Phóng to |
Sách do Tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: T.N.T. |
Nguyễn Đông Thức và Hồ Anh Thái gặp nhau ở lối viết hoạt kê, giọng điệu tưng tửng, nhưng nếu như Nguyễn Đông Thức gợi suy tư về một kiếp người (truyện Ruồi) thì Hồ Anh Thái đưa ra một vấn đề đáng luận bàn về tính cách người Việt (truyện Đồng tay Mỹ). Lê Văn Thảo, Ngô Phan Lưu, Phùng Hi thì gặp nhau ở môtip “người kể chuyện” và cả ba đều hóm hỉnh; nhưng nếu như Lê Văn Thảo thế sự trong Rừng Nga và cô gái Việt thì Ngô Phan Lưu thâm thúy trong truyện ngắn Nhiệm vụ tự nguyện, Phùng Hi đa sự quanh cái “bí rị” của nhiều người nhiều giới (truyện Bí).
Không có những tác giả viết đột phá, không có những truyện ngắn khiến sững sờ, nhưng đây là một tập truyện có chất lượng khá đồng đều. Nếu như những nhà văn có tên tuổi vẫn thể hiện phong độ ổn định, thì các nhà văn trẻ cũng thể hiện khả năng làm chủ câu chuyện với văn phong dần độ chín. Nguyễn Bích Lan có lối viết thật giản dị, giản lược nhưng khiến người đọc xúc động mạnh với truyện Người cha điếc; Lê Minh Nhựt vừa bông phèng vừa chua xót trong truyện Quán bánh xèo ở bìa rừng tràm; Bích Khoa thì đầy xáo trộn, đắm đuối trong Vùng trắng ở Bangkok...
Đọc Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Cuối Tuần 2010-2011 phần nào thấy được diện mạo truyện ngắn Việt Nam hiện nay: không phải không có những cây bút tiềm năng và ít nhiều mới mẻ với Võ Diệu Thanh, Tăng Song Nam, Nguyễn Kim Châu, Thụy Anh...; nhưng dường như vẫn thiếu một không khí văn chương thuần túy, thiếu những thúc đẩy sáng tạo quyết liệt. Cho nên, đọc xong cả tập truyện vẫn là cảm giác chờ đợi những... mùa truyện ngắn sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận