngoại”.
Nước mắt chị bắt đầu ứa ra. Lại một cái mặt cười bự chảng: “Sắp kể đến chuyện anh hai rồi đây!”. Đã bảo thằng Mập là đứa “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” má nhất mà. “Chỉ với một suy nghĩ duy nhất để anh con có thể vào đại học, má đã đẩy nó xa vòng tay má lúc nó mới lên mười. Năm đó, ông ngoại về rước anh hai lên Sài Gòn đi học.
Nhìn con đò khuất ngã ba sông, má đứt từng đoạn ruột. Đó là cuộc chia ly làm má đau đớn nhất, làm má day dứt và ân hận cho đến tận bây giờ. Sau đó là những năm tháng má sống trong triền miên nỗi nhớ các con. Hết anh hai tới chị ba tiếp tục đi học xa nhà. Mỗi mùa tết má càng thấm thía hơn giá trị của sự sum vầy”.
Vậy mà gần ba mươi năm sau, chị lại tự mình bày cuộc chia ly. Thằng Mập bé xíu lon ton theo má trở về Sài Gòn. Chị trở về. Xóm nhỏ ngoại ô đã thành thị tứ, các em lớn khôn thành đạt, ba mẹ đã tóc bạc da mồi, ngôi nhà nhỏ được cơi nới khang trang. Chị trở về “điền vào chỗ trống” cho ngôi nhà đủ đầy, ấm áp.
Nhưng bên cạnh niềm vui đoàn tụ ấy, một nỗi nhớ khác lại rền rĩ trong chị. Đó là nỗi nhớ ngôi nhà có ô cửa nhỏ nhìn ra một góc vườn, nhớ tiếng chim tíu tít rộn ràng mỗi sớm mai, nhớ tiếng gà xao xác khi trưa vắng, nhớ mùi khói bếp, nhớ tiếng con chim vịt gọi bạn buổi chiều về... Ban đầu chị cũng tưởng chỉ có thế. Hóa ra không phải.
Có những đêm thật dài, khi nỗi nhớ ràn rụa lẫn vào bóng đêm sâu thẳm, chị biết chị còn thao thiết nhớ... tiếng một người. Bởi vậy câu hỏi “có thật là nhớ quê không đó” kèm theo cái mặt cười bự chảng của thằng Mập vừa hiện ra làm chị thấy chột dạ (thằng Mập vẫn hay “đi guốc” trong bụng má). Thằng Mập bây giờ đã lớn, đã biết tự mình về thăm bố. Mỗi lần đi, nó hay trêu chị “có ai nhớ... “quê” hong ta. Mập cho quá giang”. Nó biết tỏng chị than nhớ quê thực ra là chị đang nhớ người.
Cái người mà chị cả đời lẽo đẽo đi theo, bất chấp tuổi thanh xuân, bất chấp tàn phai nhan sắc, bất chấp sự khác biệt về lối sống, suy nghĩ, khoảng cách nông thôn - thành thị, bất chấp mười mấy con người xa lạ mà chỉ qua một đêm, chị và họ bỗng trở thành người một nhà, bất chấp những lần chị bị họ ức hiếp mà anh không dám đứng về “phe” chị. Anh bỏ mặc chị một mình hứng chịu giông bão. Bỏ mặc chị cả khi chị bị cuộc đời băm vằm rã nát. Bỏ mặc chị loay hoay đối phó với bề bộn cuộc sống.
Ngày, chị ra đường kiếm tiền. Đêm về, chị đối mặt với hằm bà lằng công việc nội trợ. Khi làm cha, chị thiếu một chút mạnh mẽ, quyết đoán. Lúc làm mẹ, chị thiếu một chút mềm mỏng, dịu dàng. Vai nào chị cũng thiếu một chút. Không có vai nào là hoàn hảo. Cảm giác cô đơn, mỏi mệt, thất vọng, chán chường, cuộc sống nghèo túng, lẩn quẩn... khiến chị quyết định “xả vai”.
2 Vậy mà cũng đã hơn mười năm kể từ chị rời xa anh. Đêm giao thừa, khói hương trầm mặc, nến và hoa lung linh. Chị nhắm mắt, chắp tay trước ngực. Trong mênh mông vô thức, chị nghe có tiếng chân người giẫm lên lá khô xào xạc giữa vườn khuya - tiếng chân nghe cô độc quá. Chị thấy anh già nua, khắc khoải, ân hận, nhớ tiếc... đứng tựa ô cửa nhỏ trông ra một góc vườn - đêm ba mươi mịt mùng đen thẳm. Chị lâm râm cầu nguyện. Lời nguyện cầu bình an mang tên anh. Nước mắt chị ứa ra. Không qua mắt thằng Mập được. Chị tự thú “má nhớ quê!”. “Nhớ quê thì về thăm... quê. Mập chở má đi”.
3 Xe bon bon qua cầu. Tự dưng thằng Mập hỏi: “Má! Má còn yêu bố không? Nếu có cỗ máy ngược thời gian, má có... lấy bố không?”. Chị vòng tay qua bụng thằng Mập, áp mặt vào lưng nó, tính trả lời “không” nhưng kịp nhận ra cái bụng của nó sau mấy ngày tết xề xệ mỡ êm êm, nghe mùi mồ hôi lất phất quen thuộc của con, chị trả lời: “Má vẫn muốn y chang như vậy. Vì có y chang như vậy má mới đẻ ra ba đứa tụi con, mới đẻ ra thằng Mập của má chứ”.
Thằng Mập đưa tay bóp thật chặt bàn tay chị trên bụng nó. Xe xuống hết chân cầu, rẽ phải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận