TTCT - "Thưa bác sĩ, bác sĩ đừng nói đàn bà trong đầu, mà phải nói rằng, một người đàn bà trên đầu". Tôi quyết định làm việc bằng mọi cách, cuối cùng tôi chấp nhận làm người giao hàng cho dịch vụ của một ông có tên là Crostarosa. Ông ta có một công ty du lịch lữ hành ở phía đường Veneto. Ông Crostarosa này là một người tướng tá bảnh trai, bộ mặt hồng hào với mớ tóc bạch kim, đôi mắt đen nằm dưới mớ lông mày rậm rạp và đen bóng như than. Crostarosa từng trải qua rất nhiều công việc và công ty này là nơi cuối cùng. Ông ấy biết, ví dụ như, nói lưu loát rất nhiều ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và cả tiếng Ả Rập. Tôi đã rất ngạc nhiên lúc phát hiện ra điều này, khi một lần nọ có một người có nước da đậm với một cái khăn quấn đầu và mặc một cái áo choàng dài bước vào công ty. Ông không bao giờ kể về đời mình, nhưng như tôi đã nói, ông đã phải trải qua rất nhiều: đôi khi, trong những lời kể rời rạc, với một vẻ như không có gì, cho biết rằng ông đã từng ở Ấn Độ, Brazil, ở Anh hoặc ở Úc, kiểu như tôi nói tôi từng ở Ladispoli, tôi từng đến Frascati. Ông đã trải qua rất nhiều và không còn trẻ nữa, đúng hơn là đã gần cao tuổi, mặc dù ông luôn mặc áo quần màu sáng, thường là loại kẻ ô nhỏ hai màu đen trắng, cà vạt và khăn mù xoa cầu kỳ.Crostarosa rất lịch sự, một kiểu lịch sự khó tin: ông không bao giờ mất kiên nhẫn, không bao giờ va chạm, không bao giờ nói thừa, dù bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, không bao giờ mất đi cái cung bậc của một giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn của người cha, cuốn hút, sẵn sàng phục vụ, thân thiện.Ông luôn nói năng lịch sự với tất cả: với người Đức chậm chạp và cứng đầu muốn tất cả mọi thứ phải được viết ra, tất cả phải được ghi chú, tất cả phải chi tiết; với người Mỹ khó ưa và đầy nghi ngờ bởi vì sợ người khác lừa mớ đô la của mình, với người Pháp coi mình là ông chủ cả thế giới, ưa nhục mạ kẻ khác; với người Thụy Điển kiệm lời nhưng bướng bỉnh như một con lừa.Chân dung Alberto Moravia của họa sĩ Renato Guttuso, 1982, người bạn thân thiết hơn 50 năm của nhà văn. Tư liệu Bảo tàng Moravia ở RomaCrostarosa đặt trên bàn làm việc hai hoặc ba cái điện thoại mà ông vừa trả lời điện thoại vừa viết ghi chú bằng cách kẹp ống nghe vào vai. Những cú điện thoại này đều giống nhau: người ta nói về những chuyến đi, ông trả lời họ về các chuyến đi rồi cứ thế cho tới hết. Nhưng trung bình bốn hoặc năm lần trong ngày, có một cú điện thoại khác biệt, không phải là những chuyến đi, do đó Crostarosa gạt bỏ hết giấy tờ và bút chì, chăm chú lắng nghe, cẩn trọng trả lời, không để ý gì đến công ty và khách hàng nữa.Những cuộc gọi này rất dài và dễ nhận ra rằng Crostarosa hết cả sức chịu đựng nhưng ông luôn lịch sự tử tế, như tôi đã nói, ông không nói gì để cắt đứt, hơn thế nữa, để rút bớt thời gian. Ông chỉ lắng nghe, lâu lâu nói vài tiếng, trong khi nhìn ra cửa kính, nếu có vài khách hàng bước vào, ông cười với vẻ muốn nói ráng chờ một chút, bằng một nụ cười tươi há rộng phơi hết mấy cái răng giả, bởi vì Crostarosa có hàm răng giả sáng bóng ngay từ lúc còn trẻ mới hai mươi tuổi. Cuối cùng người ở đầu dây bên kia ngưng nói, lúc đó Crostarosa đặt ống nghe xuống, không hề đưa mắt tỏ vẻ trách móc, không hề thở dài, kiểu buồn bã, không giận dữ và rất tử tế, rất nhẹ nhàng như thường khi.Trong cái văn phòng chỉ là một cái phòng dài và hẹp chỉ đáng để đặt một quầy bán kem ốc quế hơn là một đại lý du lịch, chúng tôi có ba người: một bà cô chưa chồng xấu xí, tuổi trung niên, với mớ tóc nhuộm và quăn, đeo cặp kính và một chút ác ý lưu trên chóp mũi nhọn, gập mình trên bàn máy chữ; ông Crostarosa làm hết mọi chuyện và tôi. Bà tên là Peverelli hẳn phải hiểu rất rõ ai là người điện thoại cho Crostarosa, bởi cứ mỗi lần cuộc gọi đó bắt đầu, bà ngưng gõ máy đánh chữ, ngồi yên sau cái bàn nhỏ để dõi theo cái màn trình diễn đầy kiên nhẫn của Crostarosa với một vẻ ác ý xen lẫn thương xót. Có lẽ bà Peverelli phải lòng ông Crostarose. Chắc chắn rằng bà thương mến ông; cứ mỗi lần ông đặt điện thoại xuống, bà thở dài và lắc đầu theo một kiểu dáng như muốn nói rằng: "Kẻ đáng thương, tôi xót giùm anh ta. Nhưng anh ta quá nhẫn nại, nếu tôi là người trả lời, tất cả sẽ phải khác". Có những bộ mặt biết nói và nói rất nhiều điều mà không hề mở miệng. Bà cô Peverelli có một gương mặt loại đó.Tôi thật sự không hiểu gì hết; rồi cuối cùng, một bữa nọ tôi hiểu ngay mọi chuyện. Crostarosa đi ra ngoài để lo vé ở một hãng máy bay. Bà cô chưa chồng, vì chưa tới bốn giờ chiều nên không có mặt; còn tôi, trong cái ngày tháng sáu nóng nực đó, tôi ngầy ngật đứng sau quầy, nhìn đám người ít ỏi ngang qua sau lớp kính. Điện thoại reo vang, tôi nhấc máy, một giọng nói êm ái, rất hay, một giọng nói của thiên thần hỏi rằng: "Có ông Crostarosa đó không?".Tôi trả lời ngay lập tức giống như đã được dặn dò: "Không có ông ấy ở đây, ông đi tới đại lý vé máy bay, chút nữa ông sẽ trở lại"."Tôi đang nói chuyện với ai vậy?"." Với người giao hàng, Luigi… Và bà, xin lỗi, bà là ai? Ông Crostarosa dặn tôi phải ghi lại tên của tất cả những người điện thoại đến"."Tôi là bà Crostarosa. Luigi, ông có thấy chán không?".Với câu hỏi này, thật sự mà nói, nó làm tôi há hốc miệng ra.Tôi lắp bắp: "À, thưa bà, tàm tạm…".Và bà ta, "Luigi, tôi chán lắm, ngộp thở, tôi không chịu thêm được nữa. Luigi, nói giùm với ông Crostarosa khi ông ấy quay trở lại rằng đừng phí công điện thoại cho tôi nữa vì tôi đã nhảy qua cửa sổ rồi".Và cộp, điện thoại dập. Tôi vẫn còn chưa quen, nên sau lời tuyên bố chắc nịch như vậy tôi thấy không yên. Bà ta quăng mình ra cửa sổ và tôi không thể làm được gì cả, tôi không thể gọi lại vì không biết số điện thoại nhà của Crostarosa, cũng không thể tới đó vì không biết địa chỉ. Nửa tiếng trôi qua, ông Crostarosa quay lại văn phòng. Tôi vội vàng nói: "Mau mau, ông Crostarosa, mau lên, vợ ông vừa điện thoại nói rằng bà nhảy qua cửa sổ".Ông ta nhìn tôi mà không hề lo lắng cũng không nói tiếng nào. Ông cất vào ngăn kéo mấy tấm vé máy bay cầm trên tay rồi bình tĩnh nhấc điện thoại, nhấn số. Bà ta trả lời ông ngay lập tức và sau đó một chút ông hỏi lại: "Em yêu, tại sao em lại nói những điều tệ hại vậy với Luigi? Em làm cậu ấy thất kinh lo sợ". Ngưng một chút rồi: "Ồ không, em yêu, thiên thần của anh, không, em không phải làm vậy, nếu em thương anh như em nói. Còn con gái nữa, em không nghĩ đến con sao? Hơn nữa, tại sao em không đến khách sạn nào đó uống trà? Hay là điện thoại cho Alice để họp nhau đánh bài?". Ngưng thêm chút: "Đừng mà, đừng mà, xin em, anh cầu xin em, đừng làm thế, em muốn anh chết vì đau khổ, hãy nghĩ đến con gái của chúng ta. Thế này, tại sao em không đi coi bộ phim hay ho đó đi, ở đó có điều hòa nhiệt độ, em sẽ thích thú". Ngưng tiếp một chút nữa: "Không mà, không, không, em đừng nói điều này, em không được ngay cả nghĩ tới nó, có anh đây và anh rất rất yêu thương em, có con gái. Em muốn bỏ lại anh và con sao?". Và bước này kết thúc.Sau đó, nhiều cuộc điện thoại khác nữa, tôi biết những gì bà ta trả lời cho những van xin và căn dặn của người đàn ông vô cùng tử tế này: "Em nhảy qua cửa sổ đây, đúng, em nhảy, em nhảy". Đây là một thứ ám ảnh của người đàn bà đó với cái cửa sổ. Còn ông ta, nhẫn nại, ngọt ngào, tìm cách hạ hỏa, tìm cách an ủi bà và cuối cùng ông đã đạt được, tóm lại, bà không quăng mình qua cửa sổ.Đủ rồi, tháng bảy đến và Crostarosa làm một sự hy sinh lớn, bởi vì ông không giàu, ông để vợ cùng bà quản gia và con gái đi Cortina d'Ampezzo, đến một trong những khách sạn hạng sang nhất. Mọi người có thể tin không? Bà ta tiếp tục điện thoại cho ông, cũng cùng một kiểu, chỉ khác là thay vì từ đường Caroncini ở Roma, nơi họ cư ngụ, các cuộc điện thoại giờ đây tới từ Cortina, với giá cước hàng trăm lire mỗi ba phút. Còn ông ta, kẻ khốn khổ, biết rõ ràng là tiền bạc bay vèo, toát mồ hôi và run rẩy nhưng vẫn cứ thế, vẫn sự sợ hãi rằng bà ta có thể nhảy lầu thật sự, không tìm cách cắt ngắn cuộc nói chuyện mà dỗ dành và van xin.Từ Cortina d'Ampezzo bà ta đi biển Venezia và ngay cả nơi đó, do bà ta buồn chán và các cánh cửa sổ ở trên cao, bà ta dọa dẫm, qua đường dây điện thoại đường dài, sẽ quăng mình qua cửa sổ. Crostarosa, từ văn phòng làm việc ở Roma, nài nỉ bà đừng nhảy xuống và hãy nghĩ đến ông cùng con gái. Ông trở nên dễ bị kích động và khi bà ta nói chuyện với ông qua điện thoại, ông còn quên cả nở nụ cười với những người khách bước vào.Một ngày nọ trong lúc ông đang bận rộn trong phòng vào giờ giấc quốc tế để tiếp chuyện một ông người Mỹ muốn đi Iran, bà ta điện thoại như thường lệ. Crostarosa nhấc ống nghe, nói ngắn gọn: "Xem nào, thiên thần của anh, anh thật sự không có thời gian. Anh sẽ nhờ Luigi mang đến cho em một lá thư". Ông lấy trong hộc bàn ra một lá thư viết sẵn, ông đưa cho tôi và khẳng định rằng tôi sẽ giao thư cho bà vợ ở đường Caronci.Tôi đến đó. Đó là một căn nhà đẹp và hiện đại, tôi đi thang máy lên tầng hai, bước vào một căn hộ lịch sự, sang trọng và thầm nghĩ: "Phải mà mình có một căn hộ như thế này, chắc hẳn là mình không nghĩ đến chuyện nhảy qua cửa sổ". Cô hầu gái, trẻ và đẹp, choàng cái tạp dề bằng ren và đội mũ, dẫn tôi vào một phòng khách rộng rãi. Ngồi dưới nền nhà, chăm chú chơi với một con búp bê và một con gấu bằng vải là một cô bé khoảng chừng bốn tuổi, có khuôn mặt tròn đẹp đẽ, hồng hào khỏe mạnh và cặp mắt màu xanh lóng