TTCT - "Mẹ em là giáo viên dạy văn. Vậy mà khi em báo tin có tập thơ được xuất bản, mẹ rất hững hờ. Mẹ không nói ra nhưng thái độ của mẹ có ý là “Thơ với thẩn gì cơ chứ. Tuổi này rồi thì lo lấy chồng đi cho tôi nhờ”. Minh họa: Lê Khoa Tôi vừa kể vừa cười ha hả. Phong cũng cười theo. Bọn tôi nói chuyện rôm rả khi tôi ngồi cạnh Phong trên chiếc Mercedes của anh. Thú thật là cuộc đời tôi gắn liền với xe hai bánh, nên được ngồi trên xế hộp, tôi có tí vênh váo. Tôi còn ước giá mà giờ gặp người quen nào đó ngay lúc bước xuống xe thì hẳn tự hào lắm. Nhưng rồi cảm giác vênh váo đó cũng nhanh chóng qua đi, tôi tự thấy buồn cười với sự phù phiếm của bản thân. Phong học ngành vật lý hạt nhân ở Hàn Quốc, về nước không có công việc phù hợp, anh rẽ ngang làm biên dịch, rồi biên tập, rồi học thêm các lớp nghiệp vụ báo chí. Anh vừa lên chức phó tổng năm ngoái. Phong đã ly hôn. Cô con gái ba tuổi của anh vẫn sống với mẹ ở Hàn Quốc. Thời sinh viên tôi và hai cô bạn cùng phòng đều học ngoại thương. Ra trường, tôi làm cho một công ty kiểm toán, một đứa bạn làm cho ngân hàng, đứa còn lại làm cho một công ty xuất nhập khẩu. Tốt nghiệp xong ba đứa cùng khăn gói khỏi khu nhà trọ sinh viên tồi tàn chuyển đến căn hộ trên tầng mười chín của một chung cư hai mươi tầng. Tòa nhà hai mươi tầng tôi đang sống nằm ngay dưới chân cầu hướng về phía bờ sông, một khối bêtông thô vụng cồng kềnh như đấm thẳng vào tầm mắt. Những ô cửa chật chội giống hệt nhau như một dãy nhà tù. Không một khoảng xanh nào bao quanh cái khối bêtông đồ sộ và trơ trọi ấy. Đi làm và về nhà đơn giản là di chuyển từ cái hộp này sang cái hộp khác. Tất cả chỉ thay đổi khi tập thơ đầu tiên của tôi được xuất bản. Tôi dùng tất cả số tiền có được từ thành công ban đầu này để đầu tư cho một chuyến du lịch châu Âu năm ngày kiểu tiết kiệm. Nơi đầu tiên tôi tới là Rome. Theo lời giới thiệu của Phong, tôi liên lạc với một người tên Phi, biệt hiệu là Phi “Roma”, cậu này chuyên đưa đón, hướng dẫn tham quan và cho người Việt sang Rome thuê phòng giá rẻ. Phi dặn tôi cứ chờ ở sân bay, cậu ta sẽ tới đón. Rất đúng giờ, Phi đón tôi cũng bằng một chiếc Mercedes trên đường cậu tiện đi làm về. Khác với tưởng tượng của tôi, Phi rất trẻ, chắc chắn thuộc lứa 9X. Cậu cắt tóc kiểu Cristiano Ronaldo. Cái bụng phệ tuổi trung niên tương phản với khuôn mặt búng ra sữa. Đoạn đường từ sân bay về nhà Phi khá xa, trên đường cậu giới thiệu với tôi về Rome, những trung tâm mua sắm, các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. Phi cũng không quên tự giới thiệu mình tốt nghiệp ngành kiến trúc và đã đi làm. - Giờ em thiết kế mái che lưu động cho mấy gara ôtô. - Có vẻ không liên quan lắm đến ngành học nhỉ - tôi hỏi. - Cũng không hẳn. Nhưng chị cũng thấy đó. Ở đây người ta chỉ tập trung trùng tu những gì đã có thôi. Họ hầu như chẳng xây mới gì nên kiến trúc sư không có việc làm. - Sao em không về Việt Nam làm việc? - Em thấy kiến trúc ở Việt Nam buồn cười lắm ấy. Em không làm được mấy phong cách đó. Phi chỉ cho tôi căn phòng nhỏ tôi đã thuê. Đó là một căn hộ siêu nhỏ có một phòng tắm, một phòng khách đồng thời là phòng ăn và phòng ngủ. Giữa phòng là một cái sôpha giường mà tôi đoán tối nay mình sẽ ngủ ở đó. Ngoài ra có một tủ áo rất cũ mỗi lần mở ra là kêu kọt kẹt. - Bố mẹ em mua cho em một căn hộ khác rộng hơn. Căn này để cho thuê. Thu nhập chính của em là từ tiền thuê nhà và đưa khách Việt Nam đi du lịch. Thiết kế mấy cái mái che chỉ đủ tiền tiêu vặt thôi - Phi giải thích. - Chị để hành lý ở đây rồi chịu khó đi chơi một lát quay lại nhé. Khách vừa đi xong, em chưa kịp dọn phòng. Tôi để lại hành lý, một mình tản bộ ra Vatican chỉ mất bốn mươi phút từ chỗ ở. Vatican hiện ra trước mắt tôi là một vùng đất nhỏ bé nhưng thật linh thiêng. Vòm cong cổ kính được tạo thành từ những cột đá uy nghi. Ngẩng đầu cao lên thấy các vị thánh như đang cất mình khỏi những cột đá kỳ vĩ đó để hòa tan trong những đám mây đang ngang qua bầu trời. Rời Vatican, trên đường tôi tản bộ ra cầu Ponte Milvio thì trời đổ mưa lớn. Thế là tôi đành quay ngược lại nhà nghỉ. Phi vẫn chưa dọn dẹp phòng như đã hứa. Bằng chứng là vẫn còn dấu tích của rác trong thùng và những vết nhàu trên drap trải giường. Chuyện này làm tôi bực mình. Khi tôi mở cánh cửa tủ kêu cót két để lấy móc treo quần áo ướt lên thì phát hiện một chiếc máy ảnh Nikon loại chuyên nghiệp. Có lẽ nó là của người khách cũ bỏ quên. Tôi vội vàng nhắn cho Phi về cái máy ảnh, biết đâu người khách cũ kịp quay lại lấy. Nhưng Phi bảo người khách đó đã lên máy bay rồi. Cơn mưa lớn giữ chân tôi suốt buổi tối trong nhà nghỉ. Nước mưa chảy thành hàng ướt mờ cửa kính. Những con đường đá đẫm nước như hàng triệu mảnh gương vỡ phản chiếu vầng sáng của đèn đường, một thứ ánh sáng ướt đẫm và run rẩy. Sự buồn chán lẫn sự tò mò kích thích tôi mở chiếc máy ảnh Nikon đang nằm trong giỏ chuyên dụng. Ban đầu tôi thấy những tấm ảnh không có gì đặc biệt. Đó là những khung cảnh khác nhau của Rome, dòng sông, quảng trường Colosseum, đền Pathenon... Rồi tôi nhìn sang con người trong từng bức ảnh. Không có khuôn mặt của bất kỳ người cụ thể nào. Chỉ có lưng của họ. Tất cả những tấm ảnh chụp người đều từ sau lưng. Giữa một đêm Rome mưa tầm tã, những bức ảnh bí ẩn xuất hiện trong một chiếc máy hình bỏ quên làm tôi nhớ tới những câu chuyện của Dan Brown. Hôm sau, trước khi tôi trả phòng để bay từ Rome sang Paris thì Phi báo với tôi là người khách bỏ quên máy ảnh có liên lạc lại. Anh này họ Leung, người Đài Loan, hiện sống ở Paris. Biết tôi sắp sang Paris, anh ta ngỏ ý nhờ tôi cầm giúp chiếc máy ảnh sang, anh vô cùng biết ơn và hứa sẽ hậu tạ. Tôi đồng ý. Leung hẹn gặp tôi lúc sáu giờ tối ở chân kim tự tháp lớn nhất trong Bảo tàng Louvre. Tôi không phải là người am hiểu nhiều về nghệ thuật, nhưng đã đến Paris thì không thể không vào Bảo tàng Louvre. Sau một ngày lòng vòng qua các phòng trưng bày tranh, tượng, gốm, điêu khắc đương đại, tôi ngồi lại thật lâu ở quảng trường chính, ngắm những con bồ câu đậu bất động trên vai những bức tượng và thử tưởng tượng xem trong cái đầu nhỏ bé của chúng đang nghĩ những gì. Nắng vẫn còn chói chang. Mãi chưa tới sáu giờ. Tôi hít sâu, nén đầy lồng ngực cái khoảnh khắc châu Âu diệu kỳ vút qua đời mình, cố gắng để không bồn chồn. Sáu giờ kém mười, tôi đi tìm kim tự tháp lớn nhất trong Bảo tàng Louvre, tự hỏi mình có đến sớm quá không. Có rất nhiều người đang đứng quanh cái kim tự tháp đó, ai trong số họ có thể là Leung? Từ phía chân kim tự tháp, một người đàn ông tiến về phía tôi với gương mặt rạng rỡ vẻ biết ơn. Anh ta giới thiệu tên là Wai, họ Leung rồi vội vàng bắt tay tôi trong khi tuôn ra đầy những lời tốt đẹp rằng tôi thật quá tử tế. Leung mời tôi ăn tối và xem hòa nhạc biểu diễn ở một thánh đường ngay trung tâm Paris. Nhưng vì còn sớm, chúng tôi đi bộ dọc theo sông Seine. Leung ngoài ba mươi tuổi, cao gầy. Bóng anh đổ dài xuống cầu trong một chiều Paris lâu tắt nắng. Sau một hồi đắn đo, tôi cũng lên tiếng thú nhận. - Xin lỗi về điều này, nhưng tôi đã xem tất cả những bức ảnh trong máy của anh. - Ồ, vậy sao? Bạn không cần xin lỗi. Thật may là không có gì riêng tư hay nhạy cảm trong máy ảnh của tôi. - Tôi thật sự thắc mắc. Tại sao anh chỉ chụp mọi người từ đằng sau? - Bạn có biết phim “A one and a two” của Edward Yang không? Trong phim có một cậu bé thích chụp ảnh, nhưng cậu ta chỉ chụp mọi người ở những góc độ mà họ không thể tự mình thấy được. Ngày nay người ta có hàng trăm công cụ selfie và hàng trăm công cụ chỉnh sửa ảnh sao cho mình đẹp nhất. Nhưng không ai quan tâm nếu nhìn từ sau lưng thì trông mình sẽ ra sao. Thì ra lý do là vậy. Tôi hơi thất vọng. Tôi cứ mong chờ đằng sau những bức ảnh phải có điều gì kỳ bí hơn. Tôi và Leung còn nói tiếp về nhiều chủ đề khác. Khi ta có thể nói rất nhiều chuyện với một người mới quen thì đó không đơn thuần là một cuộc gặp gỡ mà là một mối lương duyên kỳ lạ. Ban đầu Leung định mời tôi ăn tối ở một nhà hàng để cảm ơn, nhưng không hiểu sao anh đổi ý và mời tôi về nhà riêng ăn món cơm paella kiểu Tây Ban Nha. Ban đầu tôi hơi do dự vì chúng tôi chỉ vừa mới gặp nhau, nhưng rồi tôi cũng gật đầu trước thành ý của Leung. Leung sống độc thân trong một căn hộ, phía dưới là tiệm cắt tóc của chính anh. Trên tường treo ảnh các cô gái với mái tóc khác nhau. Tất cả các bức ảnh đều chụp từ đằng sau. Leung dọn bữa tối ra bàn ăn ngoài bancông. Trên tủ bếp treo tấm bằng MBA ngành quản lý dự án do một đại học ở Hàn Quốc cấp. - Ồ! Anh học MBA để quản lý tiệm cắt tóc sao? - Ha ha. Tất nhiên là không. Tôi cũng mất nhiều năm tuổi trẻ mài đũng quần trong bao nhiêu công ty kiến trúc xây dựng các kiểu. Tôi từng làm việc ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan. Công việc của tôi là nghiên cứu luật xây dựng, quản lý các bên liên quan, vẽ những bản vẽ tỉ lệ một phần ngàn, rồi một phần năm trăm, rồi đeo đuổi những dự án nhiều khi dài hơn cả đời mình. Tôi đến văn phòng mỗi sáng mà không biết hôm nay mấy giờ mình có thể về nhà. Có những dự án tôi bỏ nhiều tâm huyết nhưng không bao giờ đủ thẩm quyền để quyết định kết quả cuối cùng sẽ ra sao. - Rồi anh bỏ nghề? - Hồi sinh viên tôi hay cắt tóc cho bạn bè, những người không có tiền vào tiệm cắt tóc. Giờ thì tôi kiếm tiền bằng nghề cắt tóc chuyên nghiệp. Mỗi lần cắt xong một cái đầu là tôi cầm được chắc chắn năm mươi đồng. Ai dám bước ra khỏi cửa tiệm của tôi mà không trả tiền. Còn dự án, lấy được đồng tiền mồ hôi của mình rất