lánh đẹp như hai bông hoa. Trên chiếc ghế bành, đối diện cửa sổ là bà Crostarosa.Phải nói thật rằng, tôi tưởng tượng bà ta khác hẳn dù với cái giọng nói ngọt ngào: rối rắm, kích động, một mụ phù thủy. Ngược lại, tôi thấy một phụ nữ rất trẻ, chừng hai mươi bốn tuổi, một gương mặt thanh tú, cái miệng như một đóa hồng và cặp mắt to sẫm, đẹp đẽ nhưng biểu hiện đầy đau khổ. Bà ta đứng dậy, tôi bước vào và nhận thấy bà ta có dáng cao, lịch sự, thanh mảnh. Bà có bàn tay dài và trắng trẻo, ngón tay đeo một chiếc nhẫn kim cương.Bà ta nói rằng: " Ông là Luigi, đúng vậy không? Tôi đoán thế".Rồi bà ta nhận lá thư và lui về ngồi vào ghế bành, nói thêm với tôi là đừng bỏ đi, rằng bà muốn đọc thư trước đã. Trong khi bà đọc, tôi thấy hai tròng mắt đảo từ phía này sang phía kia của tờ giấy, chuyển động liên tục dưới mí mắt khép hờ và tôi hiểu bà không bình thường vì hai tròng mắt ánh lên một vẻ kỳ lạ.Thật vậy, đọc xong lá thư, bà giống như lên cơn thần kinh. Bà xé toang lá thư, quăng nó xuống đất rồi úp mặt vào lòng bàn tay vẻ hoảng hốt và nói điều gì đó tôi không rõ. Bà làm những việc này mà không nghĩ rằng tôi đang nhìn bà, đứa nhỏ cũng thế, cô bé chừng đã quá quen, nên bé tiếp tục im lặng chơi với con búp bê và con gấu. Cuối cùng bà bắt đầu lặp lại những điều hay nói qua điện thoại: "Tôi chán quá, quá chán, tôi không thể chịu thêm được nữa, tôi quăng mình qua cửa sổ, đúng, tôi nhảy, nhảy xuống đây". Không biết phải làm gì, tôi tới gần bà, ngồi vào cái ghế bên cạnh bà và nói:"Thưa bà, bà đừng nói điều này, bà không nên nhảy xuống"."Tại sao không, hở Luigi?", bà hỏi, sẵn sàng, bỏ hai bàn tay khỏi mặt và nhìn tôi bằng cặp mắt tuyệt vời.Tôi đáp: "Bởi vì cuộc sống tươi đẹp, thưa bà. Bà hãy nhìn tôi, tôi ngủ dưới gầm cầu thang, gặm bánh mì, mang giày rách nhưng tôi không chán và cũng chẳng nghĩ tới chuyện quăng mình qua cửa sổ". "Nhưng các anh khác hẳn, các anh những người bình dân, ít ra các anh còn có sự khốn khó để lo nghĩ tới, tôi chẳng có gì, chẳng có gì cả, hoàn toàn không có gì"."Nhưng thưa bà, bà có đứa con gái đáng yêu, có người chồng chỉ biết tới bà, bà có căn nhà đẹp, bà đi đó đây, vui thú, tại sao bà lại muốn quăng mình qua cửa sổ?".Trong khi đang nói như vậy, tôi không hiểu sao lại nắm lấy tay bà ta và bà để yên. Thật lòng mà nói, tôi chợt thấy bối rối bởi vì bà là một phụ nữ quá đẹp và những phụ nữ thượng lưu như thế tôi chỉ nhìn thấy qua phim ảnh. Vậy là tôi nắm lấy tay bà, tiếp tục đầy nhiệt thành: "Thưa bà, bà nói rằng người nghèo ít ra còn nghĩ tới sự nghèo khó, nhưng bà có biết nghèo khó là gì không? Bà có biết, ví dụ như thất nghiệp là gì không?".Và bà ta, trong phút chốc gào lên: "Nhưng ai là kẻ không biết có việc gì để làm bằng tôi không? Suốt cả ngày tôi chẳng có gì để làm, tôi chẳng biết làm gì ngay cả cho tôi, tôi không biết đặt mình vào đâu… a, tôi hết chịu nổi rồi, tôi đi quăng mình qua cửa sổ đây, đúng rồi, tôi nhảy xuống"."Thưa bà, bà thử làm việc xem sao, bà sẽ không cảm thấy chán nữa".Bà ta gào tiếp: "Làm việc, nhưng tôi đã thử làm việc, chồng tôi đã nhận tôi vào văn phòng. Tôi từng gõ máy chữ, ngồi vào chỗ của bà cô Peverelli đáng ghét đó nhưng tôi cũng muốn điên lên vì chán. Có lẽ tôi đã giết hết cái lũ vô lại tới hỏi thông tin về các chuyến đi. Tôi đã nói với chồng, anh hãy nhận một thư ký khác, không thì em nổi điên và một ngày em sẽ lên tầng trên và quăng mình qua cửa sổ".Tôi nghĩ: "Vậy thì hãy làm giùm ông ấy nơi cái cửa sổ này đi". Vẫn nắm lấy tay bà ta, tôi nói: "Nhưng tình yêu, thưa bà, bà đã bao giờ thử nó chưa?". Trong một chút tôi gần như hy vọng bà ta sẽ choàng tay vào cổ tôi và nói rằng: "Luigi, em yêu anh, em sẽ không nhảy qua cửa sổ nữa". Ngược lại, bà ta không làm thế. Bà hét lớn: "Xin hãy làm ơn, tình yêu, nó làm tôi kinh tởm, tình yêu… Tất cả đám đàn ông đi theo sau đàn bà đều nói cùng chung một giọng điệu khiến điên lên được, thà làm thư ký cho chồng tôi còn hơn. Vậy thì a ha, tình yêu, đừng nói đến tình yêu với tôi, anh Luigi ạ".May mắn sao, lúc này điện thoại reo vang. Bà ta bước tới và nói liền: "À, là anh, Gaetano". Chính là ông chồng. Tôi nghĩ rằng lúc này để cho ông ấy thuyết phục bà ta, tôi lui ra cửa và đi ra ngoài.Tôi xuống cầu thang và nghĩ, "Người như ông ấy, loại người như thế, có trả bằng vàng cũng không tìm được người thứ hai" và tôi bước ra cổng qua lối vào của tòa nhà. Cánh cổng nằm ngay dưới cửa sổ của nhà Crostarosa, bên dưới hai tầng nhà.Tôi vừa ra, chỉ trong nháy mắt, nghe thấy một tiếng hét và rồi ầm ầm, một cú khủng khiếp và một sức nặng ghê gớm đè lên người tôi. Tôi ngã lăn ra đất và bất tỉnh, không nghe thấy gì nữa.Tỉnh dậy trong bệnh viện, trên một chiếc giường đặt giữa nhiều giường khác, xếp ngay ngắn thành hai hàng dọc theo tường một căn phòng lớn màu trắng toát. Tôi bị quấn băng quanh người và cảm thấy đau đớn. Có một bà sơ ngồi bên cạnh, giải thích cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra. Bà ấy nói qua điện thoại như mọi khi: "Em quăng mình qua cửa sổ đây, đúng vậy, em nhảy, nhảy đây". Ông Crostarosa cuối cùng mất hết cả kiên nhẫn hoặc là quá mức chịu đựng bởi cái nóng rát khủng khiếp đã trả lời với bà vợ, lần đầu tiên như thế: "Vậy thì nhảy đi". Thế là bà ta, với một cách thức vô cùng giản đơn, đặt ống nghe xuống, đi tới gần cửa sổ và nhảy xuống.May mắn làm sao bà ta rơi trúng người tôi đúng ngay khi tôi rời tòa nhà. Kết quả: tôi bị gãy hai hay ba cái xương sườn, còn bà ta không bị sao cả, cứu thoát bà khỏi cơn kích động thần kinh vì tôi thành cái gối đệm cho bà, giờ đây tôi phải nằm bệnh viện, còn bà ở nhà.Một lúc sau, ông giáo sư bác sĩ dẫn theo các điều dưỡng và một loạt y tá kéo tới. Cái cách ông nhìn tôi, có lẽ vì có quá nhiều bệnh nhân khác, ông nói: "Mọi chuyện tốt đẹp đấy anh bạn trẻ, các anh thật may mắn. À, anh và những chàng trẻ khác, các anh chẳng có gì ngoài đàn bà trong đầu. Ai đó nhắc nhở ông rằng ông đã lầm, người tự tử vì tình nằm cách một giường ở đằng kia".Tôi trả lời: "Thưa bác sĩ, bác sĩ đừng nói đàn bà trong đầu, mà phải nói rằng, một người đàn bà trên đầu".■(Liên Hương dịch từ nguyên bản tiếng Ý "Una donna sulla testa") Tags: Alberto MoraviaTruyện ngắn ÝĐàn bàVăn chương ÝMột người đàn bà trên đầu
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.