vất vả. Đó là chưa kể dự án treo, dự án chết nửa chừng. Điều quan trọng là với mỗi kiểu tóc, tôi được toàn quyền quyết định nó sẽ như thế nào, còn với những dự án xây dựng thì không. Tôi chỉ tay vào tấm ảnh Marion Cotillard trên poster của Dior. - Vậy nếu tôi muốn cắt kiểu tóc Marion Cotillard này thì anh lấy bao nhiêu tiền? - Tám mươi đồng. Nhưng bằng lương tâm nghề nghiệp, tôi khuyên em không nên lãng phí tám mươi đồng đó. Kiểu tóc này không hợp với em đâu. Bữa tối kéo dài khá lâu. Tôi nói với Leung rằng tôi ước gì lúc này trời đổ mưa như trong phim “Midnight in Paris”. Thành thật hơn, tôi ước gì trời mưa để có thể ở lại căn hộ của Leung lâu hơn chút nữa. Nhưng thời tiết thật ít khi chiều lòng người. Đêm đó trời trong xanh không một gợn mây, chỉ có những cơn gió đầu mùa thu se se lạnh. Leung đưa tôi về lại khách sạn, ngang qua ga điện ngầm nơi nhạc công đường phố đang vừa chơi guitar vừa hát, tôi nhận ra giai điệu quen thuộc của bài “La vie en rose”. Khi về Việt Nam tôi xem lại hình, tất cả đều là chụp cảnh. Những tấm hình duy nhất của tôi là những tấm chụp từ sau lưng được Leung gửi tặng từ Paris. Mái tóc tôi hơi khô, bay phất phơ trên đôi vai xuôi và cặp chân cong của tôi thật hợp khi đứng cạnh cái thành cầu. Tôi thích những bức ảnh đó. Chiếc Mercedes của Phong kẹt cứng suốt một tiếng đồng hồ ở ngã tư. Trong khi xe máy chen nhau nhích lên từng centimet thì dòng xe bốn bánh xếp hàng dài bất động. Phong thong thả với tay bật một đĩa nhạc có bản “La vie en rose”. Âm nhạc dường như chẳng hợp mấy với khung cảnh. - Sao em không viết một bài ký sự châu Âu? Anh sẽ đăng lên số báo ra vào thứ hai tuần tới. - Em không biết viết gì. Em thấy mình như xem phim 3D vậy. Mình tồn tại trong khung cảnh đó nhưng không hoàn toàn thuộc về nó. Các tác phẩm du ký và những bài báo du lịch nhiều lắm. Nhưng chắc đó không phải đề tài dành cho em. - Em có định theo con đường sáng tác thơ chuyên nghiệp không? - Em xem đã. Em sợ rằng khi phải sáng tác để kiếm tiền thì sẽ không còn được tự do viết ra những gì mình thật sự thích nữa. Cuối cùng thì chiếc Mercedes của Phong cũng vượt qua ngã tư kẹt cứng, leo lên cầu và hướng về phía bờ kênh. Tôi chỉ tay về tòa nhà hai mươi tầng. - Chầm chậm lại, sắp đến nhà em rồi. Em đang ở một trong số mấy cái hộp diêm đằng kia. Giá mà gặp được tay kiến trúc sư nào thiết kế tòa nhà này. Em sẽ đấm thẳng một cú vào mặt hắn. Phong bỗng phá lên cười. - Ha ha. Tình cờ là anh lại biết tay kiến trúc sư người Đài Loan đó, bọn anh ở chung nhà hồi còn bên Hàn nhưng mấy năm gần đây đã mất liên lạc. Em không có cơ hội đấm vỡ mặt hắn đâu vì nghe nói hắn đã bỏ nghề để mở tiệm cắt tóc ở Paris rồi. Mặt trời Sài Gòn rọi ánh nắng chói chang lên những ô cửa giống hệt nhau như một dãy nhà tù. Tôi nhớ đến dòng sông Seine, món cơm paella và nghĩ đến những ngày sắp tới khi mình trở về với đoạn đường quen thuộc từ cái hộp diêm này sang cái hộp diêm khác. Ngoài cửa kính xe hơi, những chiếc xe máy chen nhau từng centimet trong sự hối hả của một buổi tan tầm. Tags: Lê KhoaTruyện ngắn TTCTNghề tay tráiĐinh Ngọc Tâm
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.